Aa

Thủ tướng thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện

Thứ Ba, 15/09/2020 - 15:54

Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện sẽ giúp Thủ tướng trong việc chỉ đạo và điều phối hoạt động giữa các bộ, ngành, cơ quan, địa phương về tài chính toàn diện, thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện. Đây là tổ chức phối hợp liên ngành giúp Thủ tướng trong việc chỉ đạo và điều phối hoạt động giữa các bộ, ngành, cơ quan, địa phương về tài chính toàn diện, thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.

Ảnh minh họa

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giữ vai trò Trưởng Ban Chỉ đạo và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm Phó Trưởng Ban Chỉ đạo. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo, có nhiệm vụ đảm bảo các hoạt động của Ban Chỉ đạo.

Thành viên Ban Chỉ đạo gồm có lãnh đạo các cơ quan: Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.

Cụ thể, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện là giúp Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo xây dựng chiến lược, chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch, cơ chế, giải pháp về tài chính toàn diện; giúp Thủ tướng trong việc chỉ đạo, điều phối, đôn đốc, kiểm tra hoạt động tài chính toàn diện và thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo cũng sẽ giúp Thủ tướng Chính phủ trong việc nghiên cứu, ban hành chủ trương, chính sách về hợp tác quốc tế, nghiên cứu, xem xét việc thực hiện các khuyến nghị của quốc tế về tài chính toàn diện; tổng hợp, báo cáo Thủ tướng về tình hình hoạt động tài chính toàn diện của quốc gia, kết quả thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia theo từng thời kỳ và theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ;...

Ngoài ra, kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện và Tổ Thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo do ngân sách Nhà nước đảm bảo và được bố trí trong kinh phí hoạt động thường xuyên của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các nguồn hợp pháp khác.

Trước đó, tháng 1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. 

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là mọi người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận, sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm, bền vững; phấn đấu đến cuối năm 2025 đạt được một số chỉ tiêu cụ thể: Ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; ít nhất 50% tổng số xã có điểm cung ứng dịch vụ tài chính;

Ít nhất 25 - 30% người trưởng thành gửi tiết kiệm tại tổ chức tín dụng; số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ tăng 20 - 25% hàng năm; ít nhất 250.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa có dư nợ tại các tổ chức tín dụng; dư nợ tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt 25%; doanh thu phí bảo hiểm bình quân GDP là 3,5%.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top