Giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm so với yêu cầu
“Mặc dù các cấp, các ngành và địa phương đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, số vốn giải ngân tăng so với cùng kỳ năm 2019 song tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm vẫn thấp so với yêu cầu”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã thừa nhận như vậy khi phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, diễn ra sáng 16/7/2020.
Theo Bộ trưởng, ước giải ngân 6 tháng đầu năm là 159.397,188 tỷ đồng, đạt 33,9% kế hoạch (cùng kỳ đạt 28,56% kế hoạch Quốc hội giao). Trong đó, vốn trong nước là 145.270,055 tỷ đồng (đạt 37,55% kế hoạch), vốn nước ngoài là 7.061,952 tỷ đồng (đạt 12,52% kế hoạch), vốn Chương trình mục tiêu quốc gia là 7.065,181 tỷ đồng (đạt 25,85% kế hoạch).
Đáng chú ý, trong số đó, có 3 bộ, cơ quan trung ương và 9 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 50%; 33 bộ, cơ quan trung ương và 03 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%, trong đó, có 7 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 5%.
Nguyên nhân khiến tình trạng chậm giải ngân được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ ra là do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan đã tồn tại cố hữu từ lâu, như công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thay đổi chính sách và quy định, năng lực chủ đầu tư, nhà thầu, việc tránh thanh toán vốn nhiều lần, chờ thanh một lần của cả chủ đầu tư, ban quản lý dự án và cả nhà thầu, tính chất đặc thù của chi đầu tư so với chi thường xuyên…
Bên cạnh đó, niên độ ngân sách nhà nước là 1 năm, giao kế hoạch vốn đầu năm, quyết toán cuối năm, nên kế hoạch thực hiện, thi công xây dựng các công trình, dự án cũng phụ thuộc vào kế hoạch vốn. Sau khi được giao kế hoạch đầu năm, các cấp, các ngành mới bắt tay vào triển khai các hoạt động chuẩn bị đầu tư, xây dựng kế hoạch đấu thầu, kế hoạch thi công… nên mất nhiều thời gian để có khối lượng thanh toán, kế hoạch đấu thầu được phê duyệt đầu năm thì phải đến giữa năm mới lựa chọn được nhà thầu và ký hợp đồng, việc tạm ứng vốn hợp đồng, hay giải ngân khối lượng thực hiện thường xảy ra vào thời điểm cuối năm.
Bên cạnh những nguyên nhân cố hữu nêu trên, theo Bộ trưởng, trong những tháng đầu năm, xuất hiện thêm một số nguyên nhân khác làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đó là những ảnh hưởng từ dịch Covid-19 và năm 2020 là năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn nên các bộ, cơ quan trung ương và địa phương vừa hoàn thành dự án, vừa hoàn tất thủ tục dự án khởi công mới vừa chuẩn bị dự án cho giai đoạn 2021-2025.
Giải ngân hết vốn kế hoạch 2020 là nhiệm vụ then chốt
Giải ngân vốn đầu tư công chậm, ngoài các nguyên nhân khách quan, theo Bộ trưởng, còn có nguyên nhân chủ quan.
Chẳng hạn, việc lập kế hoạch chưa sát với thực tế và khả năng giao vốn, khả năng giải ngân vốn dẫn đến không phân bổ được hết số vốn kế hoạch.
Bên cạnh đó, công tác tổ chức triển khai thực hiện tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương còn nhiều bất cập; các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét; công tác tuyên truyền đến người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng chưa bảo đảm minh bạch, công bằng; người dân chưa đồng thuận, khiếu kiện về chính sách đền bù, yêu cầu xác định giá bồi thường sát giá thị trường; công tác đôn đốc nhà thầu triển khai thi công chưa quyết liệt và hiệu quả.
“Nguyên nhân giải ngân chậm nguồn vốn ODA có nhiều đặc thù, nhiều dự án lớn đang phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay với nước ngoài nên chưa đủ cơ sở pháp lý để triển khai hoạt động, dẫn đến chưa thể lập hồ sơ rút vốn”, Bộ trưởng nói.
Chưa kể, giải ngân chậm còn do công tác chuẩn bị đầu tư dự án không kỹ dẫn đến chậm thực hiện dự án đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai dự án, phải điều chỉnh lại thiết kế, tăng chi phí, phải tiến hành các thủ tục gia hạn thời gian thực hiện dự án, nhiều dự án không được bố trí vốn đối ứng đầy đủ, kịp thời đã ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ, giải ngân vốn nước ngoài…
“Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng bài học rút ra là các cấp, các ngành phải nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công. Việc phân bổ, giao kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư công có tác động lớn đến kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, nên phải nhanh, hiệu quả và phải đảm bảo đúng pháp luật”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng, trong bối cảnh kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn hiện nay, nhất là tăng trưởng GDP quý II chỉ là 0,36%, phải coi thúc đẩy và giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 là mục tiêu lớn, quan trọng, là giải pháp then chốt để góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2020.
Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị các bộ ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tháo gỡ kịp thời các rào cản, khó khăn vướng mắc, khơi thông điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.
Ngoài việc hoàn thành việc giao kế hoạch vốn chi tiết cho các chương trình, dự án để giải ngân trước ngày 31/7/2020, thì phải chủ động ban hành kế hoạch và giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu..., đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, dự án…
“Phải xem xét kế hoạch giải ngân và cam kết của chủ đầu tư đối với tiến độ giải ngân của từng dự án, trường hợp giải ngân không đạt tiến độ, xem xét điều chuyển vốn cho dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; xem xét điều chuyển chủ đầu tư dự án theo thẩm quyền”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện, lập kế hoạch giải ngân của từng dự án, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án, coi đây là căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành công việc được giao trong năm 2020.