Thủ tướng nhấn mạnh điều này khi phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2019 diễn ra sáng 1/3.
Nhìn lại tình hình 2 tháng đầu năm, Thủ tướng cho rằng kinh tế tiếp tục khởi sắc. Sản xuất công nghiệp tăng. Xuất khẩu tăng khá. Thu hút FDI đạt kết quả ấn tượng. Tuy vậy, cần thấy rõ tồn tại, thách thức như giải ngân đầu tư công còn chậm, nhập siêu có hiện tượng trở lại mặc dù ở mức thấp… Một số hiện tượng còn gây bức xúc xã hội như nạn tín dụng đen, đánh bạc… Tình hình tai nạn giao thông tuy giảm nhưng tình trạng vi phạm quy định về an toàn giao thông diễn ra nhiều. Dịch bệnh như sởi còn diễn biến phức tạp.
Nhấn mạnh chủ trương tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo thêm dư địa cho điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, Thủ tướng yêu cầu tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng.
Theo đó, phải huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, giải phóng năng lực sản xuất theo cơ chế thị trường có sự định hướng của Nhà nước. Tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt bằng những hành động, giải pháp cụ thể với tinh thần quyết tâm nỗ lực cao nhất để thúc đẩy tăng trưởng nhanh hơn, toàn diện hơn, bền vững hơn.
Cho rằng tăng trưởng hiện nay là yêu cầu cấp bách, cần thiết, Thủ tướng chia sẻ đất nước chưa bao giờ có điều kiện thuận lợi cho phát triển vượt bậc, vượt lên chính mình như hiện nay. Đối với Việt Nam, qua Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên vừa qua, chúng ta có bối cảnh quốc tế thuận lợi, không gian phát triển rộng mở, hệ thống chính trị vững mạnh, toàn dân chung sức đồng lòng, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhân dân ngày càng được củng cố.
“Tôi mong từng thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, từng cán bộ, công chức trong vị trí, chức năng, nhiệm vụ của mình hãy trăn trở với công việc, về những vấn đề cần giải quyết ngay, hãy không ngừng đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, hãy vượt lên chính mình vì tương lai đất nước, vì sự phát triển của chúng ta, của từng bộ, ngành, liên quan đến chương trình công tác”, Thủ tướng nói. “Chúng ta đều có tâm trạng là lo lắng đến thực hiện vượt mức kế hoạch năm nay trong bối cảnh nhiều thuận lợi và khó khăn”.
Ngay từ tháng 3, các Bộ trưởng: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vận dụng linh hoạt, sáng tạo, đồng bộ các công cụ chính sách để ứng phó kịp thời với những diễn biến bất lợi từ bên ngoài, tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước biến động khó lường của kinh tế, thương mại quốc tế.
Nhắc lại nhận định của Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde về một số rủi ro từ bên ngoài, gồm căng thẳng thương mại Mỹ -Trung và giữa Mỹ với các quốc gia khác, ngân hàng trung ương các nước lớn tiếp tục thắt chặt tiền tệ, khiến mặt bằng lãi suất tăng, Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng chậm lại, biến đổi khí hậu…, Thủ tướng nêu rõ phải biến nguy cơ thành thời cơ, chuẩn bị đón dòng đầu tư mới trong bối cảnh quốc tế hiện nay.
Để thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ hơn, bắt đầu ngay trong tháng 3 và quý I/2019, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo mở rộng tín dụng, giảm lãi suất cho các lĩnh vực ưu tiên.
Bộ Tài chính tập trung tìm các giải pháp phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán, dịch vụ tài chính, hỗ trợ doanh nghiệp huy động trực tiếp nguồn vốn với chi phí thấp, đồng thời chia sẻ gánh nặng về huy động vốn và rủi ro cho hệ thống ngân hàng.
Nhân Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên vừa kết thúc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lên chương trình kế hoạch để đẩy mạnh xúc tiến, tạo mọi thuận lợi cho thu hút FDI, nhất là các tập đoàn đa quốc gia công nghệ cao.
Thủ tướng giao Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, rà soát lại quy mô GDP, bảo đảm tính khách quan, minh bạch, có tổ chức quốc tế uy tín kiểm định và sớm công bố kết quả. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành liên quan tính toán, rà soát, đề xuất các chính sách phù hợp, nhất là về tiền tệ, tín dụng, tài khóa, đầu tư, thương mại.
Bộ NN&PTNT chủ động phối hợp với các địa phương tập trung chỉ đạo tranh thủ thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản. Xử lý dứt điểm các ổ dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, không để phát sinh ổ dịch. Xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán vận chuyển lây lan dịch bệnh hay giấu dịch.
Thực hiện ngay việc mua tạm trữ lúa gạo, can thiệp đúng mức theo quy luật thị trường để bảo đảm giá lúa có lợi cho người nông dân.
Bộ Công Thương tập trung ưu tiên mọi nguồn để hoàn thành những công trình trọng điểm, then chốt nhằm vừa kích cầu, vừa gia tăng năng lực sản xuất, giải quyết cơ bản khó khăn, khắc phục hiệu quả các dự án thua lỗ.
Với Hiệp định CPTPP đã có hiệu lực, Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì, phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, có cách tuyên truyền phù hợp hơn nữa, hướng dẫn hiệu quả, thiết thực hơn nữa và thực sự đồng hành cùng doanh nghiệp.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo xử lý dứt điểm các dự án đang gặp khó khăn tại các tập đoàn, tổng công ty chuyển về Ủy ban, nhất là PVN, TKV.
Ngay tháng này, các bộ, địa phương phải phát triển mạnh các ngành dịch vụ, tập trung vào ngành dịch vụ tiềm năng, ứng dụng công nghệ cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm… bảo đảm ngành dịch vụ đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng GDP.
Thủ tướng yêu cầu Bộ VHTT&DL chuẩn tổ chức hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch sao cho thiết thực, thay đổi phương thức, cách làm du lịch, hướng đến chuyên nghiệp, hiệu quả.
Bộ Giao thông vận tải phải thường xuyên báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về dự án cao tốc TPHCM-Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ, đây phải trở thành chương trình công tác do lãnh đạo Bộ trực tiếp chỉ đạo để thúc đẩy.
Bộ Tư pháp, các bộ, ngành rà soát, khẩn trương hoàn tất việc ban hành các văn bản quy định chi tiết pháp luật, không để nợ đọng. VPCP kịp thời báo cáo Thủ tướng phê bình các bộ, ngành để chậm, nợ đọng văn bản.
Bộ Y tế sớm có kế hoạch thực hiện hiệu quả Chương trình Sức khỏe Việt Nam mà Thủ tướng phát động vào ngày 27/2 vừa qua, đưa Chương trình vào cuộc sống “chứ không phải phát động xong rồi để im như vậy”.
Bộ TN&MT chủ trì, chuẩn bị tốt để tổ chức thành công Hội nghị sơ kết Nghị quyết 120 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, ứng phó biến đổi khí hậu cũng như tổ chức hội nghị về các giải pháp xử lý rác thải ở nông thôn, rác thải nhựa ở biển.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, lan tỏa khát vọng đất nước hùng cường, thịnh vượng, tạo khí thế vui tươi, phấn khởi trong lao động, sản xuất. Kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.