Aa

Thừa Thiên Huế: Người dân bỗng dưng bị sống “treo” trên đất của mình

Thứ Bảy, 05/01/2019 - 08:33

Sau khi dự án án cải tạo, nâng cấp, mở rộng quốc lộ 49B đoạn từ Thuận An – cầu Tư Hiền – Quốc Lộ 1A (thuộc địa bàn Thừa Thiên Huế) được triển khai thực hiện, nhiều hộ dân có nhà cửa ở dọc 2 bên đường bỗng dưng rơi vào cảnh sống “treo”. Dù đất không bị thu hồi và vẫn thuộc quyền sở hữu của mình, nhưng người dân lại không được xây dựng mới, thậm chí là sửa chữa nhà cũ để ở.

Thừa Thiên Huế: Người dân bỗng dưng bị sống “treo” trên đất của mình - Ảnh 1Nhà ông Trần Văn Sóc nằm ở điểm giao cắt giữa đường Quốc lộ 49B và đường liên xã

Quốc lộ 49B dài hơn 100km đi qua địa bàn Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc (Thừa Thiên Huế); là tuyến đường huyết mạch chạy dọc theo đường bờ biển và song song với Quốc lộ 1A. Đây là một tuyến đường mang ý nghĩa chiến lược, đồng thời là tuyến đường chính trong việc phát triển các dịch vụ du lịch ven biển của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế, dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 49B đoạn từ thị trấn Thuận An – cầu Tư Hiền – Quốc lộ 1A được phê duyệt từ năm 2010. Dự án do Sở Giao thông vận tải tỉnh Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư. Tổng số vốn thực hiện là 761 tỷ đồng từ Bộ Giao thông vận tải (GTVT).  Hiện nay, dự án đã và đang triển khai với các đoạn: thi công hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng tại Km73+500 (cầu Trường Hà) đến Km3+800 (trước UBND xã Vinh Hưng, Phú Lộc); đoạn đang thi công và đã tạm dừng chờ vốn tại Km83+500 đến Km92+163,6 từ UBND xã Vinh Hưng đến cầu Tư Hiền trên chiều dài hơn 8,6km.

Để triển khai dự án, đã có gần 1000 hộ dân có nhà cửa, vườn tược và gần 300 mồ mả bị ảnh hưởng, 20 gia đình dự kiến phải di dời tái định cư; diện tích đất thu là 13,4ha. Tổng số tiền dành cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng đến nay đã giải ngân gần 30 tỷ đồng.

Trong tổng số hơn 8,6km đang thi công và có những đoạn dang dở, có khoảng 4km phải nắn chỉnh tuyến. Những điểm phải nắn chỉnh tuyến này nằm tại địa phận các xã Vinh Mỹ, Vinh Giang và Vinh Hiền và đây là mấu chốt vấn đề chúng tôi muốn nói tới. Các hộ dân sống dọc 2 bên đường mới mở trước đây vốn nằm phía sau những khu dân cư ở mặt tiền đường cũ. Khi đường mới mở ra, nhiều hộ dân có một phần diện tích đất, trong đó có cả đất ở bị thu hồi, phần còn lại nằm toàn bộ trong phần hành lang an toàn đường bộ. Theo quy định thì các hộ dân này sẽ không được xây dựng mới, thậm chí là sửa chữa nhà để ở.

Gia đình ông Trần Văn Sóc (ở thôn Hiền Vân 1, xã Vinh Hiền, Phú Lộc) là một điển hình. 2 căn nhà: nhà chính và nhà ngang của gia đình này nằm ngay điểm giao cắt giữa đường Quốc lộ 49B mới mở và đường liên xã Vinh Hiền - Vinh Hải. Ông Sóc cho biết, gia đình ông có một phần diện tích đã bị thu hồi để làm đường, trong khi diện tích đất ở có 2 ngôi nhà lại không bị thu hồi. Hiện nay, sau khi tuyến đường mở ra, mặt hậu của 2 ngôi nhà nằm sát chân ta luy đường và theo quy định thì sẽ nằm trọn trong phần hành lang an toàn đường bộ. “Căn nhà ngang của gia đình xây dựng đã lâu. Vừa rồi, trong quá trình làm đường, đơn vị thi công dùng máy lu để lu lèn đường làm tường ngôi nhà bị nứt tường nghiêm trọng, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Gia đình chúng tôi đã có đơn trình UBND xã xin sửa chữa lại ngôi nhà để ở nhưng họ không cho”, bà Nguyễn Thị Huệ, vợ ông Sóc cho biết. Gia đình ông Sóc đang rơi vào tỉnh cảnh đi không được, ở không xong vì không đủ điều kiện bố trí tái định cư do đất vẫn còn nhưng không được xây dựng.

