Đây là chuyến tàu biển du lịch đầu tiên cập cảng Chân Mây năm Giáp Thìn và là chuyến tàu thứ 9 chở khách du lịch quốc tế đến cảng Chân Mây, tỉnhThừa Thiên Huế kể từ đầu năm 2024.
Gần 1500 du khách mua tour du lịch đã rời cảng Chân Mây để đến tham quan các danh lam thắng cảnh, di tích nổi tiếng, trải nghiệm văn hóa và các sản phẩm du lịch, thưởng thức ẩm thực... ở Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam trong thời gian 1 ngày.
Thời tiết nắng ấm vào dịp đầu Xuân, cùng với sự đón tiếp chu đáo của Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Huế, Công ty Cổ phần Cảng Chân Mây và đơn vị lữ hành khiến "bức tranh" du lịch tàu biển thêm sôi động với tiếng cười nói của đông đảo du khách quốc tế.
Lãnh đạo Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết, du lịch tàu biển năm nay sẽ rất sôi động. Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng các đại lý đăng ký tàu du lịch cập cảng Chân Mây vào năm 2024 đã có khoảng 40 lượt tàu, mỗi chuyến có hàng nghìn hành khách và thuyền viên. Thị phần khách tàu biển đến Việt Nam được giới chuyên môn dự báo khá sôi động, trong đó đa phần là tầng lớp trung và thượng lưu, mức độ chi tiêu của dòng khách du lịch này khá nhiều.
Năm 2023, cảng Chân Mây đã có 25 chuyến tàu du lịch cập cảng, đưa khoảng hơn 50.000 khách du lịch quốc tế và thành viên thủy thủ đến với Thừa Thiên Huế. Dự báo trong năm 2024, số lượng tàu biển du lịch cập cảng Chân Mây sẽ tăng gấp đôi hoặc hơn gấp đôi so với năm 2023. Cùng với đó là lượng du khách quốc tế đến Thừa Thiên Huế sẽ tăng mạnh. Ngành du lịch Thừa Thiên Huế đang nỗ lực triển khai thêm các tour, tuyến nhằm đáp ứng yêu cầu cao của dòng khách này.Bên cạnh đó, Sở Du lịch, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và các ngành, đơn vị, địa phương liên quan cũngtriển khai thêm nhiều giải pháp, trong đó sẽ thử nghiệm mở thêm các dịch vụ trải nghiệm, không gian mua sắm, giới thiệu các làng nghề truyền thống kết hợp cho du khách mua sắm…qua đó nâng tỷ lệ thời gian lưu trú, khả năng chi tiêu của du khách tại địa phương.