Aa

Thủ tướng dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Sơn La

Thứ Ba, 18/07/2017 - 01:18

Sáng 17/7, tại huyện Mộc Châu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Sơn La năm 2017. Tại đây, tỉnh trao các quyết định, giấy chứng nhận đầu tư, ký bản ghi nhớ với nhà đầu tư, với tổng vốn hơn 23.400 tỷ đồng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Sơn La. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Sơn La. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Tham dự còn có lãnh đạo các bộ, ban, ngành và một số địa phương và các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Phát biểu mở đầu Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Hoàng Văn Chất cho biết, Hội nghị xúc tiến đầu tư hôm nay là cơ hội để tỉnh Sơn La tiếp tục quảng bá, giới thiệu tới các nhà đầu tư trong và ngoài nước về chủ trương, định hướng phát triển lớn của tỉnh; tiềm năng và cơ hội đầu tư; đồng thời cũng khẳng định quyết tâm thu hút đầu tư của tỉnh. Đây cũng là diễn đàn, là cơ hội để các cơ quan quản lý, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp xem xét.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đại diện một số lãnh đạo bộ, ban, ngành dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Sơn La năm 2017. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đại diện một số lãnh đạo bộ, ban, ngành dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Sơn La năm 2017. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Giới thiệu với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, ông Hoàng Văn Chất cho biết, tỉnh Sơn La là một trong ba tỉnh có diện tích tự nhiên lớn (14.174 km2), dân số trên 1,2 triệu người.

Với tiềm năng, lợi thế về đất đai, lao động và khí hậu, hiện nay Sơn La có 927.000 ha đất nông nghiệp, với 2 cao nguyên rộng lớn là Mộc Châu và Nà Sản. Tỉnh có 2 con sông lớn là sông Đà và sông Mã chảy qua, 2 lòng hồ thủy điện Hoà Bình và thủy điện Sơn La với diện tích hơn 400 km2; trên 500 hồ đập công trình thuỷ lợi, 35 dòng suối lớn nhỏ và 2.500 ha ao hồ để đầu tư phát triển thuỷ sản.

Sơn La có tiểu vùng khí hậu thích hợp để phát triển chăn nuôi đại gia súc, nhất là chăn nuôi bò sữa. Hệ thống giao thông kết nối Sơn La với các tỉnh trong vùng ngày càng được nâng cấp, trong đó có Quốc lộ 6 nối Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc; có 2 cửa khẩu quốc gia (Cửa khẩu Lóng Sập, cửa khẩu Chiềng Khương) kết nối với các tỉnh Bắc Lào.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Nằm ở vị trí thượng nguồn của sông Đà và sông Mã, địa hình chia cắt mạnh, độ dốc lớn, có nhiều thuận lợi nên tỉnh đã tập trung đầu tư phát triển thủy điện. Hiện nay tỉnh đang khảo sát và đầu tư phát triển điện mặt trời, nhất là trên lòng hồ thủy điện Sơn La và thủy điện Hòa Bình.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm của tỉnh Sơn La. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm của tỉnh Sơn La. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

“Tỉnh cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đầu tư tại Sơn La”, ông Hoàng Văn Chất nói và cho biết, tại Hội nghị ngày hôm nay, tỉnh Sơn La sẽ trao quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 26 dự án với tổng mức đầu tư 8.560 tỷ đồng; ký biên bản ghi nhớ với nhà đầu tư 17 dự án, tổng mức đầu tư 14.932 tỷ đồng.

Sáu tháng đầu năm 2017, tỉnh Sơn La thu hút được 57 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư 4.432 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2016.

Phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Sơn La, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Chính phủ kiến tạo không chỉ ở Hà Nội, mà chính là tất cả các cấp, các ngành trong hệ thống. Trước hết kiến tạo phải bằng hành động và hành động đó phải có kết quả cụ thể, đặc biệt là cấp cơ sở”. Kiến tạo không phải chỉ biết nhìn vào khó khăn để đối phó, phó mặc cho định mệnh mà phải có tinh thần vượt lên chính mình…

Thủ tướng cho rằng, trong phạm vi quốc gia và trong từng địa phương thì vấn đề xúc tiến đầu tư thương mại rất quan trọng bởi vì khi họ muốn làm ăn với mình thì người ta phải hiểu mình có thứ gì và điều kiện như thế nào để có thể đầu tư làm ăn thành công.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng hoan nghênh, đánh giá cao tỉnh Sơn La đã chuẩn bị tốt để có Hội nghị xúc tiến đầu tư hôm nay. Nhờ quảng bá xúc tiến, một làn sóng đầu tư mới của các nhà đầu tư Việt Nam và nước ngoài đã đến tỉnh nhà, trong đó có các tập đoàn lớn trong nước và quốc tế đã thành công ở Sơn La như TH Truemilk, VinGroup, Viettel, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam…

“Một Sơn La, ba điểm đến” và còn hơn thế nữa…

Thủ tướng nhắc lại câu nói dân gian “Một Sơn La, ba điểm đến” với 3 thế mạnh nổi trội của tỉnh là có các tiểu vùng khí hậu độc đáo, trong đó có cao nguyên Mộc Châu, được ví như máy điều hòa khổng lồ; cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ và bản sắc địa phương độc đáo. Đồng thời, Thủ tướng cho rằng, Sơn La còn có nhiều điểm nhấn hấp dẫn hơn nữa. Sơn La có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, có tiềm năng phát triển du lịch, có nhiều nguồn tài nguyên nước khoáng nóng, các loại khoáng sản đa dạng, có thế mạnh về vật liệu xây dựng, dược liệu, nông nghiệp…

“Nhân sự kiện hôm nay ở Mộc Châu, tôi muốn nói với các bạn rằng vùng cao nguyên rộng lớn đồng thời cũng là khu du lịch quốc gia với diện tích gần 2.000 km2 gồm hai huyện Mộc Châu và Vân Hồ là một điểm nhấn làm nên một vẻ đẹp bất tận như khẩu hiệu của du lịch Việt Nam đã nêu ra”, Thủ tướng nói và cho rằng nếu tỉnh có chiến lược đúng đắn, với sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương, hợp tác của các doanh nghiệp, nhất định “chúng ta sẽ thu hút mọi du khách, nhiều nhà đầu tư từ Đông sang Tây, từ Á sang Âu đến mảnh đất này”.

Thủ tướng tham quan các gian hàng trưng bày đặc sản về du lịch, kinh tế của tỉnh Sơn La. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Thủ tướng tham quan các gian hàng trưng bày đặc sản về du lịch, kinh tế của tỉnh Sơn La. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

“Đặc biệt chúng ta biết rất rõ đây là nơi có thể thưởng lãm các sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới lẫn ôn đới, khám phá địa danh kỳ bí, cảm nhận được sự hòa trộn tinh tế giữa nét đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên và bàn tay khéo léo của con người qua những thửa ruộng bậc thang, những đồi chè xanh ngắt, những lễ hội mang đậm tính di sản của châu Á”. Đây cũng là nơi những bản làng, những cộng đồng và 12 dân tộc như Thái, Tày, Mông, Dao, Kinh… sống chân phương, yên bình và hài hòa cùng thiên nhiên, để lại nhiều dấn ấn sâu sắc trong lòng du khách Việt Nam và quốc tế.

Không chỉ có vậy, Mộc Châu là một trong những máy lạnh khổng lồ của Việt Nam, có lợi thế lớn về nông nghiệp công nghệ cao, phát triển dược liệu và các lĩnh vực dịch vụ khác khi Mộc Châu, Vân Hồ và cả tỉnh Sơn La đã tiếp tục là một trong những nơi đón lượng du khách lớn nhất cả nước và thu nhập người dân đang gia tăng nhanh chóng.

