Muốn “vươn ra biển lớn” phải nương theo tự nhiên để phát triển bền vững

Muốn “vươn ra biển lớn” phải nương theo tự nhiên để phát triển bền vững

Hà Thương
Hà Thương ngthuongreatimes@gmail.com
Thứ Hai, 25/07/2022 - 06:15

Để những đô thị biển đúng nghĩa được ra đời, phát huy và khai thác tối đa giá trị, lợi thế mà biển cả mang lại rất cần những nhà phát triển bất động sản thật sự tâm huyết. Họ biết lắng nghe từng vùng đất, tôn trọng bản sắc tự nhiên và đề cao yếu tố con người. Đây cũng là điều mà Văn Phú - Invest đã và đang theo đuổi khi kiến tạo, phát triển những dự án đô thị ven biển. 

*******

Lời tòa soạn:

Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm 65 đến 70% GDP cả nước; thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển gấp từ 1,2 lần bình quân cả nước…

Đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước.

Ngày 24/01/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tạo động lực phát triển đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội nhanh, bền vững. Nghị quyết khẳng định mục tiêu và nhiệm vụ tiếp tục phát triển các chuỗi đô thị biển gắn với thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển.

Với bờ biển trải dài hơn 3.260km từ Bắc vào Nam, Việt Nam có lợi thế và tiềm năng to lớn để phát triển các đô thị biển đảo đặc sắc, là trụ cột và động lực để phát triển kinh tế biển. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có mạng lưới sông ngòi chằng chịt và đầy tiềm năng với tổng chiều dài hơn 41.900km, bao gồm 9 hệ thống sông lớn, trong đó có khoảng 2.360 con sông có chiều dài trên 10km. Sông nước là cội nguồn tạo ra đô thị nên hầu hết các thành phố lớn ở nước ta đều gắn với các dòng sông mang trong mình những diện mạo văn hóa khác biệt, phản ánh bản sắc riêng. Đây là điều kiện hoàn hảo để xây dựng những khu đô thị ven sông với cảnh quan hoàn mỹ, tạo nên không gian sống sang trọng, văn minh.

Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam vẫn đang vắng bóng những đô thị ven sông, đô thị biển đúng nghĩa, có thể phát huy, khai thác tối đa những giá trị, lợi thế mà sông nước, biển cả mang lại. Thay vào đó, đô thị ven sông - biển ở nước ta đang đối mặt với rất nhiều thách thức cản trở quá trình phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng. Tất cả đang đòi hỏi cần những nghiên cứu nghiêm túc tầm quốc gia và quốc tế để có những tầm nhìn chiến lược và chính sách phát triển phù hợp. Vấn đề then chốt là xác lập tầm nhìn và quy hoạch, định vị không gian đô thị sông biển để phát triển tương xứng với tiềm lực tăng trưởng kinh tế và giá trị độc tôn của từng đô thị, vừa bảo tồn, phát huy các giá trị di sản và tăng tính kết nối giữa các địa phương, thu hút các nguồn lực của doanh nghiệp để kiến tạo nên những công trình đẳng cấp, giàu giá trị văn hóa, khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch và phát triển kinh tế xanh trong thời kỳ mới.

Trên tinh thần nghiên cứu và phản biện, Reatimes triển khai tuyến bài: Phát triển đô thị sông - biển Việt Nam thời kỳ mới

Trân trọng giới thiệu tới độc giả!

Vùng đất Gold Coast - nơi được mệnh danh là “thánh địa du lịch Úc” nổi tiếng trên thị trường bất động sản với mức giá tăng đều theo thời gian bất chấp các diễn biến và xu hướng của thị trường. Trong khi đó, giá bất động sản tại các khu vực trung tâm như Melbourne, Sydney trong khoảng 2 năm trở lại đây liên tục bị ảnh hưởng bởi tác động của dịch bệnh.

Theo lý giải của những nhà nhận định, tốc độ tăng trưởng ổn định và bền vững của thị trường địa ốc Gold Coast đến từ lợi thế kinh tế của mô hình khu đô thị biển. Sở hữu vạn dặm bờ biển “vàng”, Gold Coast từ vùng đầm lầy đã trở thành khu đô thị ven biển năng động bậc nhất xứ sở chuột túi. Kể từ khi có sự phát triển của các khu đô thị, toàn bộ cư dân địa phương đều được tham gia vào các hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch từ đó góp phần thúc đẩy đời sống của người dân bản địa, cũng như thay đổi diện mạo kinh tế khu vực. Đây chính là lý do mà Gold Coast luôn ghi nhận tốc độ tăng trưởng bứt phá, tạo ra sức hút đối với các nhà đầu tư. Điều này minh chứng cho tác động của các khu đô thị ven biển đến giá trị của bất động sản địa phương.

