Nội dung này được Thủ tướng chia sẻ tại Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 5 năm (2016-2020), định hướng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện 5 năm (2021-2025) và năm 2021 của Bộ Xây dựng.
"Một số đồ án quy hoạch còn thấp tầm nhìn, dự báo chưa hợp lý, một số dự án vẫn còn vội vàng, trong các phương án quy hoạch chưa được tính toán cụ thể", Thủ tướng đánh giá về thực tế triển khai công tác quy hoạch hiện nay.
Thủ tướng cho biết, một số địa phương có việc điều chỉnh quy hoạch chưa được kiểm soát chặt chẽ, khi duyệt quy hoạch thì rất quy mô nhưng khi điều chỉnh thì mang tính bộ phận.
Về biện pháp xử lý với các vi phạm về quy hoạch đô thị, Thủ tướng nói: "Tôi ủng hộ khởi tố ông Thản (đại gia Lê Thanh Thản - PV) nhưng đồng thời phải khởi tố các cán bộ xã phường quản lý xây dựng. Ý tưởng về quy hoạch rất tốt nhưng việc điều chỉnh đã xé nát quy hoạch".
Cũng theo Thủ tướng, tình trạng phá nát quy hoạch, dồn nhiều nhà cao tầng vào trung tâm đã làm tắc nghẽn giao thông. Việc di dời các trường đại học, cơ sở nhà máy, xí nghiệp ra khỏi nội ô theo quy hoạch cần chỉ đạo kiên quyết.
Dù đánh giá cao về những thành tựu mà ngành xây dựng đã đạt được trong thời gian qua nhưng Thủ tướng cho rằng, sự phát triển của ngành xây dựng chưa tương xứng với tiềm năng. Đơn cử như lĩnh vực nhà ở của Hà Nội, TP. HCM chưa đạt mục tiêu đề ra, phân khúc nhà ở cho người lao động, công nhân là vấn đề cần quan tâm. Hệ thống đô thị cả nước phát triển nhanh về số lượng nhưng chất lượng còn thấp, chủ yếu là các đô thị loại nhỏ. Liên kết giữa các đô thị còn rời rạc, ảnh hưởng đến hiệu quả phát triển tổng thể của vùng và các hành lang kinh tế.
Ngoài ra, Thủ tướng lưu ý việc quản lý vật liệu xây dựng khi xây dựng các công trình trong nội đô.
“Các đồng chí thấy ở các nước, xây dựng nhà ở thì công trường sạch bong còn ở Hà Nội, vật liệu đổ ngổn ngang ngoài đường, ảnh hưởng đến môi trường trong quá trình xây dựng, sửa chữa nhà ở”, Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, tất các địa phương phải có quy chế, quy định về việc sửa chữa xây dựng nhà ở trong đô thị để bảo đảm môi trường.
Trong thời gian tới, Thủ tướng nhắc lại nội dung dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong đó xác định phương hướng của ngành xây dựng giai đoạn 2021-2025: nâng cao năng lực ngành xây dựng, bảo đảm đủ sức thiết kế, thi công các công trình xây dựng hiện đại, phức tạp trong các lĩnh vực với mọi quy mô và có khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường hoạt động ra nước ngoài. Thủ tướng nêu rõ, tiếp tục hoàn thiện thể chế về xây dựng là một công tác then chốt, xuyên suốt, đột phá.
“Tóm lại thể chế nào để ngành xây dựng phát triển là câu hỏi lớn”, Thủ tướng khẳng định và nhấn mạnh, Bộ Xây dựng, UBND các tỉnh, thành phố phải tập trung vào tháo gỡ thể chế chứ không phải “nóng đâu, phủi đó”.
Mặt khác, nước ta là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan. Thủ tướng bày tỏ băn khoăn, việc bảo đảm an toàn về nhà ở cho người dân như thế nào. Bộ Xây dựng chủ trì cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời câu hỏi này. Cần tổng kết, đúc rút kinh nghiệm về triển khai xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam để chống lãng phí.
