Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; có giải pháp cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy giải ngân các nguồn vốn tư nhân và vốn đầu tư nước ngoài; phấn đấu đạt được mục tiêu tổng đầu tư toàn xã hội tương đương khoảng 34-35% GDP; rà soát, kiến nghị loại bỏ các điều kiện kinh doanh không phù hợp, bảo đảm nguyên tắc thị trường cạnh tranh, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.
Siết chặt kỷ cương tài chính
Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, tập trung vào một số nội dung: Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước; chống chuyển giá, thất thu thuế; kiểm soát chặt chẽ chi ngân sách nhà nước, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả; phát triển mạnh thị trường chứng khoán để trở thành kênh huy động vốn quan trọng, chi phí thấp cho doanh nghiệp và các chủ thể khác của nền kinh tế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, chứng khoán theo hướng liên thông, hiện đại, công khai minh bạch, góp phần giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp, người dân.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành linh hoạt, hiệu quả các công cụ của chính sách tiền tệ phối hợp với chính sách tài khóa để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm tăng trưởng tín dụng trên 20% gắn với bảo đảm chất lượng tín dụng; phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên; triển khai nghiêm túc, hiệu quả Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020; có giải pháp phù hợp huy động các nguồn ngoại tệ, vàng trong dân phục vụ cho đầu tư phát triển.
Thúc đẩy sản xuất kinh doanh
Bộ trưởng Bộ Công Thương rà soát, chỉ đạo thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao; chỉ đạo các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước trực thuộc tập trung thực hiện tốt các kế hoạch sản xuất, kinh doanh và sản lượng đã đề ra; chủ động làm việc với các địa phương công nghiệp chủ lực có các giải pháp tập trung thúc đẩy các ngành công nghiệp trên địa bàn; tập trung nâng cao chất lượng xúc tiến thương mại; rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu; thực hiện các giải pháp kiểm soát nhập khẩu phù hợp, trong đó có biện pháp hàng rào kỹ thuật, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại theo quy định của pháp luật và phù hợp các cam kết quốc tế; thực hiện các giải pháp phát triển mạnh thị trường trong nước; rà soát, kiểm tra, có biện pháp hiệu quả không để đối tác nước ngoài chiếm lĩnh, thâu tóm thị trường bán lẻ trong nước; cùng các bộ ngành liên quan xử lý nghiêm các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo thực hiện đồng bộ các biện pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh nông, lâm nghiệp và thủy sản; thực hiện rà soát, điều chỉnh phù hợp các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch sản xuất, nuôi trồng liên quan; hướng dẫn địa phương, doanh nghiệp, người dân có phương án sản xuất kinh doanh, thu hoạch, đánh bắt, nuôi trồng phù hợp, hiệu quả.
Loại bỏ những điều kiện kinh doanh mang tính áp đặt
Bộ trưởng Bộ Xây dựng chỉ đạo rà soát, đẩy mạnh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án xây dựng lớn; rà soát, loại bỏ những điều kiện kinh doanh mang tính áp đặt, không phù hợp theo lĩnh vực quản lý nhà nước được giao, đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, trong đó có thủ tục cấp phép xây dựng và chứng chỉ hành nghề xây dựng; nghiên cứu, xử lý căn bản về cát và vật liệu xây dựng.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo đẩy mạnh phát triển các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao, nhất là các lĩnh vực giao thông, vận tải, logistics; thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn của các dự án đầu tư xây dựng trong ngành giao thông để đẩy nhanh tiến độ, tập trung giải ngân các dự án giao thông trọng điểm; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp thất thoát, lãng phí, chậm trễ, vi phạm quy định; chỉ đạo hoàn thiện thủ tục để sớm đầu tư nâng cấp Sân bay Tân Sơn Nhất.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là đối với doanh nghiệp; rà soát, loại bỏ những điều kiện kinh doanh mang tính áp đặt, không phù hợp theo lĩnh vực quản lý nhà nước được giao; có biện pháp đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá và thu hút khách du lịch; phấn đấu đạt mục tiêu khách du lịch tăng 30%, thu hút trên 13 triệu lượt khách quốc tế; tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; có giải pháp phù hợp khuyến khích tiêu dùng và chi tiêu đối với du khách; tăng cường kiểm tra, giám sát điểm đến và các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân kinh doanh du lịch, xử lý nghiêm các vi phạm.
Giám sát chặt doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các Bộ ngành, địa phương tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến thực thi pháp luật đất đai, tài nguyên và môi trường trong quá trình xây dựng và thực hiện các dự án đầu tư; tập trung làm tốt công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh và các doanh nghiệp, dự án lớn có nguy cơ lớn gây ô nhiễm môi trường.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với doanh nghiệp truyền thông, các nhà mạng và trong ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là đối với khu vực doanh nghiệp; bảo đảm đạt được mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng ngành, lĩnh vực liên quan theo kịch bản đề ra; tập trung đấu tranh chống lại các thông tin xuyên tạc, chống phá từ các thế lực thù địch; đẩy mạnh thực hiện bảo đảm an toàn thông tin mạng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực theo chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực quản lý nhà nước được giao, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, bảo đảm đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế và từng bước hướng đến các chuẩn mực quốc tế, tận dụng tốt cơ hội dân số trẻ và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; thực hiện đồng bộ, hiệu quả giải pháp bảo đảm đạt được các chỉ tiêu, mục tiêu về xã hội trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.
Xử lý dứt điểm doanh nghiệp thua lỗ kéo dài
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp tập trung chỉ đạo rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật, cơ chế chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, bảo đảm đạt được kế hoạch đề ra cho năm 2017; đề cao trách nhiệm người đứng đầu Bộ ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong triển khai thực hiện và có giải pháp xử lý nghiêm lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước cố tình làm chậm, không thực hiện; bảo đảm công khai minh bạch, thực hiện đúng quy định pháp luật trong cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; không để thất thoát vốn, tài sản nhà nước, lợi ích nhóm; xử lý nghiêm các vi phạm; có biện pháp xử lý dứt điểm dự án, doanh nghiệp không hiệu quả, thất thoát, thua lỗ kéo dài, kể cả bằng biện pháp giải thể, phá sản.