Không nằm ngoài xu hướng tăng chung trên thế giới, tại Việt Nam, thị trường bất động sản ven biển luôn được các nhà đầu tư đánh giá cao, không chỉ bởi tiềm năng tăng tăng giá nội tại mà còn bởi giá trị gia tăng trong dài hạn. Tuy nhiên, làm sao để đảm bảo cân bằng lợi ích giữa giá trị kinh tế hiện hữu và giá trị môi trường tự nhiên, giá trị văn hoá lâu dài là bài toán luôn được các doanh nghiệp trăn trở. Bởi, nếu không có chiến lược phát triển đúng đắn, câu chuyện quy hoạch không được thực hiện bài bản, nghiên cứu một cách nghiêm túc, cán cân lợi ích sẽ bị chênh lệch. Và hậu quả để lại là vô cùng nguy hiểm. 

Để hiểu rõ hơn về câu chuyện tạo lập các khu đô thị biển hài hoà lợi ích, hướng đến sự phát triển văn minh, bền vững, Reatimes đã có cuộc trao đổi với ông Tô Như Toàn, Chủ tịch HĐQT Công ty CPĐT Văn Phú - Invest. Xuất phát từ triết lý “chuyên tâm tạo giá trị sống”, Văn Phú - Invest trên chặng đường gần 20 năm phát triển đã chọn hướng đi riêng, nhưng luôn lấy yếu tố bền vững làm thước đo cho thành công của mỗi công trình.

PV: Được biết Văn Phú - Invest đang có chiến lược “vươn ra biển” với các dự án ven biển đẳng cấp và hiện đại. Vậy xuất phát từ lý do gì khiến doanh nghiệp có định hướng như vậy?

Ông Tô Như Toàn: Giống như nhiều doanh nghiệp khác, Văn Phú - Invest cũng nhận thấy được những tiềm năng to lớn mà biển đem lại, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư bất động sản. Vì vậy, chúng tôi cũng có cho mình chiến lược “vươn ra biển” dựa trên nguồn lực và định hướng của công ty.

Thứ nhất, Văn Phú - Invest định hướng trở thành tập đoàn đa ngành, bên cạnh đầu tư bất động sản thương mại, chúng tôi còn đầu tư bất động sản du lịch, khách sạn và hiện đã có các dự án hiện hữu.

Thứ hai, bất động sản ven biển từ lâu vẫn luôn là mảng đầu tư hấp dẫn, đặc biệt tại Việt Nam. Trong khi đó, Văn Phú - Invest có quỹ đất lớn, nằm tại nhiều tỉnh thành trong đó có các địa phương ven biển giàu tiềm năng như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Huế, Bà Rịa - Vũng Tàu…

Thứ ba, Văn Phú - Invest có thế mạnh về quy hoạch nên chúng tôi hướng tới xây dựng các đô thị ven biển hoặc khu nghỉ dưỡng có quy mô lớn nhằm đảm bảo tính quy hoạch chung đồng bộ, có sự gắn kết, sản phẩm đầu ra phù hợp với địa phương, tận dụng tối đa lợi thế về môi trường, khí hậu, cảnh quan. Đây cũng là điều rất ít nhà phát triển bất động sản Việt Nam hiện nay có được. 

PV: Ông có thể chia sẻ thêm về quan điểm xây dựng các dự án ven biển của Văn Phú - Invest? 

Ông Tô Như Toàn: Quan điểm đầu tư của chúng tôi khá khác biệt so với nhiều chủ đầu tư khác trên thị trường. 

Chúng tôi hướng tới xây dựng các khu đô thị ven biển thay vì xây những khu nghỉ dưỡng đơn thuần. Bởi lẽ, các khu nghỉ dưỡng sẽ tạo lập cho mình một khu vực đóng kín, khai thác độc lập, chiếm trọn vị trí và ưu thế của bãi biển đẹp nhất tại địa phương. Như vậy, người dân khu vực xung quanh không thể cùng khai thác các tiềm năng từ du lịch biển, cuộc sống cũng không có nhiều thay đổi.

Ngược lại, Văn Phú - Invest xây dựng khu đô thị biển, là khu đô thị mở với đa dạng các loại hình từ bất động sản nghỉ dưỡng đến bất động sản thương mại, nhà ở tạo nên một khu dân cư đông đúc, nhộn nhịp, hiện đại. Theo đó, đường bờ biển cũng không bị đóng kín, cùng với chủ đầu tư, người dân có thể cùng khai thác du lịch, dịch vụ, nhờ đó đời sống được cải thiện, nâng cao.

