Thủ tướng nhấn mạnh điều này tại Hội nghị trực tuyến Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương vào sáng nay, 23/7.
Tại Hội nghị, các bộ, ngành, địa phương đã góp ý nhiều vấn đề trong quá trình triển khai xây dựng Chính phủ điện tử thời gian qua.
Báo cáo về triển khai hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế, Bộ Tài chính cho biết tính đến ngày 20/6/2019, có khoảng 8 triệu hóa đơn được xác thực, số doanh thu là hơn 100.000 tỷ đồng, số thuế trên hóa đơn là 7.776 tỷ đồng.
Hiện nay, cùng với xu thế phát triển của thương mại điện tử, xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt, việc sử dụng hóa đơn điện tử đã trở thành yêu cầu tất yếu. Bộ Tài chính cùng với các chuyên gia hàng đầu của các hãng công nghệ đang nghiên cứu giải pháp, xây dựng mô hình triển khai hệ thống hóa đơn điện tử đáp ứng việc tiếp nhận, xử lý, tra cứu hóa đơn của số lượng lớn người dùng. Trong đó, số lượng hóa đơn tiếp nhận mỗi năm trên 8 tỷ hóa đơn (với khoảng 10% số lượng hóa đơn cần tiếp nhận theo thời gian thực và phải phản hồi ngay lập tức), thời gian lưu trữ 10 năm.
Theo Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, cơ sở dữ liệu (CSDL) mà ngành đang quản lý là 14,4 triệu người tham gia BHXH bắt buộc; 363.000 người tham gia BHXH tự nguyện; 12,87 triệu người tham gia BHXH thất nghiệp; 84,48 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 89% dân số.
Tuy nhiên, để CSDL của BHXH Việt Nam trở thành CSDL quốc gia, hệ thống các CSDL của ngành cần được tiêu chuẩn, quy chuẩn hóa. Hiện nay, dữ liệu của BHXH Việt Nam mới có giá trị nội bộ trong ngành BHXH mà chưa được định nghĩa về nội hàm, đối sánh, kiểm chứng với các lĩnh vực, các ngành khác. Mặt khác, mức độ phát triển, xây dựng CSDL với việc xây dựng các hành lang pháp lý nhằm quản lý, định hướng trong việc xây dựng CSDL quốc gia còn chưa đồng bộ, tương xứng.
Về vấn đề này, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng cần có “nhạc trưởng” khi mỗi bộ có cơ sở dữ liệu riêng. Đại diện Thành phố Hà Nội đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông sớm trình Thủ tướng ban hành khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam (phiên bản 2.0) làm cơ sở để Hà Nội xây dựng kiến trúc chính quyền điện tử Thành phố theo phiên bản 2.0.
“Cái gì chưa làm thì làm theo cách mới”
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh: “Chính phủ điện tử là vấn đề mới, khó nhưng nếu không có quyết tâm, không dỡ bỏ nếp cũ thì khó thành công. Vì thế tại Hội nghị này, chúng ta không bàn lùi, không để những khó khăn về tài chính, khó khăn về kết nối, chia sẻ… mà không triển khai mạnh mẽ Chính phủ điện tử”.
Đánh giá tình hình xây dựng Chính phủ điện tử, Thủ tướng cho rằng kết quả đầu tiên tích cực là đã ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025, được các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai. Đến nay, các bộ đã hoàn thành 7/83 nhiệm vụ được giao trong khi Nghị quyết mới ban hành được 3 tháng rưỡi.
Khung pháp lý đồng bộ về xây dựng Chính phủ điện tử từng bước hoàn thiện. Các bất cập khó khăn trong cơ chế đầu tư, dịch vụ công nghệ thông tin dần được tháo gỡ.
Thủ tướng đánh giá cao vai trò của Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông là 2 hạt nhân quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử.
“Tuy vậy, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn vào các tồn tại, hạn chế”, Thủ tướng nói. Số lượng dịch vụ công trực tuyến có tăng lên nhưng tỷ lệ thực hiện còn thấp, hiệu quả chưa cao. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 còn khá thấp, địa phương đạt tỷ lệ 15% còn các bộ, ngành đạt gần 29%. Mục tiêu đến hết năm 2019 có khoảng 30% dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 (theo tinh thần Nghị quyết 02) sẽ khó đạt nếu chúng ta không thúc đẩy quyết liệt việc này. Tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia làm nền tảng phát triển Chính phủ điện tử còn chậm, đặc biệt là cơ sở dữ liệu dân cư.
