Cùng dự có: Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Bộ Trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo tỉnh, thành phố; đại diện Đại sứ quán, cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế; hiệp hội doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Bùng nổ thu hút đầu tư
Với tâm thế đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1589/QĐ-TTg ngày 28/12/2023 có quan điểm đột phá, lấy truyền thống, văn hóa và con người Bắc Ninh làm nền tảng, đồng thời khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo.
Quy hoạch hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là trung tâm kinh tế, văn hóa năng động của khu vực phía Bắc, có tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 8 - 9%/năm, GRDP bình quân đầu người đạt 346,6 triệu đồng/người/năm.
Đến năm 2050, Bắc Ninh thuộc nhóm địa phương đứng đầu cả nước về quy mô kinh tế; một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển, sản xuất thông minh hàng đầu châu Á và thế giới. Đây là thành phố xanh, thông minh, hiện đại, đáng sống với trình độ phát triển cao, mang đậm bản sắc văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc; người dân được thụ hưởng các dịch vụ xã hội và chất lượng cuộc sống ngang với các nước phát triển trong khu vực châu Á. Triển khai Quyết định phê duyệt, tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng và phê duyệt Quy hoạch 25 phân khu của tỉnh.
Tại Hội nghị, Bắc Ninh giới thiệu các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế, cơ chế chính sách thu hút đầu tư. Tỉnh đã và đang nỗ lực, quyết tâm cao triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tập trung vào cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư… Đến nay, Bắc Ninh đã cấp đăng ký đầu tư cho 2.413 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh và góp vốn mua, mua cổ phần, phần vốn góp đạt hơn 28 tỷ USD.
UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục thu hút đầu tư năm 2024, định hướng đến năm 2030 gồm 167 dự án, với diện tích khoảng 11.638 ha. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp 5 dự án; thương mại, dịch vụ 36 dự án; nhà ở, khu đô thị 83 dự án; nhà ở xã hội 27 dự án; hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp 12 dự án và 4 dự án về thể thao, văn hóa, nước sạch, môi trường.
Trong đó, có các dự án lớn như: Dự án sản xuất màn hình và các linh kiện điện tử của Samsung Display Co., Ltd., có vốn đầu tư 1,8 tỷ USD; Nhà máy sản xuất, lắp giáp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn của Công ty TNHH Amkor Techology Việt Nam có số vốn hơn 1 tỷ USD; xây dựng khu đô thị sinh thái Hồng Hạc - Xuân Lâm, thị xã Thuận Thành với vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD…
Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Bắc Ninh thực hiện nghi thức bấm nút khởi công Dự án Đầu tư xây dựng cầu Kênh vàng và đường dẫn hai đầu cầu - biểu tượng cho sự phát triển, kết nối giữa Bắc Ninh và Hải Dương; đồng thời thực hiện nghi thức khởi công Dự án Khu nhà ở xã hội thuộc Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Quế Võ.
Cùng đất nước vươn mình trong thời kỳ mới
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, sáng cùng ngày ông đã thăm một số hộ dân ở khu nhà ở xã hội Thống Nhất, thành phố Bắc Ninh; vui mừng vì khu nhà được xây dựng hiện đại, các căn hộ được thiết kế hợp lý, giá cả phải chăng; đặc biệt chứng kiến cảnh sống ấm no, hạnh phúc của người dân tại đây.
Thủ tướng mong muốn tỉnh Bắc Ninh và các địa phương trong cả nước cần quan tâm phát triển nhà ở xã hội để cùng với việc phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, các cơ chế, chính sách khác… để thu hút đầu tư.
Phân tích về 5 vai trò, 3 nội dung trọng tâm, 3 yếu tố quan trọng và 5 nhiệm vụ của công tác quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII tới nay, công tác này được tập trung đầu tư, đẩy mạnh; đã hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt 110/111 quy hoạch.
Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được chuẩn bị công phu, khoa học trên cơ sở phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế của tỉnh. Quy hoạch đã đưa ra được quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển trọng tâm, đột phá phát triển; phương án, giải pháp, chính sách ưu đãi và nguồn lực thực hiện quy hoạch trong thời gian tới, với 5 hành lang, 1 vùng động lực.
Để đạt được những mục tiêu đề ra tại Quy hoạch, Thủ tướng yêu cầu Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh khẩn trương xây dựng, ban hành, triển khai tích cực, hiệu quả kế hoạch thực hiện Quy hoạch. Đồng thời phát huy tính tự lực, tự cường, bằng trí tuệ, con người, văn hóa lịch sử và truyền thống hào hùng của đất, người Kinh Bắc, dựa vào công nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, sản xuất thông minh, dịch vụ để bứt phá, phát huy tối đa nguồn lực bên trong và bên ngoài.
Cùng với đó, Bắc Ninh phải thực hiện tốt 3 nhiệm vụ trọng tâm; 6 khâu đột phá chiến lược đã được xác định. Trong đó, nghiên cứu, đề xuất, triển khai thí điểm một số cơ chế, chính sách mới có tính đột phá, đặc thù; tiếp tục đẩy mạnh phát triển đầu tư hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, y tế, giáo dục, xã hội, hạ tầng số.
Bắc Ninh phải phát triển công nghiệp mũi nhọn, công nghệ cao, chuyển đổi và mở rộng các khu công nghiệp theo hướng xanh, số, tuần hoàn, bền vững, tham gia ngày càng sâu rộng vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Đồng thời phát triển hạ tầng thương mại, thương mại điện tử hiện đại, trung tâm logistics lớn luân chuyển hàng hóa của khu vực phía Bắc và cả nước. “Bắc Ninh phải có cơ chế chính sách huy động nguồn lực, sức mạnh tổng lực của toàn xã hội; tập trung phát triển hạ tầng, đô thị hóa, cải cách hành chính với cách tiếp cận thân thiện, cởi mở”, Thủ tướng lưu ý.
Về thu hút đầu tư, Thủ tướng đánh giá cao và hoan nghênh các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã chọn tỉnh Bắc Ninh để đầu tư. Đồng thời tin tưởng các dự án sẽ được triển khai thành công; đề nghị doanh nghiệp, nhà đầu tư phát huy sứ mệnh của doanh nghiệp trên tinh thần 3 cùng (cùng lắng nghe, thấu hiểu; cùng sẻ chia tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng và cùng phát triển và cùng chung niềm tự hào, vinh dự).
Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thực hiện đúng cam kết đầu tư, thoả thuận hợp tác; đúng định hướng, ưu tiên theo quy hoạch tỉnh…; tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển giao công nghệ, ứng dụng các phương thức quản trị thông minh, hiện đại; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp đóng góp ý kiến tham vấn cho cơ quan nhà nước trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiết giảm chi phí tuân thủ, tối ưu hóa đầu tư; tuân thủ pháp luật, thực hiện tốt văn hóa, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội, bảo đảm đời sống cho người lao động, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, trên tinh thần “đã nói thì phải làm, đã cam kết thì phải thực hiện, đã thực hiện thì phải có kết quả thực chất”.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương cùng Bắc Ninh đoàn kết, đồng lòng, hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau giải quyết các vấn đề mang tính liên tỉnh, thành phố; cùng chung sứ mệnh mới đưa đất nước vươn mình trong thời kỳ mới.