Aa

Thừa Thiên Huế: Mong muốn, hỗ trợ thêm kinh phí cho dự án giải phóng mặt bằng kinh thành Huế

Thứ Ba, 14/11/2023 - 07:21

Đó là chia sẻ của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế tại buổi làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương về công tác quy hoạch, bảo tồn, quản lý, khai thác, phát huy giá trị di tích Cố đô Huế.

Sáng 13/11, Đoàn công tác do ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế về công tác quy hoạch, bảo tồn, quản lý, khai thác, phát huy giá trị di tích Cố đô Huế.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế

Cùng làm việc có Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh.

Trao đổi tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương khẳng định đầu tư, quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa là việc làm thường xuyên của tỉnh trong thời gian qua. Mục tiêu lớn nhất là đưa cả tỉnh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiện Huế đã ban hành các nghị quyết để hướng tới mục tiêu này.

Trong đó, có mô hình về bảo tồn, phát huy các giá trị về văn hóa. Thời gian qua, tỉnh đã thực hiện các nguồn đầu tư về văn hóa, di tích theo cơ chế của Quốc hội đã thông qua. Hiện tỉnh đang giải phóng mặt bằng vành đai Kinh thành Huế. Mong muốn, hỗ trợ thêm kinh phí cho dự án giải phóng mặt bằng Kinh thành Huế; với chương trình mục tiêu quốc gia mới cần có thêm danh mục duy tu, bảo tồn hệ thống Kinh thành Huế; xây dựng một bảo tàng mới tại khu vực Nội thành.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương phát biểu tại buổi làm việc

Tham gia ý kiến ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết hiện Trung tâm đang quản lý 43 điểm di tích, thời gian qua đã trùng tu hàng trăm công trình, phục hồi nhiều hạng mục, công trình quan trọng, hiện đang xây dựng nhiều dự án để trung tu các điểm di tích quan trọng. Việc trùng tu các điểm di tích kéo dài, công phu, cần nhiều nguồn lực với nguồn kinh phí lớn. “Theo đánh giá của UNESCO, công cuộc bảo tồn di sản Cố đô Huế hiện đang chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững”, ông Trung, chia sẻ.

Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến của thành viên Đoàn công tác cho rằng các cơ quan Trung ương luôn đồng hành trong công tác tác bảo tồn và phát huy di sản của tỉnh, luôn ủng hộ và hỗ trợ trong giải phóng mặt bằng, tu bổ di tích... Đồng thời, đưa ra kiến nghị, đề xuất, đề ra các giải pháp để thực hiện tốt hơn nữa công tác quy hoạch, bảo tồn, quản lý, khai thác, phát huy giá trị di tích Cố đô Huế; về công tác tuyên truyền, vận động nhân dân di dời, giải phóng mặt bằng khu vực Kinh thành Huế.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu cho hay việc di dời dân cư, giải phóng mặt bằng di tích Kinh thành Huế gồm 11 khu vực với khoảng 5.190 hộ dân; tổng mức đầu tư giải phóng mặt bằng khoảng 2.005 tỷ đồng. Giai đoạn 2, (từ 2023-2025) tiếp tục di dời khoảng 1.287 hộ dân, tổng mức đầu tư giải phóng mặt bằng khoảng 664 tỷ đồng. Hiện, tỉnh đang cố gắng hoàn thành giai đoạn 1 và sớm triển khai giai đoạn 2. Vấn đề trung tu di sản Huế là vấn đề luôn được lãnh đạo tỉnh chú trọng và quan tâm, kết quả đã làm thay đổi diện mạo của các di sản. Thực tế có 70% các điểm di tích được trùng tu và tôn tạo và hiện còn 30% điểm di tích chưa đủ nguồn lực để trùng tu. Tỉnh đang chỉ đạo tập trung trùng tu các điểm di tích chính. Riêng công tác quy hoạch, tỉnh đang điều chỉnh quy hoạch để bảo vệ các điểm di tích, di sản; giữ diện mạo của di tích. Hiện Trung tâm có hơn 11 ngàn cổ vật được giữ gìn; sớm nghiêm cứu thành lập bảo tàng cổ vật.

Việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa luôn gắn chặt với quá trình khai thác, phát huy và tạo điều kiện cho việc phát triển kinh xã hội của tỉnh; công tác bảo tồn đã làm tốt tuy nhiên phát huy các giá trị của di tích, di sản vẫn còn nhiều điều trăn trở.

Quang cảnh buổi làm việc

Kết luận sau buổi làm việc, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa hoan nghênh những thành tựu của tỉnh đã đạt được khi xác định, phát triển kinh tế gắn với văn hóa. “Càng nghiên cứu sâu, cá nhân tôi cũng như các thành viên trong Đoàn công tác càng tự hào về vùng đất Thừa Thiên Huế. Mong rằng, Thừa Thiên Huế ngày càng phát triển hơn nữa về văn hóa; với những thế mạnh hiện có - vùng đất nhiều di sản, dày đặc các điểm di tích - Thừa Thiên Huế có thể tự tin xây dựng đặc trưng văn hóa của riêng mình”,  Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, nhấn mạnh.

Đánh giá về công tác bảo tồn, giữ gìn phát huy các di tích, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh đã thực hiện rất tốt. Công tác bảo tồn cần phải làm kiên định, kiên trì và bền bỉ, được quốc tế đánh giá cao. Kỳ vọng, công tác này ổn định và phát triển bền vững.

"Thừa Thiên Huế đã và đang gìn giữ hài hòa giữa phát triển kinh tế giữ gìn văn hóa với nhiều cách làm hay, nhiều mô hình hay nên tiếp tục phát huy; tuy thực tiễn còn nhiều khó khăn, mong muốn trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả các chiến lược chung, các nghị quyết về văn hóa, chương trình chấn hưng văn hóa, quan tâm tới công tác bảo tồn và phát huy văn hóa… với mục tiêu góp phần sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54", ông Nguyễn Trọng Nghĩa, nói thêm.

Để thực hiện hiệu quả, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục thông tin tuyên truyền quảng bá những giá trị lịch sử của di tích, việc bảo tồn các di tích lịch sử và nhất là việc ứng xử của người dân với lịch sử; rà soát các nội dung cần tập trung lãnh đạo quản lý đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng và phục hồi văn hóa; công tác kiểm tra giám sát phải tiếp tục thực hiện một cách thường xuyên, liên tục tâm huyết vì văn hóa Huế, kiên quyết chống các biểu hiện, các hành vi xuyên tạc lịch sử của các thế lực thù địch; phải bản lĩnh vững vàng, có tư duy nghiên cứu khoa học, phải thống nhất với các chính sử nhìn một cách khách quan đa dạng, phong phú; ông tác quy hoạch phải hài hòa, chặt chẽ với giữa phát triển kinh tế và văn hóa, lấy văn hóa là điểm sáng để phát triển; công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ cần có sự quan tâm thường xuyên hơn; tiếp tục phát huy các nghiên cứu khoa học nghiên cứu, đặc biệt các di sản trọng điểm; tập trung vào công tác ứng dụng khoa học di sản, phát huy giá trị trong không gian số…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top