Aa

Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2019

Thứ Hai, 02/12/2019 - 10:00

Ngày 2/12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 11 trong bối cảnh năm “bứt phá” 2019 sẽ kết thúc trong một tháng nữa.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. Ảnh VGP/Quang Hiếu

Tại phiên họp, Chính phủ sẽ nghe, thảo luận về một số nội dung trọng tâm gồm tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2019; dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019; công tác xây dựng thể chế, trong đó có xây dựng dự án Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi), Luật Điện ảnh (sửa đổi), Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi)...

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng tiếp tục chuyển biến tích cực.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển khá. Đàn gia cầm tăng 12%, dịch tả lợn châu Phi tại nhiều địa phương dần được kiểm soát (có gần 4.600 xã không phát sinh dịch 30 ngày qua). Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,3%, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,6%.

Thị trường thương mại sôi động, phát triển ổn định, nguồn cung hàng hóa phong phú, đa dạng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt mức tăng 11,8%. Riêng tháng 11/2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,6%, đây là mức tăng cao nhất trong 6 năm trở lại đây. Thu hút khách quốc tế tiếp tục tăng mạnh, đạt gần 16,3 triệu lượt người, tăng 15,4% so với cùng kỳ.

Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 11/2019. Ảnh VGP/Quang Hiếu

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2019 tăng 0,96% so với tháng trước do giá thịt lợn và các thực phẩm chế biến từ thịt tăng cao. Tuy nhiên, CPI bình quân 11 tháng năm 2019 vẫn chỉ tăng 2,57% so với bình quân cùng kỳ, đây là mức tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây. CPI tháng 11/2019 tăng 3,78% so với tháng 12/2018 và tăng 3,52% so với cùng kỳ.

Kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng khá. Xuất siêu 9,1 tỷ USD. Có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD và 5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài giữ đà phát triển khá; vốn FDI thực hiện đạt 17,6 tỷ USD. Cả nước có 126,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và có 36,9 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 15,7% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, còn nổi lên một số tồn tại, hạn chế như giá thịt lợn tăng do dịch tả lợn châu Phi; kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực giảm. Giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Phát sinh nhiều vấn đề xã hội, môi trường, an ninh trật tự mà các cấp, các ngành cần phải quan tâm nhiều hơn nữa trong thời gian tới…

Tại phiên họp, Chính phủ sẽ thảo luận các biện pháp để hoàn thành các mục tiêu đề ra đạt kết quả tốt nhất, trong bối cảnh đất nước sắp bước sang năm 2020 với dự báo kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng tăng trưởng chậm lại.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top