PV: Đâu là yếu tố được doanh nghiệp chú tâm nhất khi xây dựng các đô thị biển?

Ông Tô Như Toàn: Trong mọi dự án, đặc biệt là các dự án ven biển, yếu tố con người là yếu tố luôn được Văn Phú - Invest quan tâm nhiều nhất, gắn sự phát triển của doanh nghiệp với địa phương, xã hội. Khi lấy yếu tố con người làm trọng tâm, xây dựng đô thị ven biển sẽ giúp cải thiện bộ mặt đô thị địa phương, mở rộng cơ hội khai thác kinh doanh và đầu tư, đổi mới tư duy làm dịch vụ cho chính những người dân địa phương để chủ đầu tư và cư dân cùng có lợi. Và đây cũng là hướng đi bền vững mà doanh nghiệp luôn hướng tới.

Bên cạnh yếu tố con người, quan điểm tiếp theo của Văn Phú - Invest khi tạo lập các khu đô thị biển hay nhiều khu đô thị khác trên cả nước đó chính là tính phù hợp với môi trường tự nhiên, văn hóa vùng miền, đảm bảo khai thác tối đa các thế mạnh về tự nhiên, bản sắc văn hóa, các nét đẹp truyền thống đặc trưng… từ đó làm gia tăng sự khác biệt và độc đáo cho dự án, đồng thời phát huy và bảo tồn những giá trị văn hóa dân tộc.

Đó cũng là lý do, những công trình của chúng tôi luôn "ăn khớp" với tổng thể, hài hòa cùng cơ sở vật chất hạ tầng và văn hóa xung quanh, từ đó đi sâu kiến tạo nên từng nơi chốn, thổi hồn cho mỗi không gian, để căn nhà trở thành tổ ấm gắn bó đích thực trong bối cảnh đô thị hoá ngày càng diễn ra mạnh mẽ.

PV: Việc cân bằng giữa lợi ích kinh tế và đảm bảo môi trường, thiên nhiên là vấn đề mà mọi chủ đầu tư phải có trách nhiệm quan tâm khi phát triển đô thị biển. Trong bài toán này, Văn Phú - Invest đã và sẽ giải quyết như thế nào?

Ông Tô Như Toàn: Là một doanh nghiệp đề cao yếu tố cộng đồng và bảo vệ môi trường, Văn Phú - Invest đặc biệt quan tâm đến việc dung hòa giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ thiên nhiên.

Cụ thể, Văn Phú - Invest dành nhiều thời gian nhất cho giai đoạn tiền đầu tư, nghiên cứu dự án. Theo đó, chúng tôi sẽ có những đánh giá chuyên sâu về vị trí, thổ nhưỡng, địa hình, khí hậu, thảm thực vật, văn hóa… địa phương nơi dự kiến triển khai. 

Thông qua bước nghiên cứu kỹ lưỡng này, Văn Phú - Invest sẽ đánh giá các tác động của dự án đến môi trường tự nhiên từ đó quyết định tính khả thi của dự án cũng như cách thức triển khai. Sau khi có được cái nhìn tổng quan, Văn Phú - Invest sẽ tìm kiếm và đưa ra giải pháp liên quan đến quy hoạch tổng thể, thiết kế kiến trúc, tạo dựng cảnh quan, mô hình kinh doanh, vận hành sau bàn giao… nhằm mục đích tạo ra công trình có quy hoạch hài hòa, thiết kế thông minh, chống lại được các tác động của biển đổi khí hậu, thiên tai, mô hình kinh doanh tận dụng được lợi thế tự nhiên, con người nhưng không làm ảnh hưởng đến môi trường, thảm thực vật xung quanh.

Bên cạnh việc hạn chế tối đa tác động đến môi trường, thảm thực vật xung quanh thì chúng tôi còn nghiên cứu để trồng mới các loại cây xanh, cây bụi… phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, phủ xanh đô thị và làm đẹp cảnh quan.

PV: Bên cạnh chú trọng khảo sát, nghiên cứu giai đoạn tiền đầu tư, Văn Phú - Invest còn làm gì để bảo vệ môi trường trong giai đoạn xây dựng, thi công và giai đoạn khi đã hoàn thành?

Ông Tô Như Toàn: Trong hoạt động thi công, xây dựng, chúng tôi đã áp dụng các thành tựu khoa học tiên tiến nhất nhằm đẩy nhanh tiến độ đồng thời bảo vệ môi trường như áp dụng công nghệ xử lý chất thải rắn EU6 đầu tiên tại Việt Nam. Công nghệ này cho phép nghiền các khối bê tông có kích cỡ lớn 60x80cm, tự động phân loại sắt, thép ra khỏi bê tông và sàng lọc được cả cát mịn.

