Ngày 21/7/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương đã ký ban hành Quyết định số 1711/QĐ-UBND thành lập Ban chỉ đạo về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế (gọi tắt là Ban Chỉ đạo).
Theo đó, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban Chỉ đạo, ông Đặng Phước Bình, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường làm Phó Trưởng ban thường trực; ông Nguyễn Quang Cường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; ông Nguyễn Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Tài chính làm Phó Trưởng ban cùng 25 thành viên là lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.
Theo quyết định nói trên, Ban Chỉ đạo là tổ chức phối hợp liên ngành có chức năng giúp Chủ tịch UBND tỉnh nghiên cứu, chỉ đạo thống nhất, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành liên quan đến phát triển bền vững kinh tế biển tỉnh.
Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thường trực có trách nhiệm tham mưu Trưởng ban Ban Chỉ đạo ban hành Quy chế hoạt động, thành lập Tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo trên cơ sở lựa chọn các chuyên gia kỹ thuật từ các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan.
Như Reatimes đã thông tin, thời gian gần đây, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành nhiều chính sách, chương trình phát triển kinh tế gắn liền với biển. Cùng với các chính sách thu hút đầu tư vào Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, tuyến đường ven biển chiến lược của tỉnh cũng vừa mới khởi công, mở ra nhiều cơ hội để thúc đẩy, phát triển kinh tế biển, đô thị ven biển trên địa bàn tỉnh.
Trả lời cuộc phỏng vấn mới đây của Reatimes, Chủ tịch UBND tỉnh - ông Nguyễn Văn Phương bày tỏ những kỳ vọng sau khi tuyến đường ven biển của tỉnh hình thành sẽ mở ra tuyến đường du lịch ven biển đi dọc bờ biển tỉnh Thừa Thiên - Huế; tuyến đường đi gần bờ biển hơn (cách bờ biển không quá 2km và tùy vị trí) sẽ tạo điều kiện thúc đẩy hình thành các đô thị ven biển, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, du lịch của địa phương, cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân tại các xã ven biển nói riêng và tỉnh Thừa Thiên - Huế nói chung.
Tuyến đường này sau khi hoàn thành sẽ là tuyến giao thông đối ngoại kết nối thông suốt với tuyến đường bộ ven biển quốc gia đã quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải theo hướng Bắc - Nam và tăng tính kết nối đến các các cảng biển, khu kinh tế, khu công nghiệp trọng điểm ven biển miền Trung.
Cùng với đó tuyến đường này sẽ là trục chính ven biển để củng cố quốc phòng - an ninh, nâng cao năng lực phòng tránh thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ tài sản tính mạng của nhân dân các xã ven biển, các khu đô thị biển mới hình thành trong mùa mưa bão.
Tỉnh sẽ tổ chức quy hoạch để tạo quỹ đất ven biển khoảng 1.500ha nhằm phát triển đô thị biển. Thúc đẩy và tăng sức thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đến với Huế để đầu tư xây dựng, phát triển các dự án hạ tầng du lịch, dịch vụ, các khu resort, du lịch nghỉ dưỡng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội khác cho tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Trong khi đó với Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô giai đoạn 2016 - 2020, đã thu hút 28 dự án, tổng vốn đăng ký 17.036 tỷ đồng. Hiện nay bên cạnh sự tăng lên về số lượng và quy mô các dự án đầu tư thì chất lượng các nhà đầu tư có sự thay đổi lớn, một số nhà đầu tư trong và ngoài nước có thương hiệu đã đến nghiên cứu, đầu tư tại khu kinh tế như: Tập đoàn Banyan Tree của Singapore, Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (Saigon Invest Group), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Phương Trang, Tập đoàn Sunshine…/.