“Cụ thể, năm 2020, các đồng chí đã quyết tâm đạt trên 6% tăng trưởng”. Đây không chỉ là lời cam kết mà còn là trách nhiệm với đất nước.
Thủ tướng nhấn mạnh điều này khi kết luận cuộc làm việc với TP.HCM.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, kinh tế Thành phố có giảm sút trong 3 - 4 tháng qua, chủ yếu do cầu giảm (do dịch COVID-19) còn tổng năng lực cung của Thành phố vẫn bảo đảm. Đến nay, có 7.773 doanh nghiệp của Thành phố phá sản hoặc đóng cửa, như vậy, so với tổng số 250.000 doanh nghiệp của Thành phố thì chỉ chiếm 3%. Nếu có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp thì từ tháng 5 trở đi, với việc mở cửa thị trường trong nước và bước đầu với thị trường nước ngoài thì bộ máy kinh tế là các doanh nghiệp của Thành phố bắt đầu hoạt động trở lại. Theo Bí thư Thành ủy, tiềm năng phục hồi kinh tế trong quý II và III rất rõ.
Xác định động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố trong 5 - 10 năm tới, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết, hiện nay trung tâm động lực kinh tế cho 10 năm tới chính là khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông Thành phố. Thông qua thi tuyển quốc tế đã lập đề án tích hợp 3 lợi thế của quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức, là trung tâm lớn nhất về công nghệ cao, về đào tạo nhân lực trình độ đại học với 15 trường đại học, 100.000 sinh viên. Khu đô thị này dự báo sẽ đóng góp khoảng 30% GDP của Thành phố, tương đương mức GDP của nhiều tỉnh khác cộng lại. Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, đây sẽ là “quả đấm kinh tế” của Thành phố.
Về vấn đề này, UBND Thành phố đã có kiến nghị Thủ tướng cho phép Thành phố xây dựng Đề án thành lập thành phố trực thuộc TP.HCM nhằm hình thành và phát triển Khu đô thị nêu trên. Theo dự kiến, thành phố phía Đông sẽ có diện tích tự nhiên 211,5km2 (đạt 141% so với tiêu chuẩn quy định), quy mô dân số hơn 1,1 triệu người (đạt 779% so với tiêu chuẩn quy định). Tuy nhiên, việc sáp nhập 3 quận để thành lập thành phố trực thuộc thành phố là chưa có tiền lệ mặc dù theo Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, là phù hợp quy định. TP.HCM sẽ là địa phương đầu tiên của cả nước có mô hình thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương. Tại cuộc làm việc, UBND Thành phố cũng nêu hơn 20 kiến nghị.
Các ý kiến tại cuộc làm việc cho rằng, là đô thị đặc biệt, TP.HCM phải giữ vững vai trò là động lực tăng trưởng của cả nước. Sau khi các biện pháp “giãn cách xã hội” được nới lỏng, kinh tế Thành phố sẽ phục hồi mạnh mẽ. Thành phố cần điều tra tình hình sản xuất kinh doanh trên địa bàn để có các kịch bản tăng trưởng; xử lý sớm các tồn tại của một số dự án.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng đánh giá công tác phòng, chống dịch COVID-19 của TP.HCM thành công, đóng góp vào thành công của cả nước. Trong quý I/2020, kinh tế Thành phố tăng trưởng 1,03%, chứ không phải con số 0,42% trước đây. Đối với một thành phố mà ngành dịch vụ chiếm 60% thì đây là một cố gắng trong bối cảnh phải thực hiện “giãn cách xã hội”.
Dẫn lại phát biểu của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, chỉ có 3% số doanh nghiệp rời thị trường, còn lại 97% tồn tại, “đang chờ ngày hội ngộ phát triển, chủ yếu chờ cầu mà thôi”, Thủ tướng cho rằng, đây là điều kiện quan trọng.
Thủ tướng nhìn nhận, quyết tâm của Thành phố rất cao, nuôi chí lớn, không chỉ cho Thành phố mà đóng góp cho cả nước. “Cụ thể, năm 2020, các đồng chí đã quyết tâm đạt trên 6% tăng trưởng”. Với con số này, Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng khoảng 5%, dẫn đầu trong khu vực.
“TP.HCM là lò xo nén đủ rồi, hãy bung ra ngay và trở lại chính mình”, Thủ tướng nói. TP.HCM không chỉ, không phải và không được là chữ U hoặc chữ W trong phát triển mà phải là chữ V.
Do đó, làm thế nào để trong 3 quý còn lại của năm 2020, Thành phố có tăng trưởng và phát triển kinh tế xứng đáng với tiềm năng, lợi thế của mình. TP.HCM phải trở lại vị thế là cực tăng trưởng kinh tế, đầu tàu kinh tế của cả nước. Việc đạt được chỉ tiêu tăng trưởng trên 6% của Thành phố không chỉ là lời cam kết mà còn là trách nhiệm với đất nước. TP.HCM không chỉ thành công trong phòng, chống dịch COVID-19 mà sẽ thành công trong phát triển kinh tế xã hội năm 2020.
