Aa

Thừa Thiên Huế: Huy động các nguồn lực xóa nhà tạm, phấn đấu đưa A Lưới thoát khỏi huyện nghèo quốc gia

Thứ Sáu, 06/10/2023 - 11:15

Vừa qua, Thường trực Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững tỉnh Thừa Thiên Huế đã có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững huyện A Lưới về công tác giảm nghèo 9 tháng năm 2023.

Báo cáo tại buổi làm việc, Bí thư Huyện ủy A Lưới Huỳnh Công Quảng cho biết, theo Quyết định số 353/QĐ-TTg, ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, huyện A Lưới nằm trong 74 huyện nghèo toàn quốc. Qua rà soát hộ nghèo đa chiều cuối năm 2021, toàn huyện có 7.022 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 49,98%; có 2.185 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 15,55%. Trong đó, 11 xã có tỷ lệ nghèo trên 60%, 2 xã từ 35 - dưới 60%, 4 xã từ 10 đến dưới 30%, có 1 xã dưới 5%.

Thường trực Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững tỉnh Thừa Thiên Huế đã có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững huyện A Lưới về công tác giảm nghèo 9 tháng năm 2023.

Xác định giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của cả hệ thống chính trị được các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm 11,78%, tương ứng 1.623 hộ, vượt 193 hộ so với kế hoạch đề ra; số hộ nghèo toàn huyện hiện còn 5.399 hộ, chiếm tỷ lệ 38,2%. 

Về công tác giải ngân nguồn vốn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, lãnh đạo UBND huyện A Lưới cho biết đang tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, tập trung triển khai nhằm đạt kết quả cao nhất. Kết quả giải ngân đến 1/10/2023 của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia là 288.498 triệu đồng/846.498 triệu đồng, đạt 34,08%.

Qua gần 2 năm triển khai công tác giảm nghèo bền vững, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, tỉnh và sự triển khai quyết liệt của Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững huyện đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động; huy động, phân bổ hợp lý nguồn lực từ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội, sử dụng hiệu quả nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững. Năm 2023 dự kiến hộ nghèo giảm 1.878 hộ, còn lại 3.521 hộ tương ứng 24,91%, đủ điều kiện để đưa huyện A Lưới thoát khỏi 74 huyện nghèo quốc gia vào cuối năm 2023.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đề nghị địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tập trung các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Cần tập trung hoàn thiện hạ tầng, kỹ thuật để triển khai các dự án đã được phê duyệt phục vụ sản xuất và hỗ trợ sinh kế cho người dân.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, ngoài vận động ngoại lực, thực hiện các chính sách liên quan và huy động nội lực, địa phương cần chú trọng các biện pháp tuyên truyền, vận động để các hộ nghèo nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của bản thân. Để người nghèo hiểu được họ vừa là chủ thể, vừa là đối tượng được hưởng lợi từ chương trình giảm nghèo, từ đó chủ động, nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, tranh thủ sự hướng dẫn, giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể và cộng đồng để vươn lên thoát nghèo bền vững.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu huyện A Lưới xác định giảm nghèo bền vững là mục tiêu quan trọng; bám sát thực trạng, nhất là các tiêu chí, tiêu chuẩn về giảm nghèo bền vững để triển khai thực hiện một cách đồng bộ và quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện. Đồng thời vận dụng các nguồn lực khác để hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo phát triển, nhân rộng mô hình giảm nghèo, đa dạng sinh kế, giúp giải quyết căn cơ chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản, như: việc làm, nhà ở, y tế, dinh dưỡng, giáo dục… Từ đó kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của A Lưới, thoát khỏi danh sách huyện nghèo quốc gia vào cuối năm 2023, góp phần vào mục tiêu đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Thừa Thiên Huế: Huy động các nguồn lực xóa nhà tạm, phấn đấu đưa A Lưới thoát khỏi huyện nghèo quốc gia

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh Phan Ngọc Thọ ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương trong thực hiện công tác giảm nghèo thời gian qua.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, xác định giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện. Phấn đấu đến cuối năm 2023 giảm 1.878 hộ, còn lại 3.521 hộ tương ứng 24,91%, là tiền đề quan trọng để xây dựng đề án thoát khỏi 74 huyện nghèo đầu năm 2024. Tiến trình giảm nghèo của huyện A Lưới gắn với tiến trình xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương nên vấn đề giảm nghèo phải thực chất; giảm nghèo phải là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của từng hộ nghèo, phải xóa nhà tạm và tạo việc làm, tạo sinh kế, để nâng cao đời sống cho người dân.

Để thực hiện triển khai hiệu quả công tác giảm nghèo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ đề nghị lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; hoàn thành việc đánh giá, tiếp tục tiến hành rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo năm 2023; tập trung huy động các nguồn lực để triển khai có hiệu quả việc xóa nhà tạm và tạo sinh kế lâu dài cho người dân; các sở, ngành tỉnh và các phòng, ban của huyện hướng dẫn cụ thể, kịp thời các vướng mắc trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ mong muốn các cấp ủy, chính quyền địa phương vào cuộc nhiều hơn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động giảm nghèo bền vững tại địa phương, nhất là tuyên truyền cho các hộ nghèo về ý thức thoát nghèo, không trông chờ ỷ lại vào Nhà nước, phát huy vai trò của người có uy tín, trưởng thôn, trưởng bản trong công tác giảm nghèo; quan tâm các hộ bảo trợ xã hội, neo đơn, yếu thế...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top