Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch nCoV cho biết, hiện nay phương pháp xét nghiệm dịch bệnh đã tốt hơn, chuẩn bị đưa về Việt Nam các que thử xét nghiệm, còn đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị.
Theo Phó Thủ tướng, một số tổ chức quốc tế nhận định Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Đại diện của WHO đồng tình với các biện pháp mà Việt Nam đang triển khai.
Về thời điểm dịch đến đỉnh điểm, hiện có nhiều nhận định khác nhau, có ý kiến cho rằng, 7-10 ngày nữa dịch nCoV tại Trung Quốc đến đỉnh dịch, có ý kiến nhận định là từ 1 tháng đến 1 tháng rưỡi nữa.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đây là dịch bệnh dễ lây, khó phòng. Biện pháp quan trọng nhất hiện nay là cách ly. Hiện nay có 3 vòng cách ly là cách ly tuyệt đối người bệnh, nghi nhiễm bệnh; vòng hai là cách ly 14 ngày những trường hợp người nhập cảnh Việt Nam đến từ các vùng dịch của Trung Quốc; những người tiếp xúc xung quanh thì cách ly hạn chế.
Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị, việc cách ly đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành, nhất là các địa phương. Cách ly tốt thì mới phòng chống dịch hiệu quả.
Ông Long cũng cho biết, đang thực hiện chặt chẽ các biện pháp để khống chế dịch vào Việt Nam. Trước thông tin vẫn còn người Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam, ông Long cho biết, trong số người nhập cảnh biên giới Việt - Trung ngày 3 và 4/2 không có người Trung Quốc nào. Trong khi xuất cảnh qua biên giới Việt - Trung là hơn 1.300 trường hợp đều là người Trung Quốc.
Tại Việt Nam, với 10 bệnh nhân đã ghi nhận cho đến nay, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng dịch đã ở “thế hệ thứ 2”, tức là có bệnh nhân F2 - lây bệnh từ người Trung Quốc tại Việt Nam (thế hệ 1 là người mang bệnh từ Trung Quốc sang). Đặc biệt, bệnh nhân dương tính mới nhất ở Vĩnh Phúc không sống cùng bệnh nhân nguồn lây, mà dịp Tết có tụ họp cùng nhau và lây bệnh.
Các ý kiến đều khẳng định, ngành y tế sẵn sàng, chuẩn bị trang thiết bị, thuốc men đầy đủ.
Theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến ngày 4/2 có 59 tỉnh, thành phố cho học sinh, sinh viên nghỉ học phòng dịch, trong đó có 58 địa phương cho nghỉ đến hết tuần này. Hầu hết các địa phương đã tiến hành tẩy trùng trường học.
Tại Vũ Hán (Trung Quốc) hiện có 302 du học sinh Việt theo học, trong đó có 281 học sinh đã về ăn Tết. Trong số các em đã về nước, có 7 em đã xét nghiệm, 3 có kết quả âm tính và 4 người đang chờ kết quả.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chúng ta đã chỉ đạo chủ động, quyết liệt và đồng bộ. Các tổ chức quốc tế như WHO và UNICEF đánh giá cao các biện pháp của Việt Nam.
Cho rằng dịch còn diễn biến phức tạp, Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không chủ quan, nhưng cũng không bi quan, hoang mang, từ tuyên truyền đến cách làm. Tiếp tục chủ động ứng phó trên tất cả các mặt trận, từ y tế đến ngoại giao, quốc phòng, an ninh, kể cả kinh tế, xã hội. “Chúng ta đã nói là chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, nhưng đồng thời chúng ta cũng phải chủ động để giữ được nhịp độ phát triển”, Thủ tướng nói. Một số ngành như hàng không, du lịch, nông nghiệp cần có phương án tái cơ cấu sớm. Triển khai ngay các đối sách, giải pháp để giảm thiểu các tác động về kinh tế của dịch.
Cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc “mà như các đồng chí nói, toàn dân phòng chống thì mới có kết quả”. Thủ tướng nhấn mạnh, không để dịch bệnh lây lan, coi chống dịch như chống giặc, quyết liệt, cụ thể, nhanh chóng, kịp thời hơn.
Bộ Y tế rà soát lại kịch bản, phương án ứng phó đã được giao, nhưng không gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ liên quan cần có phương án chủ động hơn, phân tích, tính toán, rà soát, điều chỉnh để xử lý các kịch bản tăng trưởng mới theo ngành, lĩnh vực hàng quý và cả năm 2020.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ: Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, các địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly y tế đối với công dân Việt Nam trở về từ Trung Quốc và những người từ Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam trong 14 ngày. Sàng lọc và điều trị theo tinh thần “4 tại chỗ”; hạn chế tối đa lây chéo, kiểm tra phương tiện, trang bị, vật tư, thuốc để phục vụ phòng chống dịch.
Bộ Ngoại giao chủ động có văn bản trao đổi thông tin với các cơ quan chức năng của Trung Quốc về các chủ trương, biện pháp phòng chống dịch bệnh của Việt Nam. Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các Bộ Quốc phòng, Công an tạo điều kiện thuận lợi để công dân Trung Quốc về nước. Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với các bộ, các tỉnh có cửa khẩu với Trung Quốc quản lý nghiêm ngặt việc xuất nhập cảnh, đi lại ở cửa khẩu. Chỉ đạo bộ đội biên phòng kiểm soát chặt chẽ đường mòn, lối mở.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiểm tra việc thực hiện dừng hẳn các lễ hội chưa khai mạc và giảm quy mô các lễ hội tại địa phương; phối hợp với các tỉnh đã công bố dịch triệt để thực hiện việc dừng tất cả các lễ hội, kể cả lễ hội đã khai mạc.
Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn cụ thể việc cho học sinh nghỉ học, việc dọn vệ sinh tất cả các trường học, hướng dẫn học sinh khi đi học trở lại thực hiện các biện pháp phòng bệnh.
Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo việc không để người Việt Nam di chuyển đến vùng có dịch của Trung Quốc, tạo điều kiện để đưa người Trung Quốc ra khỏi Việt Nam. Phối hợp chặt chẽ với Bộ: Quốc phòng, Ngoại giao Y tế để đón người Việt Nam từ Trung Quốc về nước một cách chặt chẽ và cách ly. Có phương án xử lý phù hợp trong việc chống dịch đối với hoạt động vận tải đường sắt với Trung Quốc tương tự như với đường bộ, hàng không.
Các địa phương theo nhiệm vụ, chức năng được giao kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, tăng giá khẩu trang, vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch, đưa tin thất thiệt về dịch bệnh, kể cả khởi tố, điều tra, xử lý theo quy định pháp luật. Các Bộ: Công an, Công Thương, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, UBND các địa phương phải làm tốt việc này, kể cả việc tuyên truyền, nêu các tấm gương trong phòng chống dịch, “tôi thấy ở Đà Nẵng có một số cửa hàng họ phát miễn phí khẩu trang, có nhiều tấm gương lắm”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng nhấn mạnh việc hạn chế các cuộc họp, hội nghị đông người, trừ trường hợp thật cần thiết, để phục vụ phòng chống dịch./.