Mới đây, Reatimes nhận được phản ánh của cư dân tòa nhà N5 Khu chung cư Đồng Tàu (Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) về việc khoản tiền 300 triệu đồng phí bảo trì do Xí nghiệp Quản lý dịch vụ và khai thác khu đô thị gửi ngân hàng mỗi năm chỉ thu lãi hơn 1 triệu đồng. Bên cạnh đó còn rất vấn đề bức xúc của người dân liên quan đến những bất cập trong việc quản lý và sử dụng quỹ bảo trì chung cư đang xuống cấp, sụt lún trầm trọng này.
Trao đổi về việc này, Luật sư Nguyễn Văn Tú cho biết: “Phí bảo trì chung cư được quy định: Đối với diện tích các căn hộ mà chủ đầu tư bán, cho thuê mua thì chủ đầu tư phải trích 2% giá trị căn hộ hoặc diện tích nhà bán, cho thuê mua. Khoản tiền này được tính vào tiền bán, tiền thuê mua nhà mà người mua, thuê mua phải trả khi nhận bàn giao nhà ở từ chủ đầu tư và được quy định rõ trong hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê mua nhà ở.
Sau khi thu kinh phí của người mua, thuê mua căn hộ hoặc phần diện tích nhà thì chủ đầu tư có trách nhiệm tạm lập tài khoản để quản lý kinh phí này. Sau khi Ban quản trị nhà chung cư được thành lập thì chủ đầu tư phải chuyển giao ngay kinh phí bảo trì cho Ban quản trị để thực hiện quản lý, sử dụng theo quy định”
Theo Luật sư Tú, phần kinh phí bảo trì này chỉ được sử dụng để bảo trì các phần sở hữu chung của nhà chung cư cho các mục đích sửa chữa lớn, không được sử dụng cho việc quản lý vận hành nhà chung cư và các mục đích khác. Ban quản trị nhà chung cư có trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì đúng mục đích quy định và đúng các hạng mục cần phải bảo trì theo kế hoạch bảo trì đã được Hội nghị nhà chung cư họp thông qua hàng năm.
Việc sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung phải có hóa đơn tài chính, có thanh toán, quyết toán theo quy định của pháp luật về tài chính và phải báo cáo Hội nghị nhà chung cư. Quá trình sử dụng kinh phí bảo trì, Luật sư Nguyễn Văn Tú khuyên ban quản trị và cư dân tòa nhà cần căn cứ vào thực tế nhu cầu sửa chữa, để tiến hành họp hội nghị nhà chung cư, đi đến thống nhất chọn mức độ dịch vụ nào rồi mới quyết định đơn vị thi công, sửa chữa nào rẻ, chất lượng phù hợp. Như vậy vừa đảm bảo minh bạch và sử dụng quỹ một cách hiệu quả, hợp lý.
Trường hợp kinh phí bảo trì không đủ để thực hiện bảo trì phần sở hữu chung thì các chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm đóng góp thêm kinh phí tương ứng với phần diện tích thuộc sở hữu riêng của từng chủ sở hữu.
Đề cập đến việc quá trình quản lý quỹ bảo trì chung cư hiện nay đang xảy ra nhiều vấn đề tranh chấp, thiếu minh bạch, luật sư cho rằng: “Quản lý quỹ bảo trì chung cư cũng cần phải khéo léo, công khai, tránh thiệt thòi cho cư dân. Một khi đã thu phí của dân thì phải có cơ chế bảo đảm an toàn từ đầu, chứ không thể nào cứ “gửi trứng cho ác” rồi lại phải giải quyết hậu quả, mà lại có nhiều nguy cơ không đi đến đâu”.
Sau một thời gian sử dụng, Khu chung cư Đồng Tàu do Xí nghiệp Quản lý dịch vụ và khai thác khu đô thị (trực thuộc Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội) đưa vào sử dụng từ năm 2007 đã xuống cấp nghiêm trọng. Cụ thể, khoảng 22g ngày 12/8, tại khu nhà N5 của chung cư Đồng Tàu bị sụt lún ở lối đi chung khu vực chân cầu thang khiến cư dân không khỏi hoang. Chưa kể đã hơn 1 năm nay, người dân khu nhà N6 ngày ngày phải ngửi mùi hôi thối, bẩn thỉu do đường ống bể phốt của khu nhà bị hỏng, chất thải bể phốt tràn cả ra ngoài… Trước đó, một người dân N4 may mắn thoát chết khi đang đi dưới tòanhà N4 thì bất ngờ đường ống dẫn khí bị gãy một đoạn dài khoảng 10m rơi xuống. Tai nạn, sự cố liên tiếp xảy ra tại Khu chung cư này khiến nhiều người dân tại tòa nhà đặt câu hỏi: Không biết số kinh phí bảo trì này đi đâu mà không được đơn vị quản lý mang ra sửa chữa? Theo các hộ dân, ban quản lý thông báo khoản tiền này đang được gửi ở ngân hàng nhưng điều khiến các hộ dân không khỏi “choáng váng” là khoản tiền hơn 300 triệu đồng mỗi năm chỉ “đẻ” ra khoản tiền lãi hơn 1 triệu đồng. |