Thừa Thiên Huế: Người dân bỗng dưng bị sống “treo” trên đất của mình - Ảnh 2Đất không bị thu hồi nhưng nằm trong hành lang an toàn đường bộ nên dù nhà có bị hư hỏng trầm trọng cũng chính do làm đường gây ra, khi ngừi dân xin sửa chữa thì không được

Nằm đối diện với nhà ông Sóc là nhà của gia đình cụ Lưu Thị Hường (84 tuổi; do con trai Trần Quốc Phùng đứng tên). Khi việc nắn chỉnh tuyến Quốc lộ 49B được thực hiện, nó đã đi xuyên thẳng vào trung tâm diện tích đất ở của gia đình này. Toàn bộ ngôi nhà chính phải tháo dỡ để nhường đất mở đường. Căn nhà ngang bị đập bỏ gần hết chỉ còn lại 1 gian phòng khoảng 15m2, hiện được che chắn lại để làm nơi tá túc của 3 con người, gồm: cụ Hường, con gái cụ là Trần Thị Hông và cháu ngoại bà Hường. Trên phần diện tích đất chưa bị thu hồi, gia đình dự kiến xây dựng một ngôi nhà mới để ở. Hồi đầu năm 2018, gia đình đã thuê thợ đổ móng, đổ cột nhưng ngang đây thì bị yêu cầu dừng lại do nằm trong hành lang an toàn đường bộ.

Thừa Thiên Huế: Người dân bỗng dưng bị sống “treo” trên đất của mình - Ảnh 3

Thừa Thiên Huế: Người dân bỗng dưng bị sống “treo” trên đất của mình - Ảnh 4Cụ Lưu Thị Hường cùng con và cháu ở tạm trong phần còn lại của ngôi nhà đã bị đập hơn phân nửa

Trên đây chỉ là 2 trong nhiều trường hợp đang phải chịu cảnh sống “treo” sau khi dự án nâng cấp, mở rộng đường Quốc lộ 49B được triển khai thực hiện. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Lợi – Chủ tịch UBND xã Vinh Hiền cho biết, việc mở mới tuyến đường Quốc lộ 49B qua địa bàn xã làm ảnh hưởng trực tiếp đến 13 hộ dân. Các hộ này bị thu hồi 1 phần diện tích đất, trong đó có 8 hộ đủ điều kiện để bố trí tái định cư. Ngoài ra, cũng còn khoảng 50 hộ dân sẽ bị ảnh hưởng bởi hành lang an toàn đường bộ.

“Mục đích của việc quy định hành lang an toàn giao thông đường bộ là nhằm để đảm bảo an toàn cho phương tiện và tính mạng con ngừi trong quá trình lưu thông. Điều này rất là tốt. Tuy nhiên, ở đây chúng ta chưa giải quyết hài hòa được lợi ích giữa cộng đồng và cá nhân từng hộ dân. Khi đường Quốc lộ 49B mở ra, Nhà nước mới chỉ thực hiện thu hồi diện tích đất đối với phạm vi mình thi công xây dựng, còn phần hành lang an toàn thì chưa thu hồi. Tuy nhiên chúng ta lại đưa phần này vào diện quản lý của Nhà nước luôn. Từ đó, hạn chế quyền xây dựng của gia đình cá nhân, dù họ vẫn còn quyền sở hữu đối với diện tích đất đó”, ông Lợi phân tích.

“Vấn đề này là một trở ngại trong quá trình quản lý nhà nước của chính quyền địa phương. Người dân sẽ có những mâu thuẫn trái chiều với chính quyền; cho rằng tại sao chính quyền địa phương lại gây khó khăn với họ trong việc xin giấy phép xây dựng, sửa chữa nhà cửa,….Trong tương lai, Vinh Hiền được quy hoạch thành đô thị loại 3. Với việc người dân bị hạn chế xây dựng như vậy sẽ gây rất nhiều khó khăn trong việc phát triển hạ tầng đô thị, nhất là nhà ở dân cư. Vì đất ở sâu sau quy định lộ giới không còn nữa. Điều đó buộc người dân phải làm nhà cửa ở phần đất của họ nằm trong phạm vi từ mép đường vào 18m thôi. Tuy nhiên theo quy định thì họ sẽ không được cấp phép xây dựng, cho nên nhà thì vẫn cứ lụp xà lụp xụp mãi; còn cho làm thì chính quyền địa phương sẽ bị đánh giá là bong lỏng quản lý”, vẫn lời ông Lợi.

Thừa Thiên Huế: Người dân bỗng dưng bị sống “treo” trên đất của mình - Ảnh 5Nhà dân xây dựng dang dở vì vướng hàng lang an toàn đường bộ

Quy định hành lang an toàn đường bộ là một điều cần thiết. Nhưng thiết nghĩ chính quyền cũng nên giải quyết thế nào đó cho hài hòa lị ích của người dân, nhất là các hộ có diện tích đất và nhà cửa nằm sát mặt đường. Đừng để họ rơi vào tình cảnh: đi không được, ở không xong như hiện nay.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top