Aa

Thức cùng pháo hoa, niềm tin thắp sáng

Nhà thơ Trang Thanh
Nhà thơ Trang Thanh trangthanh196@gmail.com
Thứ Bảy, 21/01/2023 - 06:08

Hồi trống đại giục giã và pháo hoa tỏa rạng đêm Giao thừa đã trở thành biểu tượng linh thiêng và cội nguồn ước vọng của con người hôm nay.

Một lần đi dự tiệc cưới, tôi được nghe lại tiếng pháo của một thời đã xa. Chả là, khi kết thúc màn ra mắt của cô dâu chú rể trước hai bên quan khách và họ trao nhau chiếc nhẫn đính ước, người ta đã kéo cho nổ hàng loạt những quả bóng bay được tết lại thành vòm cổng hình trái tim, như một sự chào đón đôi tân lang tân nương và tạo thêm không khí ấm cúng, vui vầy cho tiệc cưới. Tiếng bóng bay nổ giòn hàng loạt ngỡ như tiếng pháo. Vậy đủ biết người ta nhớ tiếng pháo đến mức nào. Chỉ thiếu những xác pháo hồng lao xao trong gió, khói pháo lan tỏa và mùi thơm của thuốc pháo chờn vờn, vấn vít, nôn nao…

Tiếng pháo mừng cưới, hay tiếng pháo rền vang trong đêm Giao thừa giờ chỉ còn như tích xưa kể lại. Dân ta đã quen với tập tục đi lễ chùa, hái lộc vào đêm trừ tịch, nghe vọng một hồi trống điểm nhịp thời khắc Giao thừa thiêng liêng đã tới. Rồi tiếng nổ rền của đạn pháo, bắn lên nền trời đêm đen thẫm những chùm sáng hoa, sao muôn màu lấp lánh. Mọi người cùng ngước mắt lên trời cao, từng chùm pháo hoa tung ánh sáng ngàn sao rực rỡ, thắp sáng cả một vùng trời đêm Ba mươi tối thẫm. Khoảnh khắc pháo hoa bừng lên rực rỡ trong màn đêm dày đặc, biểu tượng cho ánh sáng, cho niềm lạc quan, hy vọng. Mạch nguồn sống mới dâng lên, một mùa xuân mới vỡ òa…

Pháo hoa đã trở thành biểu tượng mong đợi Giao thừa trong mỗi con người. (Ảnh: Internet)

Hồi trống điểm thời khắc giao xuân và pháo hoa mừng năm mới thay thế tục lệ đốt pháo Giao thừa, đánh dấu bước chuyển của một nét văn hóa tâm linh ngày Tết. Cái gì dù sâu rễ bền gốc trong tâm thức, khi đã bộc lộ sự lỗi thời và ảnh hưởng không tích cực vào đời sống, tự nó phải chấp nhận quy luật đào thải. Nét mới dù ban đầu xa lạ, nhưng khi đã chứng tỏ được sự ưu việt của mình, nó trở nên có sức sống và gần gũi, thân thuộc, đi vào tâm thức con người lúc nào không hay. 

Giờ thì ai cũng thấy việc đi lễ chùa, đón pháo hoa đêm Giao thừa là một nét đẹp của giờ khắc thiêng liêng giao hòa giữa năm cũ và năm mới. Nhịp trống lúc 0 giờ vang vọng giữa đêm trừ tịch, như một gạch nối giữa quá khứ và hiện tại, khép lại năm cũ, mở ra một năm mới tưng bừng. Ánh sáng lung linh toả rạng từ chùm pháo hoa biểu tượng cho niềm hy vọng về một năm mới an lành, thịnh vượng và hạnh phúc. Ngước mắt lên trời cao với những lời cầu chúc tốt đẹp dành cho người thân, pháo hoa đã trở thành biểu tượng mong đợi Giao thừa trong mỗi con người. Vậy là, không còn đì đùng pháo thuốc, không thấy xác pháo hồng và không nghe mùi pháo thơm vấn vít, nhưng hồi trống đại giục giã và pháo hoa tỏa rạng đêm Giao thừa đã trở thành biểu tượng linh thiêng và cội nguồn ước vọng của con người hôm nay.

Với hầu hết người Việt, văn hóa Tết cơ bản vẫn được gìn giữ và trân trọng như những giá trị tinh thần không dễ rời xa. Vẫn bắt đầu từ việc việc dọn dẹp, bài trí nhà cửa, chuẩn bị cây quất, cành đào, hoa tươi… đón Tết. Vẫn sắm nắm đủ đầy thực phẩm, bánh trái, chè rượu cho một cái Tết sum suê, vừa no ấm vừa đẹp mắt. Vẫn chiều 30 làm mâm cỗ thịnh soạn, cúng mời anh linh và hương hồn tổ tiên, ông bà đã khuất về sum họp cùng con cháu. Nhưng từ khi pháo hoa trở thành dấu ấn hiện đại, điểm nhịp để mở ra một mùa xuân mới trong cái Tết truyền thống Việt Nam, thì cũng là lúc, đời sống Tết nhất của người Việt bắt đầu có sự chuyển dịch.