Nhấn mạnh chủ trương thay thế cát xây dựng, sử dụng tro xỉ các nhà máy, Thủ tướng cho rằng, nếu không có vật liệu xây dựng thay thế thì tình hình sạt lở lòng sông, thiếu cát nghiêm trọng. Cần phát triển vật liệu xây dựng, tiết kiệm tài nguyên năng lượng, bảo vệ môi trường, có sản phẩm đa dạng, có chất lượng. Hạn chế tối đa việc xuất khẩu vật liệu xây dựng, sử dụng tài nguyên không có khả năng tái tạo như xi măng.
Bên cạnh đó, Thủ tướng nêu rõ, cần xây dựng, phát triển nền kiến trúc Việt Nam tiên tiến, hiện đại, có bản sắc văn hóa và kiến trúc dân tộc. Triển khai thi hành Luật Kiến trúc, coi trọng kiến trúc đô thị, kiên trúc nông thôn. Xây dựng đội ngũ kiến trúc sư có tài năng, bản lĩnh và các công trình kiến trúc tiêu biểu, có giá trị cao.
Thủ tướng cũng yêu cầu, việc chống tham nhũng và tiêu cực trong ngành xây dựng cần tiếp tục đẩy mạnh, nhất là các chủ đầu tư, các nhà thầu.
“Tôi mong rằng, ngành xây dựng hãy khơi dậy lòng tự hào, khát vọng cống hiến, hòa chung với khát vọng phát triển cháy bỏng của dân tộc ta để thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ trong 5 năm tới 2021-2025”, Thủ tướng bày tỏ.
Về nỗ lực của ngành xây dựng, Thủ tướng đánh giá, ngành xây dựng đã cơ bản hoàn thành 5 nhóm chỉ tiêu đề ra trong Kế hoạch 5 năm 2016-2020, luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao; các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật đều có mức tăng trưởng vượt kế hoạch. Thủ tướng dẫn đánh giá năm 2020 của GlobalData, công ty phân tích dữ liệu hàng đầu thế giới có trụ sở tại Anh, bất chấp khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có ngành xây dựng phát triển mạnh nhất khu vực châu Á. Tỷ lệ đô thị hóa ước đạt khoảng 40% vào cuối năm 2020. Khu vực đô thị đã đóng góp 70% GDP.
Việc ngành xây dựng hoàn thành các chỉ tiêu đã đóng góp tích cực cho sự tăng trưởng chung của kinh tế cả nước, góp phần nâng cao mức sống, điều kiện sinh hoạt của người dân. Công tác hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính đạt kết quả nổi bật. Trong 5 năm, đã tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền khối lượng lớn văn bản quy phạm pháp luật (107 văn bản), có dự án được đầu tư rất sâu, rất kỹ như Luật Kiến trúc. Mở rộng phân cấp cho các địa phương, không còn tình trạng xếp hàng chờ duyệt thủ tục quy hoạch xây dựng nhà cao tầng và thẩm định thiết kế có liên quan. Thực hiện tích hợp các nội dung, quy trình thẩm định thiết kế xây dựng, giúp giảm thời gian thẩm định 40 ngày; mở rộng đối tượng miễn phép xây dựng, đơn giản hóa hồ sơ cấp phép xây dựng, giúp giảm thời gian cấp phép xây dựng từ 30 xuống còn 20 ngày.
Thủ tướng đặc biệt đánh giá cao nỗ lực của Bộ Xây dựng, đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện có kết quả 02 Đề án lớn: Đề án Hoàn thiện hệ thống định mức, giá xây dựng và Đề án hoàn thiện hệ thống Tiêu chuẩn Quy chuẩn kỹ thuật ngành xây dựng, qua đó, tạo ra sự đột phá trong việc nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng, tiết kiệm nguồn vốn đầu tư và góp phần phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong đầu tư xây dựng.
Thị trường bất động sản phát triển đúng hướng, trong nhiệm kỳ qua, không còn các biểu hiện cực đoan như phát triển nóng “bong bóng” hoặc hoặc trầm lắng, suy thoái. Lĩnh vực bất động sản đã thu hút khoảng 4,5 triệu tỷ đồng vốn trong nước, trong 5 năm thu hút 17,5 tỷ USD vốn FDI, đóng góp 0,4 điểm phần trăm trong tăng trưởng GDP, chiếm khoảng 11% trong tổng thu ngân sách.