Aa

Thủ tướng: Hợp tác kinh tế, đầu tư giữa Việt Nam-Lào cần có đột phá

Chủ Nhật, 07/01/2024 - 10:33

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng hai nước cần tập trung thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên như công nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, năng lượng, khai khoáng...

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng hai nước cần tập trung thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên như công nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, năng lượng, khai khoáng...

Thủ tướng: Hợp tác kinh tế, đầu tư giữa Việt Nam-Lào cần có đột phá- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone dự Hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam-Lào 2024. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Trong chương trình thăm chính thức Việt Nam, kết hợp đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 46 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Sonexay Siphandone, sáng 7/1, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Sonexay Siphandone đã chủ trì Hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam-Lào.

Cùng dự hội nghị có: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Việt Nam-Lào; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam và Lào.

Tại hội nghị, hai bên giới thiệu về môi trường, chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam và Lào; đánh giá về các kết quả hợp tác đầu tư, kinh doanh đạt được trong những năm qua; thảo luận về định hướng hợp tác đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới; phản ánh một số vướng mắc và kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Lào cần được giải quyết; khả năng, mong muốn hợp tác đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp hai nước trên các lĩnh vực...

Hội nghị cho biết, thời gian qua, hợp tác đầu tư Việt Nam-Lào tiếp tục có chuyển biến tích cực. Việt Nam hiện có 241 dự án đầu tư tại Lào với tổng vốn đăng ký 5,47 tỷ USD. Lào luôn duy trì vị trí thứ nhất trong số 80 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam. Việt Nam cũng luôn nằm trong tốp 3 nước đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Lào. Nhiều dự án của các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội Lào. Tuy nhiên, kết quả trên chưa tương xứng với tiềm năng và quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.

Thủ tướng: Hợp tác kinh tế, đầu tư giữa Việt Nam-Lào cần có đột phá- Ảnh 2.

Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone phát biểu tại Hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam – Lào 2024. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Phát biểu tại hội nghị, đánh giá cao ý nghĩa của hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Lào Sonexay Siphandone nhất trí cao với các ý kiến đánh giá sát thực tiễn về tình hình đầu tư kinh doanh tại Lào; ghi nhận các ý kiến phản ánh những vướng mắc, cũng như những đề xuất về biện pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vướng mắc, phát triển.

Thủ tướng Sonexay Siphandone cho rằng, sự trưởng thành của các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào thời gian qua đã góp phần kích thích sự phát triển, thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ của Lào; cho rằng thời gian tới, Chính phủ, doanh nghiệp và nhân dân hai nước cần tiếp tục nỗ lực, quyết tâm tạo bước ngoặt mới, triển khai các dự án hợp tác mới, cụ thể hóa và thực hiện hiệu quả thỏa thuận giữa hai Bộ Chính trị Việt Nam-Lào, để quan hệ hợp tác Việt Nam-Lào ngày càng phát triển đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả.

Thủ tướng Sonexay Siphandone cho biết, thời gian vừa qua, Chính phủ Lào đã tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, trong đó có chính sách khuyến khích đầu tư; xây dựng các quy hoạch, trong đó có quy hoạch 12 khu kinh tế, khu công nghiệp trên toàn quốc; đang yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các chính sách sách khuyến khích đầu tư phù hợp từng giai đoạn; đồng thời tiếp tục lắng nghe, giải quyết các khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp phát triển.

Thủ tướng Chính phủ Lào mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục tìm hiểu, đầu tư vào Lào trong các lĩnh vực mà Lào có thế mạnh như nông nghiệp sạch, chế biến nông sản, khoáng sản, năng lượng sạch...; cho biết, năm 2024, Lào đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN, với chủ đề “Tăng cường kết nối và khả năng phục hồi,” Chính phủ Lào mong muốn Việt Nam nói chung, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói riêng ủng hộ để Lào đảm nhiệm thành công vai trò của mình; mong đón nhiều người dân Việt Nam hơn nữa thăm Lào, nhất là trong năm du lịch Lào 2024.

Thủ tướng: Hợp tác kinh tế, đầu tư giữa Việt Nam-Lào cần có đột phá- Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam-Lào 2024. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào đang phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, hợp tác kinh tế, đầu tư giữa hai nước là nhu cầu khách quan; có ý nghĩa chiến lược; cần ưu tiên để thúc đẩy mạnh hơn nữa để phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh và góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của mỗi nước.

Đánh giá cao kết quả hợp tác thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, hợp tác kinh tế, đầu tư giữa hai nước thời gian tới, cần có đột phá. Trong đó, cần đẩy mạnh hợp tác công tư để phát triển hạ tầng, kết nối hai nền kinh tế, trong đó có đầu tư xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc, đường sắt, tuyến hàng không kết nối giữa hai nước; xây dựng hạ tầng kết nối các cửa khẩu.

Cùng với đó, tạo đột phá phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của hai bên, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong quan hệ giữa hai nước thời gian tới; tập trung thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên như công nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, năng lượng, khai khoáng, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại điện tử...

“Lào có nguồn nguyên liệu dồi dào, trong khi doanh nghiệp Việt Nam có khả năng chế biến, đặc biệt Việt Nam có thị trường rộng lớn với 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, có thể giúp hàng hóa của Lào tiếp cận,” Thủ tướng chỉ rõ.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề nghị các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai bên phối hợp, giải quyết các dự án tồn đọng, vấn đề còn vướng mắc; ưu tiên, thúc đẩy đầu tư. Chính phủ mỗi nước tiếp tục xây dựng chính sách, hoàn thiện thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý, môi trường đầu tư thuận lợi; tăng cường đầu tư công để dẫn dắt đầu tư tư; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để giảm chi phí tuân thủ, giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp; đặc biệt, có chính sách ưu tiên phù hợp cho doanh nghiệp hai nước, trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ," “hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp.”

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, mỗi chương trình, dự án không chỉ có ý nghĩa đơn thuần về kinh tế mà có ý nghĩa chính trị sâu sắc. Sự thành công của các chương trình, dự án hợp tác đầu tư, thể hiện và củng cố sự tin cậy chính trị, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, đem lại cuộc sống hạnh phúc, ấm no cho nhân dân mỗi nước; củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hiếm Việt Nam-Lào; góp phần xây dựng môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực và thế giới; tin tưởng kết quả hợp tác đầu tư Việt Nam-Lào năm 2024 sẽ cao hơn năm 2023, tạo tiền đề để kết quả năm 2025 cao hơn năm 2024 và nhiệm kỳ này, cao hơn nhiệm kỳ trước.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone cùng chứng kiến lễ trao các chứng nhận đầu tư, ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa các cơ quan, nhà đầu tư, doanh nghiệp hai nước Việt Nam-Lào trong các lĩnh vực tài chính, nông nghiệp, khai thác khoáng sản.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top