Vừa qua, tình trạng xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử phát triển theo kiểu “trăm hoa đua nở”, thiếu sự lãnh đạo tập trung nên các bộ, ngành, địa phương dùng nhiều phần mềm nền tảng, cơ sở dữ liệu khác nhau, dẫn đến nguy cơ đầu tư trùng lặp, lãng phí, không tương thích, thiếu liên thông, không đồng bộ. An ninh, an toàn mạng tuy được quan tâm nhưng hiện nay còn nhiều vấn đề cần lo.
Từ các phân tích trên, Thủ tướng nêu rõ tầm nhìn trong xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, nền kinh tế số. Đây là 3 cấp độ phát triển khác nhau, không phải xong cấp độ 1 rồi mới tới cấp độ 2 mà ngay cấp độ 1 đã có các yếu tố của cấp độ 2, 3. Việc xây dựng Chính phủ điện tử là giải quyết 4 mối quan hệ, gồm 2 quan hệ với bên ngoài (Chính phủ với người dân, Chính phủ với doanh nghiệp) và 2 quan hệ nội bộ (giữa các cơ quan Chính phủ với nhau, giữa Chính phủ với cán bộ công chức). Làm tốt mối quan hệ bên trong thì mới làm tốt mối quan hệ bên ngoài.
Mục tiêu của Chính phủ điện tử là cung cấp thông tin và dịch vụ công dựa trên nền tảng số tới mọi người, mọi lúc, mọi nơi; tăng cường công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng; tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình ra quyết định của Chính phủ.
Về nguyên tắc, phải bảo đảm liên thông, không trùng lắp, có thể mở rộng và bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Các dự án triển khai phải đặt dưới sự bảo đảm về an ninh, an toàn mạng của một đơn vị có thẩm quyền, có trách nhiệm.
Về phương châm thực hiện Chính phủ điện tử, phải lấy người dân làm trung tâm, lấy sự thuận tiện, hài lòng của người dân làm mục tiêu và phải bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau. Dịch vụ công trên nền tảng số phải thuận tiện. Nếu người dân không dùng, doanh nghiệp, tổ chức không dùng thì coi như Chính phủ điện tử thất bại, đầu tư là lãng phí.
Về cách tiếp cận, cách làm Chính phủ điện tử, Thủ tướng lưu ý sử dụng hình thức đối tác công tư một cách chặt chẽ.
“Những gì đã phát triển, đang chạy tốt thì phải liên thông lại. Cái gì chưa làm thì làm theo cách mới, tức là xây dựng các nền tảng dùng chung cho các tỉnh, các bộ, ngành, tránh lãng phí, triển khai đồng bộ và nhanh theo hướng Chính phủ đầu tư hoặc thuê dịch vụ của nền tảng này”.
Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì đề xuất các nền tảng dùng chung của Chính phủ điện tử và phương án đầu tư hay thuê dịch vụ, trình Thủ tướng phê duyệt. Cần chú ý việc thiết kế lại các quy trình cung cấp dịch vụ công để phù hợp, đưa lên trực tuyến. Ưu tiên làm trước các dịch vụ công thiết yếu với người dân, doanh nghiệp. Dữ liệu là tài nguyên trong nền kinh tế số, là vấn đề cốt lõi của chuyển đổi số và Chính phủ điện tử. Bởi vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản trị dữ liệu.
Thủ tướng yêu cầu tập trung xây dựng, sớm đưa vào vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia, dự kiến trong tháng 11/2019.
Chính phủ điện tử là một chặng đường dài, sẽ có rủi ro trong quá trình thực hiện. Do đó, Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác của Ủy ban hằng năm đánh giá các rủi ro và đề xuất giải pháp giảm thiểu rủi ro trong quá trình thực hiện. “Cơ quan, địa phương nào, cá nhân nào không làm, bàn lùi, làm chậm phải được báo cáo lên Thủ tướng để kiểm điểm, nhắc nhở, đôn đốc và xử lý thì công cuộc này mới thành công”, Thủ tướng nêu rõ.