Aa

Thủ tướng làm Trưởng Ban chỉ đạo chống ùn tắc giao thông Hà Nội, TP.HCM

Thứ Sáu, 21/07/2017 - 11:39

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến chỉ đạo về việc thành lập Ban Chỉ đạo triển khai các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Vấn đề ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay đã trở nên vô cùng cấp bách, đòi hỏi cần có giải pháp đồng bộ về quy hoạch, giao thông, xây dựng, y tế, giáo dục và đào tạo... cũng như nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù. 

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 6731/VPCP-CN ngày 29/6/2017 của Văn phòng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo triển khai các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh theo hướng Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban.

Các Phó Trưởng ban gồm: 1 Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; các thành viên gồm lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trước đó, tại buổi họp trực tuyến với lãnh đạo TP.HCM về các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ, về giải pháp lâu dài, quan trọng nhất là TP.HCM cùng Bộ GTVT và các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về quản lý đô thị của TP.HCM.

Lấy ví dụ về việc Singapore đánh phí rất cao đối với ô tô đi vào khu trung tâm, Thủ tướng cho rằng, chính sách, thể chế là yếu tố quyết định vấn đề này, nếu không chú ý, chỉ luẩn quẩn trước mắt thì khó giải quyết.

Do đó, trước tiên, biện pháp quy hoạch đô thị của TP.HCM phải được giải quyết tốt hơn. Trong đó, phải hạn chế tầng cao ở khu trung tâm khi chưa có hệ thống giao thông.

“Nếu chúng ta cứ dồn hết vào trung tâm, có mảnh đất nào chúng ta tiếp tục xây tầng cao ở đó trong khi phương án giao thông để chống ùn tắc chưa giải quyết được thì tiếp tục sẽ khó khăn”, Thủ tướng nói.

Nêu nguyên nhân cơ bản của ùn tắc giao thông ở Việt Nam là phương tiện giao thông cá nhân tăng quá nhanh và “có quá nhiều xe máy, nhiều ô tô xen lẫn với nhau”, Thủ tướng yêu cầu có lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân, tăng cường phương tiện vận chuyển công cộng, tổ chức lại không gian vận chuyển của Thành phố. Do không thể giải phóng nhiều mặt bằng cho giao thông nên phải đẩy mạnh ngầm hóa với phương châm huy động tư nhân tham gia làm metro.

Bên cạnh đó, phải tổ chức hệ thống chỉ huy giao thông để kết nối giao thông tốt hơn. Thủ tướng giao Bộ Công an phối hợp với TP.HCM để làm một trung tâm chỉ huy kết nối giao thông.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa giao thông, Thủ tướng cho rằng nếu thực hiện tốt thì sẽ không có chuyện chen lấn, đi lên vỉa hè khi bị ùn tắc. “Luồng xe có thể đi chậm hơn nhưng vẫn di chuyển chứ không phải chen lấn nhau, gây ùn tắc nghiêm trọng hơn”. Đi liền với tuyên truyền văn hóa giao thông, cần xử phạt nghiêm vi phạm bởi nếu không xử lý mạnh về kinh tế thì khó mang tính răn đe.

Thủ tướng nhất trí việc cần có cơ chế thuận lợi cho TP.HCM trong việc đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông để có hạ tầng kết nối tốt nhất, giải quyết ùn tắc trong thời gian ngắn, không để kéo dài tình trạng ùn tắc như hiện nay.

Thủ tướng cũng gợi mở một số giải pháp khác như hạn chế nhập cư vào khu trung tâm, xây dựng các đô thị vệ tinh, áp dụng công nghệ thông tin, phát động quần chúng đóng góp các giải pháp thông minh trong chống ùn tắc, chứ không chỉ các cơ quan hành chính chống ùn tắc./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top