Sáng 8/8, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với Bộ Quốc phòng về công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng trong hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế gắn với thưc hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.
Dự buổi làm việc có Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Báo cáo tại buổi làm việc nêu rõ quân đội tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế là chủ trương đúng đắn, nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước, là một trong những chức năng cơ bản đã trở thành bản chất, truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Việc tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế đã góp phần quan trọng tạo nên thế trận kinh tế-quốc phòng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc.
Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013, Luật Quốc phòng năm 2005 (sửa đổi năm 2018) các Nghị định 164/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ Bộ Quốc phòng, Nghị định số 164/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kết hợp quốc phòng với kinh tế-xã hội và kinh tế-xã hội với quốc phòng cùng nhiều văn bản pháp luật hiện hành đã thể chế hóa chức năng lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng của quân đội.
Quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng đã giao đất quốc phòng để các đơn vị, doanh nghiệp quân đội quản lý, sử dụng vào mục đích sản xuất, xây dựng kinh tế gắn với thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; thực hiện ký hợp đồng sử dụng đất theo phương thức trả tiền sử dụng đất hàng năm, số thu nộp về ngân sách Nhà nước.
Việc khai thác, sử dụng có thời hạn đất quốc phòng vào hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế bảo đảm đúng nguyên tắc kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế-xã hội với quốc phòng, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng, đồng thời, đáp ứng yêu cầu đặc thù trong lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, bảo đảm trực tiếp, thường xuyên cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu.
Chủ trương này vừa đảm bảo dự trữ lâu dài nguồn đất đai phục vụ quốc phòng khi có tình huống xảy ra vừa mang lại hiệu quả kinh tế, chống lãng phí nguồn lực của đất nước; đồng thời phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tạo công ăn việc làm, góp phần giải quyết chính sách hậu phương quân đội.
Các đơn vị quân đội đã tận dụng tiềm năng đất đai để triển khai hiệu quả các mô hình kinh tế nông nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ để giảm công sức bộ đội, tăng năng suất, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm.
Các nhà máy quốc phòng sử dụng đất đai để tổ chức sản xuất, sửa chữa các loại vũ khí, trang bị khí tài kết hợp phát triển kinh tế, đáp ứng yêu cầu tác chiến, bảo đảm sẵn sàng chiến đấu và xây dựng đất nước. Một số ngành như viễn thông, đóng tàu có bước phát triển vượt bậc, đạt trình độ tiên tiến.
Các doanh nghiệp quân đội trực tiếp phục vụ quốc phòng an ninh, công nghiệp quốc phòng lưỡng dụng vừa nghiên cứu phát triển các công nghệ kỹ thuật mới; sản xuất trang thiết bị cho quân sự vừa lao động sản xuất, xây dựng kinh tế và kinh doanh có hiệu quả... đã tạo việc làm cho người lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, ổn định dân cư ở địa bàn vùng sâu, vùng xa và trên các địa bàn chiến lược, trọng điểm.
Trong những năm gần đây, Bộ Quốc phòng đã tích cực chỉ đạo cơ cấu, sắp xếp lại doanh nghiệp quân đội với mục tiêu, cơ cấu lại nhằm giảm mạnh số lượng doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, tập trung vào những ngành, lĩnh vực trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; bảo đảm yêu cầu phát triển công nghiệp quốc phòng của đất nước.
Nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng có hiệu quả khoa học công nghệ 4.0 như Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn, Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam.
Khối công nghiệp quốc phòng, doanh nghiệp quân đội hàng năm nộp khoảng 41.000 tỷ cho ngân sách nhà nước (chiếm xấp xỉ 16% tổng số ngân sách do các doanh nghiệp nhà nước đóng góp), tạo ra doanh thu đạt khoảng 5% GDP của đất nước.
Các đoàn kinh tế quốc phòng đã tham gia phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, làm nòng cốt giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo; hỗ trợ nhân dân địa phương phát triển sản xuất, ổn định đời sống, góp phần xây dựng thế trận lòng dân vững chắc trên các địa bàn trọng điểm, chiến lược.
Căn cứ Luật đất đai và các quy định của Chính phủ, trước những vướng mắc và hạn chế trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021, Quân ủy Trung ương đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết xử lý.
Công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng phải quán triệt và chấp hành nghiêm quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặt dựới sự lãnh đạo, chi đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và cấp ủy, chỉ huy các cấp; bảo đảm quản lý chặt chẽ, không để phát sinh tranh chấp, lấn chiếm; chịu trách nhiệm trước cấp ủy, chỉ huy cấp trên, trước Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và trước pháp luật về những sai phạm của đơn vị mình.
Bộ cũng nghiêm cấm sử dụng đất quốc phòng sai quy định; chấm dứt ký hợp đồng liên doanh, liên kết, mở mới các dự án có sử dụng đất quốc phòng; kiên quyết thu hồi đất đối với các hợp đồng liên doanh, liên kết hết thời hạn hoặc sai phạm, không hiệu quả.
Các hợp đồng đã được ký kết trước đây có hiệu quả, không ảnh hưởng đến nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương thì phải quản lý chặt chẽ, không gia hạn hợp đồng, không để tranh chấp, lấn chiếm; các trường hợp sai phạm, không hiệu quả thì kiên quyết thanh lý, thu hồi đất.
Bộ Quốc phòng yêu cầu phải tiến hành thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất quốc phòng, xử lý nghiêm các sai phạm, đảm bảo đúng người, đúng pháp luật, không có vùng cấm. Những trường hợp vi phạm chuyển cơ quan chức năng điều tra, xử lý theo quy định.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương sự nỗ lực, quyết tâm của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng vào mục đích sản xuất, xây dựng kinh tế gắn với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.
Thủ tướng đánh giá những kết quả đạt được của cán bộ, chiến sỹ toàn quân trong thực hiện chức năng của đội quân lao động, sản xuất thời gian qua là nhờ sự nỗ lực rất lớn, có ý nghĩa sâu sắc cả về chính trị, kinh tế-xã hội và quốc phòng-an ninh.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng cần tiếp thu các ý kiến tham gia, hoàn chỉnh các văn bản để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Cụ thể là các nội dung cho phép các doanh nghiệp trực tiếp làm nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, các đơn vị, các tập đoàn kinh tế quốc phòng được sử dụng đất quốc phòng vào nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế; kiên quyết thanh lý, thu hồi các hợp đồng hết thời hạn, sai phạm, không hiệu quả. Các hợp đồng có hiệu quả, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đáp ứng yêu cầu quốc phòng được phép thực hiện đến hết thời hạn. Bộ Quốc phòng quản lý chặt chẽ, giữ ổn định tình hình quân đội, không để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá.
Thủ tướng mong muốn Bộ Quốc phòng phải đi đầu, mẫu mực về cổ phần hóa, thoái vốn, bàn giao đất của các doanh nghiệp thuần túy về xây dựng, thương mại, dịch vụ và các doanh nghiệp ít liên quan đến nhiệm vụ quân sự, quốc phòng cho địa phương để phát triển kinh tế-xã hội và quản lý theo luật định.
Cùng với đó, Bộ nghiên cứu, đề xuất chủ trương, giải pháp cơ bản, lâu dài để quản lý chặt chẽ, phát huy cao nhất hiệu quả sử dụng đất quốc phòng vào cả nhiệm vụ quốc phòng và nhiệm vụ xây dựng, phát triến đất nước, phù hợp với thực tiễn và chức năng nhiệm vụ của quân đội, không để lãng phí nguồn lực./.