Thừa Thiên - Huế trên chặng đường trở thành đô thị di sản

Thừa Thiên - Huế trên chặng đường trở thành đô thị di sản

Thuý Quỳnh
Thuý Quỳnh quynhbui.reatimes@gmail.com
Thứ Ba, 20/02/2024 - 06:00

Với những lợi thế riêng biệt về di sản văn hóa, địa hình, khí hậu và tiềm năng phát triển công nghiệp, nông nghiệp, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang trên "đường băng cất cánh" trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025 và trọng điểm kinh tế của vùng Duyên hải Bắc Trung Bộ trong tương lai gần. Từ đó, bất động sản Thừa Thiên - Huế cũng có nhiều cơ hội để bứt phá trong thời gian tới.

Thừa Thiên - Huế trên chặng đường trở thành đô thị di sản- Ảnh 1.Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế
"Trong thời gian tới, Thừa Thiên - Huế sẽ quyết liệt hơn nữa trong công tác giải phóng mặt bằng, rà soát, kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ, vi phạm pháp luật về đất đai, để thực hiện đầu tư theo đúng quy định".

Tiến tới trở thành đô thị di sản của cả nước

Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra mục tiêu: "Đến năm 2025, Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh".

Cho đến nay, diện mạo của Thừa Thiên - Huế đã và đang có những sự chuyển biến rõ rệt trên hành trình "cả tỉnh lên thành phố". Thống kê năm 2022, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phủ kín quy hoạch chung xây dựng đô thị, tỷ lệ phủ kín quy hoạch xây dựng nông thôn mới đạt 100%. Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 56%. Từ năm 2020, hàng loạt dự án đã được triển khai trên diện rộng để thay đổi diện mạo của Thừa Thiên - Huế theo hướng văn minh, khang trang, hiện đại. Đặc biệt phải kể đến "cuộc di dân lịch sử" - giải phóng mặt bằng khu vực I Kinh thành Huế, tái định cư cho hàng nghìn người dân, đem đến cho họ cuộc sống mới đồng thời tạo đà cho công cuộc trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử.

Thừa Thiên - Huế trên chặng đường trở thành đô thị di sản- Ảnh 2.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương

Tuy nhiên, thách thức của Thừa Thiên - Huế trong nỗ lực chuyển mình để trở thành đô thị di sản kiểu mẫu là làm thế nào để cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc văn hóa và hội nhập quốc tế? Làm thế nào để trong dáng hình của một đô thị hiện đại hàng đầu khu vực, vẫn không mất đi âm hưởng của lớp trầm tích văn hóa đã được bồi đắp bởi hàng ngàn năm lịch sử?

Trên thực tế, Huế đã và đang nỗ lực không ngừng nghỉ để tìm thấy đáp án riêng cho mình. Chia sẻ với Reatimes, ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: "Năm 2024 sẽ là năm bứt phá để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 - 2025. Đặc biệt, hoàn thành mục tiêu đưa tỉnh Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị.

Về bản chất, Thừa Thiên - Huế sẽ được hình thành bởi nhiều đô thị quy mô nhỏ và vừa. Phát triển xen cài giữa các đô thị là sự chuyển tiếp hài hòa giữa các vùng bảo tồn sinh thái, cảnh quan thiên nhiên, đất nông nghiệp đặc sắc của địa phương. Đồng thời, các khu vực được liên kết với nhau bằng mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối nhanh, lan rộng bằng vành đai xanh và hành lang xanh".

Thừa Thiên - Huế trên chặng đường trở thành đô thị di sản- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Phương – Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh đang tập trung hoàn thành và triển khai hiệu quả các quy hoạch, đề án quan trọng, bao gồm: (1) Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên - Huế giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; (2) Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế đến năm 2050, tầm nhìn đến năm 2065; (3) Đề án phân loại đô thị Thừa Thiên - Huế trực thuộc Trung ương, bao gồm phân loại đô thị loại IV đối với đô thị Phong Điền; (4) Quy hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; (5) Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính Thừa Thiên - Huế; (6) Xây dựng Đại học Huế trở thành đại học Quốc gia; (7) Đề án Khu công nghệ cao Thừa Thiên - Huế.

Đồng thời, ông Nguyễn Văn Phương cho biết, tỉnh cũng đang huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển đô thị, chủ động phối hợp triển khai các dự án Trung ương triển khai trên địa bàn. Đẩy nhanh tiến độ Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng Khu vực I - Kinh thành Huế; tiến độ giải ngân đầu tư công và các công trình trọng điểm như: Tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên - Huế và cầu qua cửa Thuận An, đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 2, đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt qua sông Hương, đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài, đường vành đai 3.

