Aa

Thủ Thiêm: Nửa thế kỷ long đong quy hoạch

Thứ Năm, 21/12/2017 - 11:42

Trong khi Singapore phải lấn biển hàng chục năm để có thêm đất, Sài Gòn lại có sẵn ngay bán đảo Thủ Thiêm, đất dự trữ phát triển với ba mặt nhìn ra thành phố cũ, chỉ cách trung tâm hiện hữu một con sông rộng chưa tới 300m. Nhưng suốt 50 năm qua, sau ba đồ án quy hoạch đầy tham vọng trong lịch sử: 1965, 1972 và gần nhất là 2012, Thủ Thiêm vẫn là vùng đất nằm chờ cơ hội.

 

Thủ Thiêm đầu thập niên 70. Nguồn: Wurster, Bernadi and Emmons Architects and Planners (1972)

Thủ Thiêm đầu thập niên 70. Nguồn: Wurster, Bernadi and Emmons Architects and Planners (1972)

Sông Sài Gòn đoạn chảy qua trung tâm Tp. HCM và bán đảo Thủ Thiêm hôm nay.

Sông Sài Gòn đoạn chảy qua trung tâm Tp. HCM và bán đảo Thủ Thiêm hôm nay.

Ðồ án 1965: Xây dựng một mô hình đô thị bản địa

Năm 1965, Công ty tư vấn Doxiadis Associates (DA) của kiến trúc sư Hy Lạp Constantinos Apostolou Doxiadis được Nha Kiến thiết (Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa) giao hai trọng trách: đề xuất một kế hoạch phát triển cho vùng đô thị Sài Gòn – Chợ Lớn trong vòng 20 – 30 năm; và nghiên cứu mô hình nhà ở phù hợp với điều kiện của miền Nam Việt Nam để triển khai một dự án thí điểm xây dựng 1.000 căn nhà. Nhóm tư vấn đã lựa chọn bán đảo Thủ Thiêm là dự án tiên phong để phát triển nhà ở trong thành phố.

Tại thời điểm đó, nhu cầu mở rộng khu trung tâm Sài Gòn chưa xuất hiện. Ngược lại, cung cấp nhà ở cho một lượng di dân khổng lồ từ các vùng nông thôn đang có chiến tranh là mục tiêu số một. Dân số Sài Gòn tăng mười lần trong vòng 25 năm, từ 24 vạn lên tới 2,4 triệu người, trong một thành phố vốn chỉ được người Pháp thiết kế cho nửa triệu người. Trong bối cảnh đó, vùng đất trống bên kia bờ sông Sài Gòn là địa điểm lý tưởng để xây dựng nhà ở phục vụ nhu cầu cấp bách của di dân.

Thiết kế khu đô mới Thủ Thiêm của công ty tư vấn Doxiadis Associates. Nguồn: Doxiadis Associates (1965)

Thiết kế khu đô mới Thủ Thiêm của công ty tư vấn Doxiadis Associates. Nguồn: Doxiadis Associates (1965)

Một mẫu nhà công ty Doxiadis phát triển từ quan sát các khu dân cư cũ trong nội thành Sài Gòn với gác xép để tăng diện tích ở và mái cao với thông gió để phù hợp với khí hậu nóng ẩm tại địa phương. Doxiadis Associates (1965)

Một mẫu nhà công ty Doxiadis phát triển từ quan sát các khu dân cư cũ trong nội thành Sài Gòn với gác xép để tăng diện tích ở và mái cao với thông gió để phù hợp với khí hậu nóng ẩm tại địa phương. Doxiadis Associates (1965)

Công việc thiết kế một khu dân cư mới được nhóm tư vấn Hy Lạp bắt đầu bằng một khảo sát ba khu hiện hữu: khu dân cư cũ, khu nghèo và khu có cả người giàu và người nghèo ở lẫn, để hiểu lối quần cư của người Việt, nhu cầu của các nhóm xã hội khác nhau và tìm kiếm vật liệu và kỹ thuật xây dựng tại địa phương mà đã được minh chứng qua thời gian. Thêm nữa, các tác giả còn làm một khảo sát tới 117 hộ gia đình (738 cư dân) để hiểu điều kiện, nhu cầu và mong ước của họ.