Bài học kiến tạo từ Vân Hồ

Nhắc lại thông điệp đã nêu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư TP. Hà Nội vừa qua, Thủ tướng nhấn mạnh trước lãnh đạo các xã, phường, thị xã, thành phố của Sơn La rằng “mọi bộ máy cơ sở phải chuyển biến nhạy bén, kịp thời, sâu sắc với các quyết sách từ Chính phủ và Trung ương”. Người dân, doanh nghiệp mong mỏi sự chuyển biến cả hệ thống từ Trung ương tới xã, phường.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng biểu dương một thành quả kiến tạo đáng khích lệ tại huyện Vân Hồ, một trong những huyện nghèo nhất của Sơn La nói riêng, Tây Bắc nói chung. Năm 2017, với sự chỉ đạo sâu sắc, kịp thời của lãnh đạo tỉnh, sự phối hợp hiệu quả của các sở, ngành, lãnh đạo huyện, Vân Hồ đã thu hút được 2 dự án quy mô 2.300 tỷ đồng từ Tập đoàn TH Truemilk. Đây là những dự án có ý nghĩa bao trùm, đem lại những giá trị bền vững về xã hội và môi trường, bao gồm các hạng mục như phát triển cây dược liệu, cây cam, nhà máy chế biến hoa quả công nghệ cao. Tất cả người dân tộc được hưởng lợi rất lớn từ dự án này, nâng cao đời sống.

“Một huyện Vân Hồ khó khăn nhất nước, huyện 30a mà làm nên kỳ tích như vậy thì các huyện miền núi khác có làm được những kỳ tích như vậy trong phát triển hay không”, Thủ tướng đặt vấn đề. “Tôi cho rằng đây chính là một ví dụ về hành động kiến tạo ở các địa phương, cụ thể là ở cấp tỉnh, cấp huyện thuộc miền núi Tây Bắc”. Từ đó, Thủ tướng nêu rõ, nếu một địa phương đặc biệt khó khăn về kinh tế, phức tạp về an ninh trật tự như Vân Hồ mà có thể tạo đột phá, đạt được những thành quả thu hút đầu tư ban đầu tuyệt vời như vậy thì tất cả những huyện miền núi Tây Bắc, Đông Bắc cũng như cả nước đều có khả năng và thời cơ thành công.

Cùng với huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương thời gian qua thực hiện tinh thần Chính phủ kiến tạo là “không chỉ ở Hà Nội đâu, mà chính là tất cả các cấp, các ngành trong hệ thống. Trước hết kiến tạo phải bằng hành động và hành động đó phải có kết quả cụ thể, đặc biệt là cấp cơ sở”. Kiến tạo không phải chỉ biết nhìn vào khó khăn để đối phó, phó mặc cho định mệnh mà phải có tinh thần vượt lên chính mình như chuyển động ở một số địa phương thời gian qua, trong đó có Sơn La. Muốn kiến tạo phải có niềm tin, biết sáng tạo, phát huy các nét độc đáo, khác biệt riêng có của địa phương.

Thủ tướng chứng kiến Lễ trao quyết định chủ trương đầu tư và cam kết đầu tư vào tỉnh Sơn La. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Thủ tướng chứng kiến Lễ trao quyết định chủ trương đầu tư và cam kết đầu tư vào tỉnh Sơn La. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

“Tôi nghĩ các nhà đầu tư đến với chúng ta vì những thế mạnh đặc trưng nào đó, đem đến cho họ lợi nhuận nào đó và sự phát triển chứ không phải đến với chúng ta vì những khó khăn”, Thủ tướng bày tỏ. “Đi mượn tiền người ta mà nói tôi quá nghèo, không có tiền trả thì có thể mượn tiền được không? Phải mở ra thời cơ cho họ thành công thì họ mới đầu tư”.

“Cẩm nang” tự cứu mình đối với Sơn La

Nhắc lại lời của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh: “Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu”, Thủ tướng đặt vấn đề: Làm thế nào để tự cứu mình và đặt ra một số yêu cầu đối với Sơn La nói riêng, các tỉnh khó khăn nhất của Tây Bắc nói chung.

