Công điện 94/CĐ-TTg đgửi đến Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Sơn La, Lai Châu, Hoà Bình, Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Ninh Bình; Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Cụ thể, công điện nêu rõ: Bão số 3 (tên quốc tế Yagi) là cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông trong vòng 30 năm qua, đổ bộ vào các tỉnh miền Bắc với cường độ rất mạnh. Hoàn lưu của bão đã gây mưa lớn trên diện rộng, bao phủ toàn bộ các tỉnh từ Thanh Hóa trở ra với tổng lượng mưa dao động từ 200 - 400mm. Đặc biệt, tại các tỉnh miền núi, lượng mưa ghi nhận lên tới 400 - 600mm, thậm chí có nơi vượt ngưỡng 700mm.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ, nhiều hồ chứa thủy điện tại khu vực trung du và miền núi phía Bắc đã phải thực hiện xả lũ khẩn cấp để đảm bảo an toàn cho các công trình thủy điện. Hiện tại, mực nước hạ lưu các con sông thuộc lưu vực sông Hồng - Thái Bình đang dâng cao, nhiều khu vực đã vượt qua ngưỡng báo động 3. Một số tuyến sông gần chạm mức lịch sử, thậm chí có nơi đã vượt ngưỡng, đe dọa nghiêm trọng đến an toàn của hệ thống đê điều, gây ngập lụt diện rộng tại nhiều khu vực dân cư, trường học, cơ sở y tế, và các công trình hạ tầng thiết yếu khác. Đặc biệt tại Ninh Bình, lũ trên sông Hoàng Long trùng pha với lũ trên sông Hồng và sông Đáy đe dọa an toàn của hệ thống đê, hoạt động sản xuất và đời sống của người dân một số huyện trên địa bàn tỉnh.
Theo dự báo từ Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết khu vực Bắc Bộ sẽ có xu hướng cải thiện trong những ngày tới. Ban ngày, trời chủ yếu có nắng, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động khắc phục hậu quả sau bão. Vào chiều tối, một vài nơi có thể xuất hiện mưa rào và dông cục bộ. Nhiệt độ được dự báo sẽ tăng dần, phổ biến ở mức từ 31 - 34 độ C.
Để góp phần giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực của mưa lũ và ngập lụt đến đời sống và sản xuất của người dân vùng hạ du, đồng thời đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình hồ chứa thủy điện, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra một số chỉ đạo cụ thể.
Theo đó, yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Chủ tịch UBND các tỉnh nêu trên để chỉ đạo các chủ sở hữu và đơn vị quản lý vận hành hồ chứa thủy điện.
Cụ thể, các đơn vị này phải thực hiện công tác quan trắc, theo dõi thường xuyên và sát sao diễn biến của tình hình mưa lũ trên các lưu vực. Đặc biệt, cần tập trung vào việc vận hành điều tiết các hồ chứa, nhất là hệ thống hồ chứa thủy điện trên sông Đà, bao gồm các hồ chứa lớn như Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, một cách chủ động, khoa học và linh hoạt. Mục tiêu là cắt giảm, làm chậm dòng lũ về hạ du, trong đó có lũ trên sông Hoàng Long tại Ninh Bình, đồng thời đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình thủy điện và tuân thủ nghiêm ngặt Quy trình vận hành liên hồ chứa.
Bên cạnh đó, trong quá trình vận hành cũng cần thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo, cung cấp thông tin kịp thời cho các cơ quan chức năng địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, nhằm đảm bảo sự chỉ đạo linh hoạt, hiệu quả trong các tình huống khẩn cấp. Đồng thời, cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương khu vực hạ du và các cơ quan chức năng để thông báo, cảnh báo người dân về diễn biến lũ cũng như quá trình điều tiết lũ, giúp người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh, đảm bảo an toàn cho tài sản và tính mạng.
Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo các Bộ, ngành và các địa phương liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung trong Công điện này. Văn phòng Chính phủ, theo chức năng và nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Công điện này; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách những vấn đề đột xuất, phát sinh.