Đây chính là uy tín, là hình ảnh của thành phố mang tên Bác, là hành động thiết thực phục vụ Đại hội Đảng bộ Thành phố năm 2020, chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13.
Đề nghị Thành phố phát huy cao độ phương châm "thần tốc, táo bạo, quyết thắng" của những ngày tháng Tư lịch sử 45 năm trước để kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng mong muốn, TP.HCM cần hành động nhanh hơn nữa, mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa.
Giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất nằm ngay trong chính mỗi người chúng ta, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Chúng ta phải khắc phục được con virus trì trệ trong một số sở, ban, ngành.
Thủ tướng nêu rõ, doanh nghiệp đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với tăng trưởng, cộng đồng doanh nghiệp Thành phố phải chung sức, đồng lòng, chủ động, sáng tạo, vượt khó. Giờ đây, mỗi công dân Thành phố, mỗi doanh nghiệp là một chiến sĩ, hãy coi đây là cuộc thử thách bản lĩnh và trí tuệ của doanh nghiệp Việt Nam tại một trung tâm năng động, sáng tạo.
Cho rằng Thành phố cần nhìn lại chính mình, Thủ tướng lấy ví dụ, năm 2019, Thành phố chỉ triển khai được vỏn vẹn vài dự án bất động sản so với hàng trăm dự án những năm trước, “nguyên nhân do đâu, đùn đẩy trách nhiệm hay cơ chế thể chế”.
Giải ngân vốn đầu tư là việc cần làm ngay của Thành phố. Vốn thực hiện ngân sách Nhà nước 4 tháng đầu năm 2020 của TP.HCM chỉ đạt 9,2%, thấp hơn mức bình quân cả nước. “Chúng ta có suy nghĩ gì khi nhiều tỉnh, thành trên cả nước cũng rất khó nhưng vẫn giải ngân gấp 2 - 3 lần”.
“Đây có phải là điểm nghẽn cho phát triển kinh tế Thành phố trong 4 tháng hay không?”. Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo Thành phố cần phân tích kỹ và có ngay giải pháp khắc phục. Thành phố đạt mục tiêu đến tháng 10 năm nay tỷ lệ giải ngân đạt 80%, cuối năm đạt 100% thì phải làm cho tốt và cố gắng hết sức.
Thành phố cần đón những cơ hội vàng khi trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, Việt Nam là điểm đến an toàn không chỉ trước dịch bệnh còn đối với các nhà đầu tư.
Thủ tướng cũng lưu ý chống lại sự trục lợi trong đại dịch của các công ty nước ngoài thông qua thâu tóm, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp trọng yếu. Do đó, Thành phố cần hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời, tốt hơn nữa để vực dậy sức sống mãnh liệt của các thành phần kinh tế.
Từng bộ, ngành phải sát vào tháo gỡ cho Thành phố, trong vòng 5 - 7 ngày phải xử lý giải quyết, trình lên phương án, không để tình trạng ngâm hồ sơ lâu, không được để tiêu cực tham nhũng, xảy ra trong quá trình thực hiện, xử lý các dự án mà Thành phố trình…
Các cán bộ của Thành phố cần lăn xả, tạo niềm tin cho doanh nghiệp, bỏ thói quen bị động. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cũng như các cơ quan của Thành phố tâm huyết, thay đổi cách làm, nếp cũ, suy nghĩ cũ.
Nhân dịp này, Thủ tướng lưu ý một số tồn tại, bất cập, trước hết là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tiếp tục đi xuống qua các năm, năm 2019 đã rời khỏi tốp 10, xếp hạng 14/63, tụt 4 bậc so với 2018; năm 2018 giảm 2 bậc so với năm 2017, “phải kiểm tra xem vì sao”. Ngoài ra, còn có các tồn tại về ách tắc giao thông, ô nhiễm, khói bụi, chất thải, an ninh trật tự, cổ phần hóa doanh nghiệp…
Về nhiệm vụ, phương hướng, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là TP.HCM trở thành đô thị hiện đại điển hình của khu vực và của thế giới, một thành phố thông minh, một thành phố xanh đáng sống để người dân có thể hưởng lợi công bằng từ những thành quả phát triển mang lại.
TP.HCM sớm hoàn thành đề án phát triển Thành phố thành trung tâm tài chính khu vực, tạo nền tảng cho phát triển Thành phố thành trung tâm khoa học công nghệ.
Tại cuộc làm việc, Thủ tướng đã cho ý kiến xử lý các kiến nghị cụ thể của Thành phố với tinh thần tạo mọi điều kiện cho Thành phố phát triển. Thủ tướng bày tỏ ủng hộ đề xuất của TP.HCM về Khu đô thị sáng tạo phía Đông.