Ý tưởng chủ đạo của phương án quy hoạch là việc kéo dài đại lộ Hàm Nghi qua bờ bên kia sông Sài Gòn rồi hướng thẳng về phía Biên Hòa – hướng phát triển chủ đạo của thành phố, tạo thành trục chính Ðông – Tây của khu đô thị mới. Dọc theo trục xương sống này là một dải đất hành chính và thương mại. Nhóm tư vấn ứng dụng mô hình “ô phố cực lớn” (mega block) để tách rời giao thông cơ giới và đường đi bộ. Mỗi ô phố là một khu dân cư hình chữ nhật được thiết kế mô phỏng những cụm dân cư vùng sông nước Nam bộ với hệ thống kênh rạch, thay vì những tuyến phố, tạo nên trục công cộng chính. Những con kênh này, nằm theo hướng dòng chảy của sông Sài Gòn, sẽ được dùng vào cả mục đích giao thông và thoát nước. Không có đường xe cơ giới nào chạy xuyên qua khu dân cư mà chỉ có những con đường đi bộ nhỏ len lỏi vào từng khu nhà ở thấp tầng (khảo sát của nhóm tư vấn tại Sài Gòn cho thấy 55% số người được hỏi nói rằng đi bộ là phương tiện chính của họ). Những mẫu nhà ở đậm chất địa phương: sử dụng vật liệu tự nhiên và được bố trí trồi ra, thụt vào dọc theo tuyến đường đi bộ như trong những làng xóm truyền thống.

Vì nhu cầu nhà ở đang cấp bách, các nhà quy hoạch của Công ty DA dồn hết tâm huyết vào khu dân cư. Các sử dụng đất khác chỉ được coi là thứ yếu và dường như chỉ được nhận phần đất thừa sau khi khu dân cư đã được bố trí ổn thỏa. Trong bối cảnh mặt nước sông Sài Gòn đã nhộn nhịp thuyền buôn và tàu chiến qua lại, đồ án lại để ngỏ một trong những câu hỏi khó nhất của việc phát triển Thủ Thiêm: vượt sông Sài Gòn như thế nào: bằng cầu hay hầm?

Ðồ án của DA được phê duyệt năm 1968 và thậm chí đã được in lên một số bản đồ Sài Gòn đầu thập niên 1970 nhưng không bao giờ trở thành hiện thực. Việc quy hoạch Thủ Thiêm như là những khu dân cư ngoại ô khép kín thay vì một khu đô thị trung tâm có mạng đường ô bàn cờ đã khiến cho việc phân nhỏ dự án và phân kỳ đầu tư gặp khó khăn. Thêm nữa, các nhà quy hoạch Hy Lạp đã không tôn trọng hiện trạng tự nhiên của vùng đất mà đề xuất lấp toàn bộ rạch tự nhiên và đào một hệ thống rạch hoàn toàn mới, dẫn đến phí tổn quá lớn trong khi ngân sách miền Nam đang phải gánh cuộc chiến đã tới kỳ khốc liệt.

Cuối cùng đồ án của DA vẫn chỉ là một ước mơ dang dở. Không có dự báo nhu cầu sử dụng đất, không có đánh giá tác động giao thông và quan trọng nhất, không có kế hoạch và đánh giá về tài chính cho dự án – những thiếu sót cơ bản trong quy hoạch đô thị mà nền quy hoạch Việt Nam đương đại cũng vẫn chưa thoát khỏi – dự án dừng lại ở những bản vẽ.

Ðồ án 1972: Một đô thị “tự túc dồi dào”

Ba năm sau khi đồ án của Doxiadis được phê duyệt, một nghiên cứu khác được bắt đầu, thực tế hơn và với một tầm nhìn khác cho Thủ Thiêm.

Quy hoạch phát triển Thủ Thiêm lần hai, hoàn thành năm 1972, do một nhóm công ty tư vấn dẫn đầu bởi Wurster, Bernadi and Emmons Architects and Planners (WBE) đóng tại San Francisco (Mỹ) thực hiện. Các thành viên khác của nhóm gồm có một công ty tư vấn tài chính – kinh tế, một công ty về giao thông và một về kỹ thuật hạ tầng. Một đội ngũ đa ngành và có tầm nhìn chiến lược đã giúp đồ án Thủ Thiêm năm 1972 có những màu sắc mới. Tại thời điểm này, Thủ Thiêm đã được nhìn nhận như là sự mở rộng của khu trung tâm hiện hữu. Ðồng thời, tiếp nối đồ án DA, quy hoạch Thủ Thiêm năm 1972 vẫn khuyến khích mô hình đô thị đa chức năng vốn là đặc tính của đô thị Việt Nam.

