Cùng tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM, Tổ trưởng Tổ Công tác của Ban Chỉ đạo; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương, thành viên Ban Chỉ đạo.
Nghị quyết số 98/2023/QH15 quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM về (i) quản lý đầu tư; (ii) tài chính, ngân sách Nhà nước; (iii) quản lý đô thị, tài nguyên, môi trường; (iv) ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thành phố; (v) quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; (vi) tổ chức bộ máy của chính quyền TP.HCM và thành phố Thủ Đức.
Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 98 (ngày 24/6/2023), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với TP.HCM triển khai Nghị quyết. Thủ tướng sau đó ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 98.
Tại phiên họp đầu tiên (ngày 26/11/2023), Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành và TP.HCM trong thực hiện Nghị quyết 98. Tại phiên họp thứ hai, các đại biểu đã tập trung báo cáo về tình hình triển khai Nghị quyết 98, các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 506/TB-VPCP kết luận Hội nghị lần thứ nhất, nguyên nhân, kinh nghiệm, các vướng mắc, kiến nghị, đề xuất các định hướng, nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới.
Đạt một số kết quả bước đầu, góp phần tạo động lực mới, khí thế mới, niềm tin mới
Các báo cáo, ý kiến tại hội nghị đánh giá, việc triển khai Nghị quyết 98 đã đạt một số kết quả bước đầu, góp phần tạo động lực mới, khí thế mới, niềm tin mới để TP.HCM tiếp tục phát triển vươn lên.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan của Thành phố thẳng thắn phân tích những mặt làm được và chưa được, không nể nang để công việc chậm trễ, hiệu quả thấp và giảm tính thiết thực của Nghị quyết.
Lãnh đạo các bộ, ngành báo cáo tình hình thực hiện và đưa ra cam kết cụ thể về tiến độ triển khai các nhiệm vụ: Trình ban hành 4 nghị định của Chính phủ; hoàn thiện Đề án phát triển thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam; bổ sung chức năng cảng trung chuyển quốc tế đối với khu bến cảng Cần Giờ; đầu tư mở rộng tuyến đường cao tốc TP.HCM-Trung Lương; nghiên cứu phương án đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây; nghiên cứu, thực hiện trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất rừng khu vực Cần Giờ theo quy định của pháp luật; hoàn thiện Đề án Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP.HCM; nghiên cứu tổng thể đối với các tỉnh, thành phố có mức chuẩn nghèo cao hơn mức chuẩn nghèo quốc gia để đề xuất phương án, giải pháp cụ thể, trong đó có TP.HCM; hướng dẫn phân cấp việc cấp phiếu lý lịch tư pháp cho Phòng Tư pháp thuộc UBND thành phố Thủ Đức, các quận, huyện và các nhiệm vụ khác.
Về phía TP.HCM, tại Thông báo kết luận Hội nghị lần thứ nhất, Thành phố được giao chủ trì 5 nhiệm vụ. Thời gian qua, TP.HCM đã khẩn trương, triển khai quyết liệt các cơ chế, chính sách, hoàn thành, nhiều nhiệm vụ được giao theo tiến độ, HĐND Thành phố đã ban hành 9 nghị quyết triển khai các chính sách tại Nghị quyết 98, UBND Thành phố đã hoàn thành 6 nhiệm vụ và đang tích cực hoàn thành các nhiệm vụ còn lại theo tiến độ.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng, tinh thần trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc triển khai Nghị quyết 98, song cho rằng cần các công việc cần được đẩy nhanh hơn nữa.
Thực hiện nhiều việc hơn với tốc độ, chất lượng cao hơn
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính thay mặt Chính phủ cảm ơn, biểu dương, đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM đã có rất nhiều nỗ lực, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị năm 2023 một cách toàn diện, đạt nhiều kết quả quan trọng.
Tình hình kinh tế-xã hội tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước và năm 2023 nhìn tổng thể tốt hơn năm 2022, đặc biệt là đóng góp vào tăng trưởng GDP, thu ngân sách của cả nước và làm tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội.
TP.HCM cũng vừa cùng các cơ quan liên quan đón kiều bào, tổ chức thành công chương trình Xuân Quê hương năm 2024 với hiệu ứng tích cực, lan tỏa.
Với việc triển khai Nghị quyết 98, Thủ tướng ghi nhận TP.HCM đã hoàn thành 10/22 nhiệm vụ. HĐND Thành phố đã thông qua 49 nghị quyết triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có 9 nghị quyết triển khai Nghị quyết số 98; đã tổ chức 4 kỳ họp, thông qua 24 nghị quyết cụ thể hóa 19/27 cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền.
UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 98; đã hoàn thành 6/25 nội dung, cho ý kiến để các cơ quan chủ trì bổ sung hoàn thiện 19/25 nội dung còn lại, trình UBND Thành phố ban hành theo tiến độ.
Về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật và nhiệm vụ các bộ, ngành Trung ương, đến nay các bộ ngành đã trình ban hành 2/4 nghị định của Chính phủ và 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể gồm Nghị định số 07/2024/NĐ-CP ngày 1/2/2024 quy định chi tiết việc bầu, tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức làm việc tại xã, thị trấn và cán bộ phường; Nghị định số 11/2024/NĐ-CP ngày 2/2/2024 quy định lãi vay, lợi nhuận hợp lý, phương thức thanh toán, quyết toán dự án đầu tư theo hợp đồng BT; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân trên địa bàn TP.HCM; Quyết định số 20/2023/QĐ-TTg ngày 10/8/2023 quy định việc phân cấp, trình tự, thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật TP.HCM.
