Aa

Thủ tướng: Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phản ứng chính sách kịp thời

Thứ Bảy, 09/09/2023 - 15:50

Ngày 9/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023 và đưa ra những chỉ đạo đáng chú ý nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Cầu thị, lắng nghe ý người dân và doanh nghiệp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc

Tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2023, chúng ta đã được mục tiêu tổng quát đề ra theo các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Cụ thể, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn, an sinh xã hội, đời sống nhân dân được bảo đảm; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh.

Tuy nhiên, nền kinh tế nói chung và người dân, doanh nghiệp nói riêng vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Trong đó, nợ xấu có xu hướng tăng. Tăng trưởng tín dụng thấp. Điều hành chính sách tiền tệ tiếp tục gặp khó khăn trong bối cảnh nhiều nước tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ. Đầu tư công khởi sắc nhưng mục tiêu giải ngân trên 95% vẫn là thách thức; thu hút đầu tư tư nhân còn khó khăn. Đời sống một bộ phận người dân khó khăn. Tiêu dùng trong nước khó tăng mạnh trong ngắn hạn.

Đặc biệt, các doanh nghiệp vẫn đang chật vật để phục hồi. Đơn cử, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn trầm lắng. Sản xuất công nghiệp phục hồi chậm, với chỉ số IIP 8 tháng giảm 0,4%. Xuất khẩu một số mặt hàng nông nghiệp vẫn giảm sâu như thủy sản, hạt tiêu, chè.

Thủ tướng yêu cầu tháo gỡ khó khăn cho thị trường và dự án bất động sản. (Ảnh minh họa: Reatimes)

Trong khi đó, thủ tục hành chính một số lĩnh vực còn rườm rà; một số cơ chế, chính sách, quy định chậm được sửa đổi phù hợp. Công tác lập, thẩm định quy hoạch vẫn cần tiếp tục đẩy nhanh và nâng cao chất lượng.

Thủ tướng nêu rõ, nguyên nhân khách quan chủ yếu là do tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường và những vấn đề tồn đọng nội tại kéo dài nhiều năm; trong khi nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, có độ mở lớn, quy mô khiêm tốn, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh hạn chế.

Nguyên nhân chủ quan chủ yếu là việc tổ chức thực hiện của một số bộ, ngành, địa phương còn thiếu chủ động, quyết liệt, phối hợp chưa chặt chẽ, hiệu quả; còn một bộ phận cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh; thủ tục hành chính còn rườm rà; giải quyết khó khăn, vướng mắc chưa thật sự rốt ráo, kịp thời, hiệu quả.

Do đó, nhấn mạnh một số bài học kinh nghiệm, Thủ tướng yêu cầu bám sát và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ; nắm chắc tình hình, phản ứng chính sách nhanh, kịp thời, phù hợp, hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao.

Quan trọng là cầu thị, lắng nghe ý kiến người dân và doanh nghiệp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh theo thẩm quyền. Phân cấp, phân quyền, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, địa phương, đề cao trách nhiệm người đứng đầu gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

Song song với đó, chủ động có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bằng các chương trình, kế hoạch, dự án cụ thể. Và tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm, thay thế kịp thời các trường hợp cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm và các vi phạm pháp luật.

Ngân hàng và doanh nghiệp cần chia sẻ và thấu hiểu, đặt mình vào địa vị người khác

Trước những khó khăn của người dân và doanh nghiệp, ngoài việc nêu cao tinh thần tháo gỡ, Thủ tướng Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương.

Trước hết, chỉ đạo Bộ Tài chính thực hiện hiệu quả các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí; chủ động nghiên cứu, kịp thời đề xuất các giải pháp phù hợp để hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh thời gian tới. Tiếp tục đẩy nhanh hoàn thuế giá trị gia tăng; sớm hoàn thiện dự án Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi).

Cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2022. Tiếp tục tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước, quản lý chặt chẽ các khoản thu và triệt để tiết kiệm chi, cắt giảm các khoản chi không cần thiết.

Thủ tướng đưa ra nhiều chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp tại Phiên họp thường kỳ tháng 8. (Ảnh: VGP)

Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương đôn đốc, hướng dẫn đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; thúc đẩy đầu tư tư nhân, thu hút vốn FDI và các dự án đối tác công tư (PPP). Khẩn trương thẩm định các quy hoạch, các dự án cao tốc theo phương thức PPP (Nam Định - Thái Bình; Gia Nghĩa - Chơn Thành).

Bộ Xây dựng tập trung tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của thị trường, các dự án bất động sản. Bộ Giao thông vận tải tập trung chỉ đạo triển khai các công trình, dự án giao thông chiến lược, có tính liên vùng, nhất là sân bay Long Thành và các dự án cao tốc.

Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương rà soát, ban hành theo thẩm quyền các quy định về xác định giá đất; chỉ đạo thực hiện các giải pháp bảo đảm nguyên vật liệu cho các dự án cao tốc.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tập trung thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; đề xuất việc tăng lương tối thiểu cho công nhân lao động, báo cáo cấp có thẩm quyền.

Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả, tồn đọng kéo dài.

Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chủ động đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn. Đồng thời, chú trọng giải phóng mặt bằng, chuẩn bị nguyên, vật liệu san lấp, phục vụ xây dựng các dự án cao tốc qua địa bàn.

Đối với ngành ngân hàng, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh xử lý các ngân hàng yếu kém, mua bắt buộc theo chủ trương được cấp có thẩm quyền đồng ý, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2023. Lưu ý phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong sử dụng cơ sở dữ liệu dân cư để cho vay tín chấp với giá trị phù hợp, góp phần giảm tín dụng đen.

Đặc biệt, giao Ngân hàng Nhà nước tập trung tháo gỡ khó khăn vốn tín dụng; khẩn trương rà soát, hoàn thiện các quy định, điều kiện, thủ tục cho vay, bảo đảm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp vào các lĩnh vực ưu tiên.

Thủ tướng nhấn mạnh: Ngân hàng và doanh nghiệp cần chia sẻ và thấu hiểu, đặt mình vào địa vị người khác, “trong tôi có anh, trong anh có tôi” để xử lý công việc, tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay, thực hiện hiệu quả các gói tín dụng chính sách. Trong đó có gói 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất, 15.000 tỷ đồng cho ngành hàng đồ gỗ, thuỷ sản…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top