Tránh sai lầm của đồ án do DA thực hiện, đồ án Thủ Thiêm năm 1972 có một phần sưu khảo công phu tập trung năm nhóm vấn đề chính: xu hướng phát triển của vùng Sài Gòn; địa chất và địa dạng; đánh giá lưu lượng giao thông cho các tuyến đường nội bộ và các phương án cùng chi phí vượt sông Sài Gòn; dự báo 30 năm về giá trị đất đai, nhu cầu sử dụng đất, phân tích phí tổn-lợi cho từng phương án và dòng tiền đầu tư công; đánh giá chính sách, luật lệ của chính quyền về phát triển đô thị. Có lẽ rất ít, nếu không phải là không có đồ án quy hoạch nào cho đến tận ngày hôm nay có được tính tổng hợp và đa ngành thực sự như quy hoạch Thủ Thiêm năm 1972.

Bản vẽ minh họa mặt bằng trong đồ án quy hoạch Thủ Thiêm năm 1972. Nguồn: Wurster, Bernadi and Emmons Architects and Planners (1972).

Bản vẽ minh họa mặt bằng trong đồ án quy hoạch Thủ Thiêm năm 1972. Nguồn: Wurster, Bernadi and Emmons Architects and Planners (1972).

Về mặt cấu trúc, đồ án 1972 phát triển xung quanh một hệ thống đường huyết mạch ba lớp song song hình vòng cung uốn theo hình hài của bán đảo. Cấu trúc này được phát triển dựa trên nhận thức rằng mô hình một trục Ðông – Tây như trong đồ án 1965 dồn hết lượng giao thông vào một tuyến huyết mạch duy nhất và không khuyến khích phát triển ven sông Sài Gòn. Ðể giảm chi phí đầu tư hạ tầng, những tuyến đường trục chính là sự mở rộng và kéo dài của hai con đường cũ trên bán đảo, đồng thời tất cả các con rạch được giữ nguyên và kết nối với nhau để gia tăng khả năng thoát nước và phục vụ giao thông thủy. Các ô phố cực lớn trong đồ án 1965 cũng được thay thế bằng những ô phố nhỏ hơn, không quá khác biệt về kích cỡ so với trung tâm Sài Gòn hiện hữu, để dễ dàng phân kỳ và chia nhỏ quy mô đầu tư.

Thủ Thiêm được nối với quận Nhất thông qua việc kéo dài đại lộ Hàm Nghi và đường Nguyễn Bỉnh Khiêm – hai trục lộ cùng với bờ Ðông của sông Sài Gòn tạo thành một tam giác phát triển để xây dựng một trung tâm mới cho đô thành Sài Gòn. Trong đồ án này, nhóm tư vấn đề xuất một quảng trường dài từ bờ sông Sài Gòn, đối diện công trường Mê Linh, tới khu hành chính nằm ở lõi trung tâm – một ý tưởng tiếp tục được khai thác trong các quy hoạch sau này.

Phối cảnh của đồ án quy hoạch phát triển Thủ Thiêm năm 1972 (từ trái qua phải): Trung-tâm Chánh-Quyền, Trung-tâm Văn-hóa Giáo-dục và Khu Chợ búa. Nguồn: Wurster, Bernadi and Emmons Architects and Planners (1972).

Phối cảnh của đồ án quy hoạch phát triển Thủ Thiêm năm 1972 (từ trái qua phải): Trung-tâm Chánh-Quyền, Trung-tâm Văn-hóa Giáo-dục và Khu Chợ búa. Nguồn: Wurster, Bernadi and Emmons Architects and Planners (1972).

Ba phần thú vị nhất của đồ án là những thảo luận về việc kết nối hai bờ sông Sài Gòn, phần về tài chính và phần đề xuất chính sách. Dựa trên những nghiên cứu về giao thông và giá trị đất đai, đồ án yêu cầu thành phố sớm hoàn thành tuyến đường vành đai về phía Nam (đường Nguyễn Văn Linh hiện nay) để giảm lưu lượng giao thông xuyên qua trung tâm thành phố và kết nối với sân bay tương lai (sân bay Long Thành), di dời Tân Cảng và xưởng đóng tàu Hải quân (Ba Son) để xây cầu thấp kết nối quận Nhất với Thủ Thiêm. Tất cả những đề xuất này đều phải chờ tới 30 năm sau mới được xem xét thực hiện bởi chính quyền mới.