Thừa Thiên - Huế trên chặng đường trở thành đô thị di sản- Ảnh 4.

Thực hiện di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I hệ thống di tích Kinh thành Huế thuộc quần thể di tích Cố đô Huế là bước tiền đề quan trọng để đến năm 2025, xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Mở rộng liên kết, phát triển xứng tầm trung tâm kinh tế sôi động của vùng Duyên hải Bắc Trung Bộ

Không chỉ là sự thay đổi về diện mạo từ tỉnh sang thành phố và mục tiêu trở thành đô thị di sản tầm cỡ của cả nước, Thừa Thiên - Huế còn hướng đến tầm nhìn trở thành "hạt nhân" kinh tế của vùng Duyên hải Bắc Trung Bộ, với sự phát triển toàn diện và đa dạng của các khu vực kinh tế, cũng như sự liên kết chặt chẽ với các tỉnh, thành lân cận trong vùng và với các vùng xung quanh.

Theo ông Nguyễn Văn Phương, Thừa Thiên - Huế đặt ra định hướng trở thành Trung tâm logistics cấp vùng, trong đó phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh và lợi thế so sánh của tỉnh như: Công nghiệp thời trang, công nghiệp hỗ trợ dệt may gắn với xây dựng tỉnh thành Trung tâm dệt may khu vực Miền Trung - Tây Nguyên.Về du lịch, tỉnh dự kiến sẽ tăng cường liên kết để khai thác, phát triển vùng du lịch ven biển Nam Thừa Thiên - Huế - Đà Nẵng - Bắc Quảng Nam với định hướng trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển và du lịch di sản văn hóa thế giới có tầm quốc tế cao ở châu Á Thái Bình Dương; liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng hình thành chuỗi du lịch "Con đường di sản miền Trung", "Hành lang kinh tế Đông - Tây". Tăng cường phối hợp với các địa phương trong Vùng tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch Vùng duyên hải Miền Trung như: Tổ chức Festival Du lịch biển, Ngày hội Du lịch Vùng,... Đặc biệt, phát triển hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trở thành "Công viên đầm phá Quốc gia’’.

Thừa Thiên - Huế trên chặng đường trở thành đô thị di sản- Ảnh 5.

Di dân Kinh thành Huế để bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô Huế

Việc mở rộng và tăng cường liên kết giữa Thừa Thiên - Huế với các tỉnh ven biển vùng Trung Trung Bộ không chỉ là bước đệm để Huế phát triển du lịch theo hướng tối ưu, trọn gói, đa dạng hóa trải nghiệm, mà còn là nền tảng để xây dựng trung tâm kinh tế biển hàng đầu khu vực. Sự phối hợp chặt chẽ và cộng hưởng giữa các tỉnh Quảng Trị - Thừa Thiên - Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi với khu vực trọng điểm phát triển ở Đà Nẵng - Thừa Thiên - Huế sẽ là động lực để phát triển cụm ngành kinh tế biển có sức bật lớn, giàu tiềm năng, có tầm ảnh hưởng đến kinh tế cả nước và trong khu vực.

Để hiện thực hóa dự định đó, theo ông Nguyễn Văn Phương, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã và đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng, trong đó, tập trung đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng giao thông liên vùng, có tác động lan tỏa, tạo động lực phát triển cho toàn Vùng như: Hoàn thành và đưa vào sử dụng tuyến đường bộ ven biển xuyên suốt Vùng duyên hải miền Trung nhằm tạo ra không gian phát triển mới cho toàn Vùng; đưa vào khai thác hiệu quả đường cao tốc đoạn Cam Lộ - Túy Loan nhằm phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng dùng chung trong vùng; phát triển cảng Chân Mây cùng với cảng hàng không Quốc tế Phú Bài để hình thành trung tâm logistics của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và đầu ra tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây.

Trên đà tăng trưởng, bất động sản Huế có nhiều cơ hội để bứt phá

Hưởng lợi từ động lực kinh tế và quy hoạch đô thị, bất động sản Huế được dự báo và kỳ vọng sẽ có những bước tiến vượt bậc nhờ vào dư địa dồi dào, vị trí thuận lợi, sức hút kinh tế lớn và giàu bản sắc văn hóa.

