Năm 2023 là năm thứ 2 liên tiếp tỉnh Thừa Thiên Huế đứng trong top 10 tỉnh thành có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc năm 2022 (PCI 2022), xếp hạng 6, tăng 2 bậc so với năm 2021. Kết quả tăng trưởng liên tục trên bảng xếp hạng PCI trong 5 năm qua là thành quả của sự chỉ đạo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; nỗ lực cải thiện chất lượng điều hành, quản lý của sở, ban, ngành, địa phương; sự góp ý thẳng thắn của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế.
Việc khảo sát DDCI là kênh thông tin đáng tin cậy, rộng rãi và minh bạch để doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền địa phương. Từ đó tạo thành điểm nhấn quan trọng trong nỗ lực triển khai cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh từ chính quyền và xem đây là công cụ quan trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tạo động lực phấn đấu, thi đua về công cuộc cải cách hành chính, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp, chú trọng cải thiện các thủ tục hành chính thuộc các chỉ số thành phần có vị trí xếp hạng thấp, góp phần tăng vị trí xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), phấn đấu năm 2023 tỉnh Thừa Thiên Huế nằm trong "Top 5" và thuộc vào "Nhóm tốt" của cả nước. Kết quả của khảo sát DDCI tiếp tục được dùng làm thước đo để UBND tỉnh đánh giá năng lực điều hành kinh tế của chính quyền các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ban, ngành thuộc tỉnh và chấm điểm thi đua vào cuối năm.
Kết quả đánh giá DDCI 2023 ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực. Về tổng thể, điểm trung vị tổng 8 chỉ số thành phần tăng mạnh 6,97 điểm, từ 54,34 điểm năm 2022 lên 61,31 điểm năm 2023. Trong đó, nhóm các sở, ban, ngành đứng đầu là Kho bạc Nhà nước tỉnh, xếp thứ 2 là Cảng hàng không quốc tế Phú Bài và Sở Tư pháp xếp vị trí thứ ba. Nhóm UBND cấp huyện đứng đầu là UBND Nam Đông, thứ nhì là UBND Phú Lộc và UBND huyện Quảng Điền xếp vị trí thứ ba.
Thông qua việc đánh giá chỉ số DDCI, sẽ giúp tỉnh Thừa Thiên Huế hướng đến mục tiêu tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa vị thế của tỉnh trong những năm tới, với mục tiêu lớn trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, tỉnh Thừa Thiên Huế cần bền bỉ với nỗ lực cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp để quy mô và tốc độ phát triển kinh tế tạo được vị thế khu vực miền Trung; xây dựng được thương hiệu địa phương về phát triển các ngành trọng điểm gắn liền với đặc trưng lợi thế của tỉnh Thừa Thiên Huế.