Hạn chế lớn nhất của đồ án Thủ Thiêm năm 1972 có lẽ chính là tuyến đường huyết mạch vòng cung được thiết kế như một đường cao tốc thay vì một đại lộ trong đô thị. Về mặt kỹ thuật, các nhà quy hoạch Hoa Kỳ có thể đã có lý khi đề xuất tuyến đường này để phân phối lưu lượng giao thông tốt hơn trên bán đảo. Tuy nhiên, về mặt thiết kế đô thị, giải pháp này, cộng với việc tôn trọng hoàn toàn hiện trạng kênh rạch, đã “băm” Thủ Thiêm thành từng “ốc đảo” đô thị nhỏ, kết nối kém nhưng lại có quy mô quá nhỏ để phát triển độc lập. Thiết kế Thủ Thiêm của WBE cũng thiếu hẳn những đại lộ duyên dáng và có tính biểu tượng cao như di sản đô thị mà người Pháp đã để lại bên kia sông Sài Gòn.

Tập trung vào chiến lược phát triển, đồ án của WBE do đó thiếu vắng những đề xuất về kiến trúc công trình và không gian công cộng cũng như sự tương tác giữa hai thành phần này như những gì mà đồ án năm 1965 của DA đã đóng góp. Tuy nhiên, thông qua bản vẽ minh họa mặt bằng, có thể thấy rằng các nhà quy hoạch Hoa Kỳ vừa thực tế và cũng rất nhạy cảm với bối cảnh địa phương bằng việc tiếp tục tạo ra một thành phố của những công trình và không gian công cộng nhỏ, thân thiện với con người, phân tán khắp nơi và luôn có sự gắn kết một cách tự nhiên, bất quy tắc với sông nước, như những gì mà họ quan sát được tại thành phố Sài Gòn và các đô thị miền Nam khi ấy.

Quy hoạch Thủ Thiêm năm 1972 và sau đó là Kế hoạch phát triển vùng Sài Gòn năm 1974 do Nha Kiến thiết thị thôn thực hiện là những bước tiến dài về phương pháp quy hoạch trong lịch sử phát triển đô thị ở Việt Nam. Bước tiến này, tiếc thay, không được kế thừa sau năm 1975.

Ðồ án (điều chỉnh) 2012: Thiếu bản sắc, xa thực tế

Chiến tranh đi qua nhưng số phận của bán đảo Thủ Thiêm chưa hết long đong.

Chìa khóa cho việc phát triển Thủ Thiêm nằm ở sự kết nối giữa hai bờ sông Sài Gòn. Vượt qua khoảng cách 300m giữa hai bờ một dòng sông hiền hòa tưởng chừng là một việc đơn giản nhưng lại khó khăn biết bao nhiêu bởi tư duy ấu trĩ của thời chiến. Từ năm 1994, chuyện vượt sông Sài Gòn bắt đầu được hâm nóng lại với ý tưởng về một cây cầu. Thế nhưng Tân cảng và xưởng Ba Son, dưới sự quản lý của quân đội, đã không đồng ý di dời dù nằm ở những vị trí sâu trong nội địa, không thuận lợi để phát triển lâu dài. Ðến năm 1999, sau nhiều tranh luận, chính quyền thành phố quyết định xây hầm để nối Sài Gòn với Thủ Thiêm. Trớ trêu thay, không lâu sau ngày khởi công hầm Thủ Thiêm, cả Tân cảng và nhà máy Ba Son được quyết định di dời ra ngoài thành phố. Giải pháp hầm không chỉ tốn kém hơn xây cầu gấp bốn đến tám lần mà nghiêm trọng hơn, còn khiến cho bán đảo Thủ Thiêm rơi vào cảnh “gần nhà, xa ngõ” so với ba trục đường trung tâm thành phố: Ðồng Khởi, Lê Lợi và Nguyễn Huệ.

Nếu việc xây hầm đã “đẩy” Thủ Thiêm ra xa trung tâm Sài Gòn hơn, thì đồ án Thủ Thiêm thứ ba lại thiếu tính thực tế cần thiết để “hàn gắn” mối quan hệ lỏng lẻo giữa hai trung tâm đô thị này.

Mặt bằng minh họa cho đồ án quy hoạch Thủ Thiêm năm 2012. Nguồn: Sasaki Associates (2012).

Mặt bằng minh họa cho đồ án quy hoạch Thủ Thiêm năm 2012. Nguồn: Sasaki Associates (2012).