Trước hết, phải biết giữ gìn, bảo vệ an ninh biên giới, an ninh trật tự và an toàn xã hội. Phải đặc biệt chú trọng hơn nữa các thách thức cả an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống. Trong đó, đói nghèo là một trong những căn nguyên và thách thức phức tạp nhất đối với các mối đe dọa về an ninh ở nhiều nơi. “Nếu để đồng bào đến bước đường cùng, không có cuộc sống tối thiểu thì sẽ dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật. Muốn bảo đảm an ninh thì phải giải quyết căn bản cuộc sống cho đồng bào. Đừng để kẻ xấu lợi dụng đời sống khó khăn của đồng bào để gây mất an ninh”, Thủ tướng lưu ý.

Vấn đề tự cứu mình thứ hai là thúc đẩy nền sản xuất hàng hóa phát triển theo cơ chế thị trường, thay thế tư duy kinh tế kiểu tự cung tự cấp, manh mún, nhỏ lẻ. Tăng cường các mô hình liên kết hợp tác sản xuất. Đừng mắc bệnh làm theo phong trào, Thủ tướng nhắn nhủ.

Tự cứu mình là phải biết động viên ý chí khởi nghiệp, vươn lên trong mọi người dân, mọi cộng đồng thiểu số. Phải xem họ là lực lượng phát triển chứ không chỉ nhìn vào khía cạnh là đối tượng chính sách. Kiên quyết đẩy lùi tư duy tiểu nông, làm theo quán tính, tập quán cũ, ngại làm lớn, sợ rủi ro. Đi liền với đó, phát triển một số sản phẩm đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số, làm đặc sắc hơn nữa các sản phẩm du lịch địa phương.

Tự cứu mình là phải tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh của địa phương.

Bên cạnh hạ tầng cứng được Nhà nước quan tâm đầu tư, cần bồi đắp, phát huy nguồn lực mềm và các yếu tố hạ tầng thông minh như năng lực, kỹ năng, nghiệp vụ của cán bộ, công chức, sự gắn kết xã hội giữa các cộng đồng dân tộc, chất lượng quản trị nhà nước, khả năng kết nối thông tin và phổ cập Internet… Sơn La nói riêng, miền núi nói chung không được đứng ngoài lề các xu hướng toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0.

Thủ tướng cũng lưu ý tỉnh khai thác các thế mạnh như nông nghiệp công nghệ cao, du lịch. Chú ý công tác quy hoạch du lịch và đô thị bền vững. Thế mạnh của Sơn La còn khá tự nhiên, đơn sơ, chưa bị đô thị hóa quá nhiều. Thủ tướng đề nghị tỉnh quy hoạch xây dựng với tầm nhìn xa, bền vững, “làm sao càng xây thì càng đẹp, càng thoáng chứ không phải mất đi vẻ đẹp tự nhiên của Sơn La, của Mộc Châu”.

Những mô hình nông nghiệp đa chức năng, nông nghiệp sinh thái ứng dụng công nghệ cao, du lịch cộng đồng để người dân tham gia trực tiếp và hưởng lợi bền vững từ các mô hình này. Có như vậy phát triển kinh tế mới có ý nghĩa.

Lối sống phô trương, lãng phí làm suy yếu niềm tin của nhà đầu tư

Trước sự có mặt của đại diện các tỉnh Tây Bắc tại Hội nghị, Thủ tướng bày tỏ, thời gian qua, “tôi rất trăn trở khi nghe các thông tin về lối sống phô trương, lãng phí, gây nhiều phản cảm của một bộ phận cán bộ, đảng viên ở một vài tỉnh miền núi của chúng ta”.

Chính những cán bộ đó đang làm suy yếu niềm tin của các nhà đầu tư vào chính môi trường kinh doanh ở địa phương, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân và sự phát triển chung, trong khi đó chúng ta vô cùng xúc động trước tinh thần hy sinh, những câu chuyện rất cảm động về các thầy giáo, cô giáo ở vùng cao vượt qua mưa lũ đến trường, luôn một lòng vì các em, vì thế hệ tương lai của vùng cao mà không quản ngại, lùi bước trước bất kỳ khó khăn, gian khổ nào. Cũng như chúng ta đặc biệt hoan nghênh các doanh nghiệp đi vào vùng sâu, vùng cao nghiên cứu đầu tư, làm ăn lâu dài./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top