Các chuyên gia phân tích, theo tầm nhìn phát triển của cả nước giai đoạn 2021 - 2030, Bắc Ninh, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa và Quảng Ninh là 4 địa phương dự kiến trở thành các thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó, Thừa Thiên - Huế đang tiến gần tới mục tiêu nhất, nhưng giá đất hiện nay lại tương đối thấp, chỉ hơn 60 - 70 triệu đồng/m2, một số nơi cao nhất chỉ đạt hơn 100 triệu/m2. Trong khi đó, thời gian để Bắc Ninh, Khánh Hòa, Quảng Ninh chuẩn bị đủ điều kiện để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương có thể lên đến 7 năm, nhưng giá đất hiện nay tại các vùng trung tâm thành phố đã đạt ngưỡng 100 - 300 triệu đồng/m2. Điều đó có nghĩa là, bất động sản Huế đang có nhiều dư địa phát triển và tiềm năng tăng giá rất lớn, nếu được đầu tư phát triển đúng hướng, bài bản, rõ ràng.

Thừa Thiên - Huế trên chặng đường trở thành đô thị di sản- Ảnh 6.

Kinh thành Huế

Hơn hết, lĩnh vực bất động sản cũng đang nhận được sự quan tâm, chú trọng của chính quyền tỉnh để nhanh chóng phục hồi thị trường, thúc đẩy phát triển lành mạnh, bền vững. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ, tháng 10/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã ban hành công văn yêu cầu Sở Xây dựng; các Sở, ban, ngành có liên quan; UBND các huyện, thị xã và TP. Huế đẩy mạnh thực hiện việc rà soát, trình, phê duyệt (phê duyệt điều chỉnh) quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng đảm bảo tuân thủ các quy định, quy chuẩn về quy hoạch xây dựng để triển khai thực hiện các dự án nhà ở, bất động sản trên địa bàn; tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ đã được giao tại Kế hoạch số 228/KH-UBND ngày 16/6/2023 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" của Chính phủ trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cũng chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Trước đó, tháng 6/2023, UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 32 về Quy chế phối hợp xây dựng, duy trì hệ thống thông tin, chia sẻ, cung cấp thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh. Theo quy định, chủ đầu tư, sàn giao dịch bất động sản phải kê khai, cung cấp thông tin, dữ liệu về dự án, cơ cấu loại bất động sản của dự án, tình hình giao dịch bất động sản của dự án theo quy định tại Nghị định số 44/2022/NĐ-CP gửi về Sở Xây dựng.

Thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản do Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế lưu trữ, xử lý được cung cấp cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác, sử dụng thông tin theo quy định của pháp luật. Quy chế này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xây dựng, duy trì hệ thống thông tin, chia sẻ, cung cấp thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản. Nhờ đó, thông tin trên thị trường bất động sản sẽ được quản lý chặt chẽ, bao quát, tránh tình trạng tung tin đồn thổi nhiễu loạn thị trường.

Thừa Thiên - Huế trên chặng đường trở thành đô thị di sản- Ảnh 7.

Di sản văn hóa Cố đô Huế

Theo ông Nguyễn Văn Phương, để tạo đà cho bất động sản sớm phục hồi và đi lên, tỉnh Thừa Thiên -Huế đang đặt ra chiến lược và nhiều giải pháp để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm thu hút đầu tư khu vực kinh tế tư nhân và huy động vốn trong dân thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; chú trọng phát triển kinh tế tập thể. Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ hình thành các vùng có quỹ đất tập trung, có quy mô lớn làm cơ sở cho việc thu hút, kêu gọi đầu tư. Tranh thủ tối đa và quản lý hiệu quả nguồn vốn ODA để đầu tư các công trình trọng điểm, quy mô lớn. Thực hiện tốt việc đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

"Trong thời gian tới, Thừa Thiên - Huế sẽ quyết liệt hơn nữa trong công tác giải phóng mặt bằng, rà soát, kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ, vi phạm pháp luật về đất đai, để thực hiện đầu tư theo đúng quy định", ông Nguyễn Văn Phương khẳng định.

Với những nỗ lực nhằm tháo gỡ khó khăn và minh bạch hóa thị trường bất động sản, tỉnh Thừa Thiên Huế đang dần kiến tạo được sức hút với các nhà phát triển bất động sản, nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm kiếm cơ hội kinh doanh, tạo ra sức bật về kinh tế, xã hội của tỉnh.

Không chỉ còn là miền đất đầy nắng và gió, Thừa Thiên - Huế giờ đây chứa đầy cơ hội phát triển vượt bậc về kinh tế, du lịch, dịch vụ, công nghiệp nhờ vào quyết tâm của hệ thống chính quyền, cũng như tầm nhìn và định hướng lớn, phát triển dựa trên giá trị cốt lõi của địa phương song hành cùng sự kế thừa thành quả của thời đại về khoa học công nghệ. Trong tương lai không xa, Thừa Thiên - Huế sẽ gánh trên vai mình nhiều kỳ vọng với dáng hình của một đô thị di sản giàu bản sắc, một trung tâm kinh tế sôi động, một thị trường giàu tiềm năng và ngày càng mở rộng./.

        
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top