Cùng dự có nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, tỉnh Nghệ An và một số địa phương.
Đây là lần đầu tiên trong cả nước có một nơi thờ tự, một địa chỉ văn hóa mang ý nghĩa lịch sử để nhân dân và du khách bày tỏ niềm kính phục, lòng biết ơn đối với những người thân trong gia đình của Bác Hồ.
Đền Chung Sơn - đền thờ song thân phụ mẫu và anh chị em ruột của Chủ tịch Hồ Chí Minh - là công trình có ý nghĩa hết sức đặc biệt, thể hiện truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An xưa nay là vùng địa linh nhân kiệt, một vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, nơi đã góp cho đất nước 38 vị đại khoa cốt cách thanh cao, trí tuệ uyên thâm, được người đời trọng phục…
Miền đất này là nơi sinh ra 3 vị anh hùng lỗi lạc trong lịch sử Việt Nam là Mai Thúc Loan, Phan Bội Châu và Hồ Chí Minh, những người đã làm rạng rỡ cho núi sông Việt Nam, đem lại vinh dự cho nhân dân cả nước nói chung và nhân dân Nam Đàn nói riêng: “… Anh hùng xuất chúng Mai, Phan, Nguyễn/ Khoa bảng lừng danh Xán, Đạt, Giao/ Truyền thống anh hùng và học giỏi/ Mong rằng hậu tiến mãi giương cao…”.
Sông núi Nam Đàn - một phần máu thịt của giang sơn gấm vóc Việt Nam - nơi cắt rốn chôn nhau và nuôi dưỡng cậu bé Nguyễn Sinh Cung từ thuở ấu thơ - đã góp phần to lớn trong việc hình thành tình cảm, cốt cách, tư tưởng của Danh nhân Văn hóa Hồ Chí Minh.
Thủ tướng bày tỏ cảm nhận đầu tiên khi bước chân đến đây vừa là sự tĩnh lặng và sâu lắng nguyên sơ, vừa chất chứa sự linh thiêng của một không gian văn hóa - lịch sử. Từ đây, tầm nhìn rộng mở, rõ nét hình sông, thế núi và các làng xóm quây quần: "… Chiu chít liền những núi/ Trông như ngựa chạy vòng/ Miền nam mờ ngọn núi/ Cõi bắc uốn khúc sông…”.
Tại vùng đất này, mỗi ngọn núi, khúc sông và cánh đồng đều gắn với từng nét son trong trang sử vẻ vang của dân tộc ta. Có lẽ, từ thời còn rất nhỏ tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường phóng tầm mắt ra xa để ngắm cảnh nước non hùng vĩ và thêm yêu quê hương, xứ sở để vun dưỡng thêm khát vọng “ra đi tìm đường cứu nước” của mình.
Thủ tướng cho rằng công trình Đền thờ Gia tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm trong Đề án xây dựng Khu di tích lịch sử văn hóa du lịch Núi Chung, nơi sẽ trở thành trung tâm du lịch văn hóa lịch sử - một điểm không thể thiếu của tỉnh Nghệ An với việc khôi phục nhiều làng nghề truyền thống như nghề dệt vải từ cọng sen hay làm nến từ thảo dược…
Đền thờ được hoàn thành đã truyền tải sâu sắc tính lịch sử văn hóa và bản sắc dân tộc vùng quê xứ Nghệ, thể hiện sự đoàn kết, chung sức chung lòng - củng cố sức mạnh dân tộc, phát huy những giá trị nhân văn tốt đẹp.
Thủ tướng ghi nhận và biểu dương các cấp lãnh đạo tỉnh Nghệ An, đặc biệt là các đồng chí lãnh đạo trong giai đoạn khởi công Dự án từ năm 2012 - khi cả nước ở trong thời điểm phải đối mặt với nhiều khó khăn do hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu - đã đồng sức, đồng lòng với ý chí quyết liệt và quyết tâm xây dựng công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này. Thủ tướng cũng hoan nghênh, đánh giá cao Ngân hàng TMCP Bắc Á đã thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa tham gia đóng góp tích cực với trách nhiệm cao để cùng tỉnh Nghệ An hoàn thành căn bản công trình.
Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An và Ngân hàng TMCP Bắc Á sớm hoàn thành Đề án để nơi đây sớm trở thành điểm đến khởi nguồn cho hành trình về thăm quê Bác của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý bày tỏ tỉnh Nghệ An vinh dự, tự hào là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ thiên tài và người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng Giải phóng dân tộc, Danh nhân Văn hoá kiệt xuất, “Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta”.
Nhằm tôn vinh và đời đời ghi nhớ công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người thân trong gia đình của Người, được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, sự phối hợp của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, sự đồng hành của Ngân hàng Bắc Á, vào năm 2012, công trình Đền thờ Chung Sơn được khởi công xây dựng trên đỉnh núi Chung, thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, địa danh từng gắn bó sâu sắc với Chủ tịch Hồ Chí Minh thời niên thiếu.
Tọa lạc tại phía Nam Núi Chung - mảnh đất địa linh nhân kiệt, niềm tự hào của vùng Kim Liên, Nam Đàn, nơi khơi gợi những năm tháng ấu thơ cội nguồn tâm hồn, trí tuệ Hồ Chí Minh, Đền Chung Sơn được gắn kết trong Khu du lịch lịch sử - văn hóa - sinh thái Núi Chung với nhiều hạng mục hấp dẫn như mô hình đồng lúa nếp Rồng, dòng sông Sen, khu tham quan dệt vải lụa từ cọng sen, sản xuất sản phẩm nến từ thảo dược... dành cho du khách khi về thăm quê Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đền Chung Sơn là công trình đầu tiên được hoàn thành, giữ vai trò xuyên suốt khi kết nối các địa danh nổi tiếng gắn liền với các danh nhân Việt Nam như đại thi hào Nguyễn Du, các chí sỹ yêu nước: Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh; kết nối di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Trên hết, Đền Chung Sơn chính thức khánh thành đã đáp lại sự mong mỏi của nhân dân cả nước, của nhân dân Nghệ An nói riêng - trở thành nơi thời tự tôn nghiêm đầu tiên tưởng nhớ và tri ân những công lao to lớn của gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với quê hương, đất nước.
Với tầm vóc của một công trình trọng điểm đòi hỏi công tác xã hội hóa được tiến hành cẩn trọng, Ngân hàng TMCP Bắc Á được lựa chọn là đơn vị đồng hành cùng tỉnh Nghệ An trong dự án xây dựng Đền Chung Sơn chính là niềm vinh dự và tự hào lớn lao.
Đây là sự đóng góp dày công, tận tâm tận lực của người con đất Việt, cũng là tấm lòng của một người con quê hương Nghệ An - Tổng Giám đốc Ngân hàng Bắc Á - bà Thái Hương. Với sự dẫn dắt của Bà, Ngân hàng Bắc Á không những luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ kinh doanh chính như: tư vấn đầu tư cho các dự án phát triển bền vững, nông nghiệp công nghệ cao, y tế - giáo dục... mà còn thể hiện trách nhiệm cộng đồng sâu sắc với các hoạt động an sinh xã hội.
Sau nghi lễ cắt băng khánh thành Đền Chung Sơn, Thủ tướng Chính phủ cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cán bộ, ban, ngành Trung ương; đại diện Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An; đại điện các tỉnh trong nước và đại diện dòng họ đã thực hiện các nghi lễ truyền thống: Lễ khai thanh và Lễ dâng hương.
Buổi lễ kết thúc với Lễ trồng cây nhằm gìn giữ tài nguyên thiên nhiên vô giá để mang lại nguồn sống bất diệt cho thế hệ hôm nay và mai sau như tâm niệm của Bác lúc sinh thời: "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người".