Aa

Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tiên của năm 2019

Thứ Năm, 31/01/2019 - 13:50

Hôm nay 31/1, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 1/2019, năm bứt phá để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016-2020 và kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tiên của năm 2019. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tiên của năm 2019. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Theo chương trình, Chính phủ sẽ tập trung thảo luận một số nội dung chính, gồm Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tháng 1 và tình hình thực hiện Nghị quyết 01; Báo cáo về tình hình chuẩn bị Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019; phương án giao cơ quan đầu mối quản lý chất thải rắn; chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 và thảo luận về một số dự án luật…

Qua tháng đầu tiên của năm 2019, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế-xã hội của đất nước tiếp tục diễn biến tích cực. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng cao ở mức 7,9% so với cùng kỳ năm 2018 (cùng kỳ năm trước tăng 22,1%).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước tăng 9,4%).

Cả nước có trên 10.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 7% về số doanh nghiệp, nhưng tăng 53,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ; có trên 8.000 doanh nghiệp trở lại hoạt động.

Vốn FDI thực hiện tăng 9,2%, vốn FDI đăng ký tăng thêm tăng 27,3%; góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tăng 114%. Xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI tăng 3,2% (kể cả dầu thô).

Kim ngạch xuất khẩu tăng nhẹ với mức 1,9%, trong đó trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 7,8%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2019 tăng 0,1% so với tháng 12/2018.

Được biết, nhiều tổ chức quốc tế đánh giá tích cực triển vọng kinh tế Việt Nam. Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng dự báo, kinh tế Việt Nam dự báo tăng trưởng 6,6% trong năm 2019 và 6,5% trong năm 2020, cao hơn bình quân khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Standard Chartered dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á và ASEAN. Đặc biệt, lần đầu tiên Việt Nam nằm trong danh sách 60 nền kinh tế sáng tạo nhất thế giới do hãng tin Bloomberg xếp hạng (45,92/100 điểm).

Tại phiên họp, Chính phủ sẽ thảo luận, đánh giá cụ thể tình hình và bàn kỹ các giải pháp trên các lĩnh vực để làm sao thực hiện tốt các Nghị quyết số 01 và 02 với phương châm hành động của năm 2019 “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả".

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top