Đêm Giao thừa thường lạnh, pháo hoa như thổi hơi ấm mùa xuân, làm thức dậy những yêu thương, khao khát. (Ảnh: VGP/Lưu Hương)

Người ta hay nhắc đến những thay đổi trong nếp sống, nếp nghĩ, đến xu thế hiện đại ùa vào từng cá nhân, mỗi gia đình. Mỗi năm một dịp Tết đến, bên những gia đình giữ gìn nền nếp cổ truyền, về quê đoàn tụ, ăn cỗ Tết truyền thống, dâng cơm cúng Tết hai bữa mỗi ngày trong suốt ba bốn ngày Tết, thì cũng có những gia đình đóng cửa đi du lịch, hoặc phân công các thành viên về nội, về ngoại, không nhất thiết cứ phải đủ cả nhà kéo nhau về nội vài ngày lại vất vả nhao đi, để còn về ngoại vài ngày cho công bằng. Nhiều nàng dâu trẻ không ngại lên tiếng cự nự việc phải nấu mâm cao cỗ đầy, rồi phải lụi hụi còng lưng một mình rửa một đống bát đĩa ngày Tết. Người ta nhận thấy việc cúng kiếng ngày Tết nên giảm bớt các hủ tục rườm rà, giảm tối đa việc đốt vàng mã để giữ cho môi trường sống được an toàn và trong sạch. Việc ăn uống ngày Tết cũng nên giản tiện, ăn đủ no, đủ ngon, đủ gợi nhắc hương vị, tránh sự thừa mứa cỗ bàn gây lãng phí và còn tổn hại đến sức khỏe.

Tết là để nghỉ ngơi, để vui vầy, sum họp, nên người ta đã biết làm sao để giảm bớt sự vất vả, căng thẳng, biến mọi việc Tết thành niềm vui, niềm thưởng thức. Làm sao để vui mà không mệt, phụ nữ trong nhà không quá phải âu lo, toan tính, tránh tạo ra mâu thuẫn quan niệm cũ - mới giữa các thế hệ, không thành kiến, chấp niệm, chê bai. Làm sao để bớt đi những thủ tục lễ nghĩa rườm rà, để mọi người được thảnh thơi, vui vẻ giữa những ngày xuân mới, khi đất trời và cả lòng người đều hân hoan như mở hội. Con người trong cuộc sống thường nhật bây giờ đã biết dành ra những phút giây lắng lại, sống chậm, sống tối giản dần đi, lắng nghe những tiếng nói, những nhu cầu thực sự xuất phát từ nội tâm mình. Thì ngày Tết cũng vậy, hãy bớt đi nhiều nhất có thể sự lệ thuộc vào những quy tắc nghi lễ không còn phù hợp trong một xã hội hiện đại, để sống thực chất, chan hòa, sống khỏe và vui.

Đêm Giao thừa diện quần chùng áo dài đi lễ, hái lộc, ngắm pháo hoa cầu chúc mọi sự tốt lành và gửi gắm niềm tin, hy vọng. Pháo hoa mỗi năm đều rực rỡ, tươi vui, giòn giã, không còn là xa lạ, nhưng Giao thừa nào cũng thế, trẻ con reo vui cùng pháo hoa, người lớn cũng say mê với pháo hoa. Đêm Giao thừa thường lạnh, pháo hoa như thổi hơi ấm mùa xuân, làm thức dậy những yêu thương, khao khát, nhịp sống mới phập phồng trào dâng trong sâu thẳm mỗi người. 

Với mỗi người, dù giàu hay nghèo, Giao thừa bao giờ cũng thật thiêng liêng. (Ảnh minh họa: Internet)

Sau thời khắc ngắm pháo hoa, chan hòa vào năm mới, mọi người trở về “xông đất”, mừng tuổi người thân, cùng nhau nâng chén vui xuân. Với mỗi người, dù giàu hay nghèo, Giao thừa bao giờ cũng thật thiêng liêng. Năm mới đến là lúc mọi người giữ tâm tính vui vẻ, nhẹ nhàng, dù có hiềm khích gì cũng bảo nhau cho qua.

Sớm mùng Một, cả nhà quây quần bên mâm cỗ Tết. Cỗ dù to, dù nhỏ, món truyền thống được nâng niu, tiếp nối, món mới được đón nhận để cùng nhau thưởng thức thêm nhiều hương vị. Mọi món ăn tùy sở thích đều được trân trọng. Mọi món ăn được nấu với niềm vui từ tấm lòng thơm thảo, được thưởng thức với thái độ lịch sự và lòng biết ơn thì đều ngon. Trong bữa ăn, giữ nếp nhà kính trên nhường dưới, ai cũng chỉ nhẹ nhàng những chuyện đầm ấm, vui vầy, hỏi han nhau về ước mơ, động viên, sẻ chia cuộc sống. 

Một cái Tết đầm ấm, yên vui là tiếp thêm sức mạnh cho mỗi người bước vào năm mới, để vững lòng vượt qua những trở ngại, thử thách của thời gian phía trước. Trong những kỷ niệm ngọt ngào ngày Tết, ai có thể không một lần ngước nhìn pháo hoa mà thầm mong những điều tốt đẹp? Chỉ biết rằng, Giao thừa nào cũng vậy, người thành phố ùa ra phố, người nhà quê tìm chỗ tiện ngắm pháo hoa. Ai cũng muốn đến thật gần những nơi mà pháo hoa sẽ được thắp sáng, để được nhìn thấy vẻ đẹp lung linh ngời sáng của pháo hoa ở khoảng cách gần nhất. Ai cũng thao thức chờ pháo hoa, cùng niềm tin một mùa xuân mới tốt lành…/.

Trang Thanh
Thế Công
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top