Thủ Thiêm cần những quyết sách ở tầm quốc gia và một tư duy quy hoạch hoàn toàn mới: thực tế, nhạy bén với thị trường và nhạy cảm với bối cảnh địa phương. Ảnh: Flickr – Max Ho

Thủ Thiêm cần những quyết sách ở tầm quốc gia và một tư duy quy hoạch hoàn toàn mới: thực tế, nhạy bén với thị trường và nhạy cảm với bối cảnh địa phương. Ảnh: Flickr – Max Ho

Năm 2003, Sasaki Associates (Hoa Kỳ) thắng giải thưởng cuộc thi thiết kế Trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm và sau đó tiếp tục điều chỉnh đồ án quy hoạch cho tới năm 2012. Tầm nhìn cho bán đảo Thủ Thiêm khi này là một “trái tim mới” trong thế kỷ 21 cho TP.HCM với sự kết hợp hài hòa giữa hệ thống kênh rạch, công viên thiên nhiên, không gian công cộng, những thiết kế kiến trúc đương đại nhưng vẫn bảo tồn tỷ lệ đô thị thân thiện với con người vốn là đặc trưng của Sài Gòn.

Về mặt cấu trúc, có ba không gian mở chính trên bán đảo: dải công viên ven bờ sông Sài Gòn; dải công viên ven mặt nước tạo thành một hành lang xanh trong lòng bán đảo; và vùng châu thổ thấp phía Nam Thủ Thiêm được bảo tồn để dành thêm không gian cho nước và thiên nhiên giữa lòng đô thị Sài Gòn. Kết nối giữa ba không gian xanh này là những dòng kênh, những đại lộ và quảng trường mở tầm nhìn từ lõi Thủ Thiêm ra tới sông Sài Gòn và thành phố cũ phía bên kia dòng nước. Thế nhưng đồ án Thủ Thiêm năm 2012 với sự độc đáo về cảnh quan ấy lại có một tương lai không rõ ràng bởi thiếu đi sự nhạy cảm với thị trường bất động sản và logic về hệ thống giao thông để thu hút đầu tư.

Trước hết, sai lầm lớn nhất của đồ án 2012 là cách phân bổ mật độ xây dựng công trình. Những ô phố xung quanh cửa hầm Thủ Thiêm phía bên bán đảo lại chỉ được bố trí tầng cao tối đa 30 tầng trong khi đây là vị trí thuận lợi nhất để phát triển bởi có kết nối giao thông tốt nhất và đối diện với trục Nguyễn Huệ và Hàm Nghi. Việc một nhà đầu tư đã tác động để thay đổi sử dụng đất của lô phố ngay cửa ngõ đường dẫn xuống hầm Thủ Thiêm từ một tháp quan sát (công trình đơn thuần có tính biểu tượng) sang một tòa cao ốc 86 tầng phản ánh tính nhanh nhạy của các nhà đầu tư khi nhìn ra tính chiến lược của địa điểm này cũng như sự non nớt về thị trường của đồ án ban đầu. Cùng lúc đó, đồ án lại đề xuất bố trí những công trình cao tầng nhất dọc theo hai bên đại lộ hình cung – một trong hai tuyến huyết mạch của Thủ Thiêm – vốn không thể kết nối trực tiếp với đại lộ Ðông Tây và do đó có kết nối kém hơn với trung tâm hiện hữu cũng như toàn vùng.

Thêm nữa, việc bố trí tàu điện ngầm đi qua những khu vực có mật độ thấp nhất tại Thủ Thiêm, dọc theo đại lộ Ðông – Tây, và dùng xe buýt để phục vụ dải đô thị mật độ cao ven sông Sài Gòn là một ví dụ nữa về tính phi lý của đồ án.

Việc tạo dựng một quảng trường lớn hướng về phía công trường Mê Linh, vốn không phải là một không gian công cộng quan trọng của thành phố, trong khi không đả động gì tới vị trí đối diện đại lộ Nguyễn Huệ và Hàm Nghi, phản ánh sự gượng gạo và xa rời thực tế của đồ án.

Cuối cùng, đồ án SA thiếu hẳn những quan sát sâu sắc về đô thị Sài Gòn nói riêng và đô thị Việt Nam nói chung và do đó thiếu đi sự độc đáo về văn hóa và tính bản địa trong thiết kế như hai đồ án trước 1975. Quy hoạch Thủ Thiêm, nếu không biết đến tên gọi, có thể đã được thực hiện cho bất cứ thành phố nào trên khắp thế giới.

50 năm, giấc mơ Thủ Thiêm vẫn chưa thành.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top