DOANH NGHIỆP CẦN SỰ TIẾP SỨC TỪ CHÍNH PHỦ
Sáng nay (26/9), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19.
Theo đó, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho biết, cùng chung bối cảnh với thế giới, nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam đang trải qua giai đoạn vô cùng khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Các mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước, của các doanh nghiệp đang phải đối mặt với những thách thức lớn chưa từng có. Hơn lúc nào hết, cộng đồng doanh nghiệp rất cần sự tiếp sức và đồng hành của Chính phủ để vượt qua thời khắc cam go này.
Ông Phạm Tấn Công cho biết, trước thềm Hội nghị, VCCI đã nhận được 357 trang báo cáo, kiến nghị đến từ 132 hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp cả nước. Những con số cho thấy, bức tranh chung của cộng đồng doanh nghiệp đang có sự suy giảm mạnh của quy mô hoạt động và sự gia tăng mức độ ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ các lĩnh vực, các ngành nghề sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, chỉ trong 8 tháng đầu năm nay, đã có trên 85 nghìn doanh nghiệp, tức trên 10% số doanh nghiệp cả nước rút khỏi thị trường, trung bình mỗi tháng trên 10 nghìn doanh nghiệp, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm 2020. Và đằng sau mỗi doanh nghiệp phải ngừng hoạt động là sự mất đi sinh kế, nguồn sống của người lao động và sự suy giảm của nền kinh tế.
Với ảnh hưởng của dịch bệnh, của giãn cách xã hội kéo dài, trong 4 tháng trở lại đây tổng cầu nền kinh tế suy giảm, sản xuất, giao thương đình trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy, lao động mất việc làm, chi phí sản xuất, kinh doanh tăng vọt… nhiều đơn hàng bị mất, nhiều lĩnh vực kinh tế hoạt động dưới 60% công suất. Tất cả các thành phần kinh tế, các ngành nghề đều bị ảnh hưởng tiêu cực, trong đó nghiêm trọng nhất là các lĩnh vực du lịch, chế biến thuỷ sản, giao thông vận tải.
Cụ thể như: Với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản, hiện nay tại các tỉnh thành phía Nam chỉ có khoảng 30% số doanh nghiệp còn hoạt động nhờ đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ”, nhưng cũng vô cùng khó khăn vì chi phí tăng vọt và chỉ có thể huy động 30 - 50% số lao động, công suất giảm chỉ còn 40 - 50%; Với các doanh nghiệp ngành gỗ, đã có trên 50% số doanh nghiệp tại khu vực Đông Nam Bộ dừng sản xuất và đang đối diện nguy cơ phá sản. Với ngành lữ hành, lưu trú và ăn uống chịu tác động vô cùng nghiêm trọng, kéo dài từ năm 2019 đến nay; công suất phòng trung bình cả nước chỉ đạt 15%, nhiều nơi dưới 10%, nhiều cơ sở phải đóng cửa.
Theo phản ánh từ các hiệp hội doanh nghiệp của các ngành hàng liên quan đến xuất khẩu và sử dụng nhiều lao động, chỉ có từ 15 - 20% các nhà máy sản xuất cầm chừng do theo được “3 tại chỗ”, còn lại đến 80 - 85% số nhà máy phải ngừng ngừng sản xuất.
Về lao động, theo khảo sát của VCCI trung bình có 90,8% doanh nghiệp đã giảm quy mô lao động trong thời kỳ diễn ra dịch bệnh. Nói cách khác, cứ khoảng 10 doanh nghiệp thì có 9 doanh nghiệp phải chấp nhận cho người lao động thôi việc do hoạt động sản xuất kinh doanh kém khả quan trong thời gian dịch bệnh bùng phát. Tình trạng người lao động mất việc làm do ảnh hưởng từ dịch bệnh phổ biến nhất ở các tỉnh Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh duyên hải miền Trung với lần lượt 95%, 93% và 92% doanh nghiệp đang hoạt động ở các vùng này báo cáo phải cho người lao động thôi việc.
Đáng chú ý là kết quả khảo sát về sức chịu đựng của doanh nghiệp Việt Nam trước tình trạng kéo dài của dịch bệnh, của giãn cách xã hội, cho thấy một doanh nghiệp điển hình chỉ có thể cầm cự thêm tối đa 6 tháng, trong đó thấp nhất là lĩnh vực nông lâm, thủy sản (trung bình 4,7 tháng), thông tin truyền thông (4,9 tháng) và xây dựng (5,3 tháng).
“Các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong dịch bệnh Covid-19 là vô cùng nhiều, vô cùng lớn nhưng tôi xin không trình bày cụ thể, vì tinh thần diễn đàn hôm nay không phải để kêu khó, kêu khổ mà để bàn giải pháp”, ông Công cho hay.
CHÍNH PHỦ CỐ GẮNG ĐÁP ỨNG CÁC YÊU CẦU CỦA DOANH NGHIỆP TRONG ĐIỀU KIỆN CÓ THỂ
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, từ đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 tới nay, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cuộc gặp với cộng đồng doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp có yêu cầu, đề xuất gì, Chính phủ cố gắng đáp ứng trong điều kiện tốt nhất có thể.
Thủ tướng cho hay, chúng ta đang gặp những khó khăn do nguyên nhân khách quan từ dịch bệnh, cũng là những khó khăn chung của nhiều nước trên thế giới.
Nhấn mạnh quan điểm hài hoà lợi ích, chia sẻ rủi ro, Thủ tướng cũng khẳng định, không vì khó khăn mà chúng ta bi quan, hoang mang, lo sợ. Tình hình càng khó khăn, phức tạp, càng phải đoàn kết, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhau, lấy khó khăn, thách thức làm động lực vươn lên, khẳng định mình, đưa đất nước phát triển và lấy khó khăn để thực hiện sự thay đổi, như chuyển đổi số.
Sau một thời gian phòng chống dịch hết sức quyết liệt, quyết tâm, với sự thay đổi chiến lược, nhờ đó chúng ta đang từng bước kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đặc biệt tại những nơi tâm dịch như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… Chúng ta làm được điều này chính là nhờ đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có sự đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp.
Thời gian qua, với sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, với sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt, nhanh chóng ban hành các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động, người dân. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022; Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19…
Chính phủ cũng ban hành nhiều Nghị định như Nghị định 52/2021/NĐ-CP về việc gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất; Nghị định số 54/2021/NĐ-CP về đánh giá sơ bộ tác động môi trường; Nghị định số 80/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Thủ tướng nhấn mạnh Hội nghị hôm nay là để tập trung thảo luận về những giải pháp tốt để tìm cách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch bệnh, để vừa chống dịch hiệu quả, thành công, vừa khôi phục và phát triển kinh tế. “Nếu chúng ta chỉ tập trung chống dịch thì chúng ta hết nguồn lực; ngược lại, chỉ tập trung phát triển kinh tế, không có giải pháp chống dịch thì chúng ta không bảo vệ được sức khoẻ của nhân dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng đánh giá cao nỗ lực và sự vào cuộc của doanh nghiệp cùng toàn đảng toàn dân vượt qua khó khăn. Thủ tướng tin tưởng rằng, qua các trao đổi tại Hội nghị sẽ tháo gỡ dần những vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp và đảm bảo mục tiêu vừa chống dịch vừa tiếp tục phát triển kinh tế./.