Về thực hiện 13 nhiệm vụ tại Thông báo số 506/TB-VPCP, đến nay các cơ quan đã hoàn thành 2/13, đang triển khai 10/13, còn nhiệm vụ số 7 chưa triển khai (xây dựng hạ tầng tuyến đường sắt đô thị).
"So với việc triển khai Nghị quyết 54 năm 2017 trước đây thì việc triển khai Nghị quyết 98 có nhiều việc hơn, nhưng việc thực hiện có tốc độ, chất lượng cao hơn. Tuy nhiên, so với yêu cầu, thực tiễn, mong muốn của TP.HCM và Chính phủ thì còn có khoảng cách, việc triển khai vẫn còn chậm", Thủ tướng nêu rõ.
Do đó, các bộ, ngành, các thành viên Ban Chỉ đạo cần tăng cường hơn nữa nhận thức, phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm, tự giác, chủ động, sáng tạo để tập trung thực hiện công việc; quyết liệt hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa, sát sao hơn nữa, quyết tâm cao hơn nữa, rút ra bài học kinh nghiệm, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn.
"Quá trình làm không chỉ dừng lại ở các việc đã đề xuất mà cần đề xuất nếu gặp vấn đề mới, vấn đề phát sinh. Cái gì vướng, chưa phù hợp thì tiếp tục bổ sung", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành đổi mới cách làm với TP.HCM, trong đó các bộ, ngành chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao phải phân công nhân sự chuyên trách đủ năng lực, trình độ, trách nhiệm đam mê, để triển khai công việc liên quan.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao năng lực cán bộ thực thi, phân bổ nguồn lực phù hợp và tăng cường kiểm tra, giám sát. Thủ tướng nói với những quyền của Thủ tướng, ông sẽ phân cấp tối đa cho TP.HCM. Ông cũng đề nghị các bộ, ngành phân cấp hết cho TP.HCM, bộ nào không phân cấp hay phân cấp thì phải làm rõ.
Thủ tướng giao các nhiệm vụ cụ thể với các bộ, ngành
Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng phân công Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì, trực tiếp chỉ đạo việc hoàn thiện, trình nghị định của Chính phủ về phân cấp quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực cho TP.HCM (Bộ Nội vụ chủ trì), hoàn thành trong tháng 2/2024.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì, trực tiếp chỉ đạo việc hoàn thiện, trình ban hành Nghị định quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái lắp đặt tại trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công (Bộ Công Thương chủ trì), hoàn thành trong quý II/2024.
Về hướng dẫn phân cấp việc cấp phiếu lý lịch tư pháp, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tư pháp khẩn trương hướng dẫn phân cấp việc cấp phiếu lý lịch tư pháp cho Phòng Tư pháp thuộc UBND thành phố Thủ Đức, các quận, huyện.
"Người dân ở đâu thì nơi đó thuận lợi nhất để việc cấp phiếu lý lịch tư pháp, làm sao đơn giản nhất cho người dân, để người dân không mất nhiều thời gian, chi phí tuân thủ", Thủ tướng phát biểu.
Về phát triển Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Thủ tướng nêu rõ, cần lựa chọn một nhà đầu tư chiến lược liên doanh với đối tác Việt Nam để thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và các cam kết quốc tế, trong đó có các yêu cầu của UNESCO liên quan khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.
Thủ tướng yêu cầu tăng cường hơn nữa, làm tốt công tác truyền thông để người dân trong nước và các đối tác quốc tế hiểu rõ về các vấn đề liên quan việc phát triển cảng Cần Giờ, trong đó nhấn mạnh cảng Cần Giờ và cảng Cái Mép-Thị Vải hiện hành sẽ phát huy sức mạnh tổng hợp, không phải Cái Mép riêng, Cần Giờ riêng. Đồng thời, đánh giá tác động kỹ lưỡng môi trường, trình cấp có thẩm quyền trong quý I/2024.
Thủ tướng cũng giao cụ thể nhóm nhiệm vụ liên quan một số dự án cao tốc, trong đó Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trực tiếp chỉ đạo xử lý các vấn đề liên quan nguồn vốn cho đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương trình thủ tục triển khai dự án cao tốc TP.HCM-Mộc Bài và đầu tư mở rộng tuyến đường cao tốc TP.HCM-Trung Lương.
Về đầu tư xây dựng hạ tầng tuyến đường sắt đô thị, UBND TP.HCM khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư tổng thể, huy động nguồn lực đủ lớn trong và ngoài nước để thực hiện đồng bộ các tuyến đường sắt đô thị của Thành phố theo quy hoạch. Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết sẽ trình đề án tổng thể này trong quý I/2024.
Về áp dụng mức chuẩn nghèo theo đặc thù TP.HCM, giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổng hợp các tỉnh, thành phố có mức chuẩn nghèo cao hơn chuẩn nghèo Trung ương và hoàn thiện hồ sơ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ cuối tháng 2/2024.
Thủ tướng yêu cầu cuộc họp sau phải có nhiều tiến bộ hơn cuộc họp trước để Nghị quyết 98 được thực hiện thành công. Nhân dịp này, Thủ tướng cũng đề nghị TP.HCM tiếp tục rà soát các công việc để tổ chức cho người dân đón Tết vui tươi, an toàn, tiết kiệm, lành mạnh, nghĩa tình, không để ai không có Tết./.