Aa

Thúc đẩy môi trường làm việc an toàn, tôn trọng và bình đẳng là hướng đi bền vững cho doanh nghiệp

Hà Trang
Hà Trang changha1605@gmail.com
Thứ Tư, 26/10/2022 - 18:10

Bình đẳng giới không chỉ là một vấn đề xã hội đơn thuần mà chính là điều kiện quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững trên nền tảng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Sáng 26/10, Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng (Viện LIGHT) với sự hỗ trợ của UN Women tại Việt Nam và Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC) đã tổ chức thành công Hội thảo Khởi động và lập kế hoạch “Doanh nghiệp thúc đẩy môi trường làm việc an toàn, tôn trọng và bình đẳng”. 

Hội thảo được tổ chức với mục tiêu thúc đẩy môi trường làm việc an toàn, đa dạng và bình đẳng tại doanh nghiệp với sự đi đầu đến từ các doanh nghiệp tại 4 địa phương: TP. Hà Nội, TP.HCM, TP. Đà Nẵng và tỉnh Điện Biên. 

Hội thảo Khởi động và lập kế hoạch “Doanh nghiệp thúc đẩy môi trường làm việc an toàn, tôn trọng và bình đẳng” do Viện LIGHT tổ chức với sự hỗ trợ của UN Women tại Việt Nam và Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC). (Ảnh: Hà Trang)

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, bà Nguyễn Thu Giang - Phó Viện trưởng Viện LIGHT, đại diện UN Women, đã có những chia sẻ đầy cảm xúc: “Chúng tôi cảm thấy tự hào và đã nhận được rất nhiều sự động viên trên chặng đường làm về vấn đề bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới. Càng ngày, chúng tôi càng có thêm những người bạn cùng đi trên chặng đường này. Lúc ban đầu có thể chỉ vài người đi, nhưng theo thời gian “đoàn thuyền” này ngày càng đông hơn, ngày càng khí thế hơn, ngày càng xinh đẹp hơn, ngày càng tự tin hơn”. 

Bên cạnh đó, bà Thu Giang cũng bày tỏ mong muốn tại Việt Nam trong thời gian tới sẽ ngày càng có nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là nam giới chú ý và tham gia các hoạt động nhằm thúc đẩy môi trường làm việc an toàn, tôn trọng và bình đẳng.

Thời gian qua Việt Nam đã có những nỗ lực để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra nhằm tăng cường khung pháp lý về bình đẳng giới.

Bà Nguyễn Hoàng Yến, quản lý chương trình Viện LIGHT chia sẻ: "Đó là những nỗ lực trong quá trình thực hiện Luật Bình đẳng giới 2006 hay Luật Lao động sửa đổi 2019, khoản 2 Điều 84 Nghị định 145/2020/NĐ-CP về Phòng chống quấy rối tại nơi làm việc. Bên cạnh đó, Chính phủ đã xây dựng Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới (NSGE) cho các giai đoạn: 2011 - 2020 và 2021 - 2030. Chương trình quốc gia về truyền thông bình đẳng giới đến năm 2030 cũng đã được ban hành theo Quyết định 1790/CĐ-TTg ngày 23/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ".

Bà Nguyễn Hoàng Yến - Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng. (Ảnh: Hà Trang)

Tuy nhiên, theo kết quả điều tra Quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ Việt Nam năm 2019, đánh giá nhanh do UNICEF, UNFPA và UN Women thực hiện với sự hỗ trợ của DFAT vào năm 2020 đã cho thấy: Gần 63% phụ nữ từng phải chịu đựng ít nhất một hành vi bạo lực về thể xác, tình dục, tinh thần, kiểm soát hành vi hoặc bạo lực kinh tế do chồng gây ra trong suốt cuộc đời. 

Con số “biết nói” đáng buồn trên càng cho thấy tính cấp thiết của những hoạt động thúc đẩy môi trường làm việc an toàn, bình đẳng trong thực tế. Trong đó, trao quyền cho phụ nữ chính là chiếc "chìa khóa vàng" cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế và hướng tới một xã hội công bằng. Cộng đồng doanh nghiệp có vai trò vô cùng to lớn và chính việc này cũng mang lại những hiệu quả kinh tế không nhỏ cho sự phát triển chung.

Bà Mai Thị Diệu Huyền - Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC), phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã có những chia sẻ thiết thực về Nguyên tắc Trao quyền cho Phụ nữ (WEPs). Được ra đời từ năm 2010, đây chính là sáng kiến của UN Women và UN Global Compact. Tính đến tháng 10/2022, tại Việt Nam đã có 135 doanh nghiệp ký ủng hộ WEPs và con số này trên toàn cầu đã lên tới 7.093.

Theo đó, 7 nguyên tắc bao gồm: Lãnh đạo cam kết thúc đẩy bình đẳng giới; bình đẳng giới tại nơi làm việc; đảm bảo sức khỏe, an toàn và phúc lợi cho người lao động; giáo dục và đào tạo nghề cho phụ nữ; phát triển doanh nghiệp, chuỗi cung ứng và marketing; bình đẳng giới thông qua các sáng kiến cộng đồng; đánh giá và báo cáo công khai về tiến bộ bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. 

Bà Mai Thị Diệu Huyền - Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC). (Ảnh: Hà Trang)

"Nếu phụ nữ được bình đẳng trong nền kinh tế, GDP toàn cầu sẽ tăng 28 nghìn tỷ USD vào năm 2025. Đầu tư vào phụ nữ sẽ trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế toàn cầu và phụ nữ có xu hướng đầu tư ngược trở lại vào nhà cửa, giáo dục (nhiều hơn cho trẻ em gái), sức khoẻ gia đình và hoạt động kinh doanh", bà Diệu Huyền chia sẻ về lợi ích của WEPs đối với nền kinh tế. 

Các số liệu từ “UN on Women Economic Empowerment 2017” đã chỉ ra rằng thêm 1 thành viên nữ trong ban lãnh đạo, doanh nghiệp sẽ tăng từ 8 - 13 điểm lợi nhuận/tổng tài sản. Thêm vào đó, các công ty trong Top 25% doanh nghiệp đa dạng về giới cũng đạt lợi nhuận cao hơn 15% so với chỉ số bình quân ngành. 

Bên cạnh những lợi ích về kinh tế thì việc thực hiện WEPs còn hứa hẹn sẽ mang lại cho doanh nghiệp nhiều lợi thế ở các khía cạnh khác nhau như giúp tăng uy tín nhãn hiệu và hình ảnh doanh nghiệp; giảm nguy cơ mâu thuẫn và tranh chấp; tăng năng suất lao động, đổi mới và sáng tạo; tuyển dụng và giữ chân lao động tài năng; tạo ra sản phẩm và dịch vụ đa dạng, đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng...

"Bức tường chia sẻ" - Nơi các doanh nghiệp nói lên thế mạnh, cơ hội lẫn những rào cản, khó khăn khi triển khai hoạt động phòng ngừa và ứng phó với bất bình đẳng giới, quấy rối tình dục tại nơi làm việc. (Ảnh: Hà Trang).

Có thể thấy, các doanh nghiệp cần nhìn nhận bình đẳng giới, phòng chống quấy rối không chỉ là những vấn đề xã hội đơn thuần. Việc hướng tới môi trường làm việc an toàn, tôn trọng và bình đẳng chính là một trong những điều kiện quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thịnh vượng, bền vững trên nền tảng nguồn nhân lực chất lượng cao./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top