Hội thảo do Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.
Tại hội thảo, Kỹ sư Nguyễn Văn Đực - Phó Giám đốc Cty TNHH địa ốc Đất Lành cho rằng, thủ tục càng nhiêu khê, phức tạp, thời gian kéo dài làm tiêu hao tài sản và công sức của doanh nghiệp, dẫn đến dự án chậm khởi công, chậm đưa sản phẩm ra thị trường và tăng giá bán từ 10% - 20% mà chưa chắc chất lượng tốt hơn.
Trao đổi với phóng viên tạp chí Điện tử Bất động sản, ông Đực cho biết: “Một dự án để được khởi công phải trải qua thời gian thực hiện thủ tục rất lâu. Nếu như giai đoạn 1 (trước 2006), chủ đầu tư chỉ mất khoảng 1 năm để thực hiện 2 bước thủ tục (Quyết định giao đất, Phê duyệt quy hoạch) cho khởi công dự án thì giai đoạn 2 ( từ 2006 – 2010) có thêm khâu, phê duyệt dự án đầu tư, thẩm định thiết kế kỹ thuật, phòng cháy chữa cháy (khoảng 2 – 3 năm). Các thủ tục này tôi cho là không cần thiết. Đặc biệt trong đó có một số thủ tục có thể đưa vào hậu kiểm, tức là khi chúng tôi khởi công rồi sẽ bổ sung sau bởi điều này không ảnh hưởng đến chất lượng công trình, nếu không đạt chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm”.
Cũng theo ông Đực, thời gian đầu tư một dự án mất 1 năm thì chi phí điều hành, lãi vay lấy của nhà đầu tư 5% giá thành và giá bán. Thủ tục quá rườm rà thì doanh nhân khổ, nhưng người phải chịu đựng chính là nhân dân, cụ thể là người mua nhà. Những tổn thất do thủ tục, chủ đầu tư sẽ đưa hết vào giá bán. Giá chung cư hiện nay đã tăng gấp đôi từ 5-10 triệu đồng/m2 thành 15-20 triệu đồng/m2 cũng vì chi phí thủ tục hành chính chủ đầu tư phải gánh.
Ngay sau đó, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, TS. Nguyễn Đức Kiên với tư cách người làm nghiên cứu đã phản biện. Ông Kiên thừa nhận quản lý Nhà nước còn nhiều hạn chế, bất cập, nhất là trong công bố quy hoạch, song cũng cho rằng các doanh nghiệp nên nhìn nhận nhiều chiều chứ không nên chỉ nói một chiều.
Về thông tin giá bán nhà từ 5 - 20 triệu đồng/m2 như ông Nguyễn Văn Đực đề cập, ông Kiên nhấn mạnh: “Việc nâng giá đều đổ vào đầu dân, còn doanh nghiệp địa ốc là tầng lớp trung gian, chứ không phải đứng về phía người tiêu dùng. Nhà nước phải điều tiết lợi nhuận, không thể nhắm mắt vào điều tiết chỉ cho một nhóm”.
Tại hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh, sự khác biệt của Chính phủ mới chính là tinh thần xoá bỏ rào cản cho doanh nghiệp. Ông Cung cho biết, dù dự thảo luật đã được trình Chính phủ thảo luận, nhưng những thảo luận lâu nay mới chỉ ra một số điều của các dự án luật còn mâu thuẫn, chồng chéo, chưa xác định cụ thể được các vấn đề cần phải giải quyết.
Việc tổ chức hội thảo này, theo Viện trưởng CIEM là nhằm củng cố thêm bằng chứng, làm sâu sắc thêm các lập luận, để thuyết phục được các cơ quan có liên quan và đặc biệt là Quốc hội chấp nhận đưa dự thảo luật nói trên vào chương trình xây dựng luật.
Sau hơn 1 năm triển khai Luật Đầu tư 2014 và Luật Doanh nghiệp 2014, hai Luật về cơ bản đã bắt đầu đi vào cuộc sống, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng và an toàn hơn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế cũng còn không ít vấn đề và vướng mắc phát sinh; có sự khác nhau, không tương thích, mâu thuẫn giữa các quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp với các quy định của Luật chuyên ngành. Những vấn đề này đang gây khó khăn cho các cơ quan quản lý, nhà nước và doanh nghiệp trong quá trình thực thi và tuân thủ./.