Cùng với thiết kế xanh thông minh, các công trình của Văn Phú - Invest còn sử dụng nhiều vật liệu xanh thân thiện môi trường giúp giảm phát thải, giảm tiêu hao năng lượng đáng kể. 

Ở quá trình hậu bàn giao, chúng tôi cũng tổ chức nhiều hoạt động cộng đồng có ích để nâng cao ý thức của cư dân trong bảo vệ môi trường sống xung quanh như tổ chức các buổi lễ phát động trồng cây xanh quanh khuôn viên dự án, dọn rác ven biển, đường dạo nội khu, có sự góp mặt của các lãnh đạo cấp cao của công ty.

Đô thị biển Văn Phú
Văn Phú - Invest luôn đề cao yếu tố văn hóa, tôn trọng bản sắc vùng miền trong công trình của mình (Ảnh minh họa)

PV: Với dự án Vlasta - Sầm Sơn, Văn Phú - Invest đang hướng tới phát triển du lịch bền vững gắn với văn hóa truyền thống địa phương, bảo vệ cảnh quan môi trường. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về định hướng này?

Ông Tô Như Toàn: Đối với vấn đề phát triển du lịch bền vững như đã chia sẻ ở trên, chúng tôi không xây dựng khu nghỉ khép kín mà tạo nên các khu đô thị hướng biển để cùng khai thác với người dân bản địa.

Văn Phú - Invest luôn đề cao yếu tố văn hóa, tôn trọng bản sắc vùng miền trong công trình của mình, thể hiện qua kiến trúc độc đáo của từng dự án và Vlasta - Sầm Sơn là một điển hình. Khu khách sạn trung tâm tại đây có thiết kế mô phỏng theo hình tượng cá voi cùng các thiết kế cảnh quan, nghệ thuật trong khu đô thị làm giàu thêm di tích Đền thờ Cá ông nằm trong khu đô thị, phản ánh rõ nét tục lệ thờ cá voi của người dân địa phương.

Ở Vlasta - Sầm Sơn, Văn Phú - Invest còn cho xây dựng cầu cảnh quan, là một công trình xã hội hóa, mở cửa tham quan tự do, làm gia tăng giá trị cho khu đô thị, trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, góp phần thúc đẩy du lịch địa phương phát triển.

Do khu đô thị nằm sát bên bờ biển nên Văn Phú - Invest đề cao việc giữ vệ sinh cho vùng biển, khu vực bãi tắm, sinh hoạt cộng đồng, đường nội khu... Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội đối với dự án của chúng tôi, giúp gia tăng giá trị cho dự án.

 
 

PV: Yếu tố liên kết vùng miền, liên kết với các khu vực xung quanh cũng rất quan trọng trong việc phát triển đô thị biển. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này? Và để giải quyết tốt vấn đề này, theo ông, quy hoạch các dự án ven biển, đô thị biển cần lưu ý những gì?

Ông Tô Như Toàn: Với thế mạnh về quy hoạch, Văn Phú - Invest không phát triển một dự án đơn lẻ mà thường hướng tới quy hoạch một khu vực có quy mô lớn, phù hợp với quy hoạch chung của địa phương. Bởi chúng tôi biết rằng, tính liên kết vùng miền có vai trò rất quan trọng đối với một dự án, một khu đô thị. 

Thực tế, chúng tôi cũng đã từng tài trợ quy hoạch cho nhiều địa phương như Hạ Long (Quảng Ninh), Thừa Thiên - Huế… nhờ đó giúp nhiều địa phương được nâng cấp lên thành phố, cải thiện bộ mặt đô thị.

Ngoài ra, Văn Phú - Invest cũng rất đề cao tính kết nối và hài hòa của dự án với khu vực xung quanh, đảm bảo sự kết nối đồng bộ giữa dự án với các vùng lân cận, nâng cấp hệ thống điện đường, trường trạm… tạo nên một hệ sinh thái đồng bộ.

Văn Phú Sầm Sơn
Dự án Vlasta - Sầm Sơn

Với quy hoạch đô thị ven biển, Văn Phú - Invest nghiên cứu địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu, cơ sở hạ tầng xung quanh cùng văn hóa bản địa từ đó có được quy hoạch phù hợp và tối ưu nhất. 

PV: Bên cạnh quy hoạch, yếu tố kiến trúc của một dự án cũng rất quan trọng. Để tạo được nét riêng, khác biệt mà đặc biệt song vẫn hài hoà với bản sắc địa phương, các dự án ven biển của Văn Phú - Invest đã thiết kế theo phong cách nào?

Ông Tô Như Toàn: Văn Phú - Invest không có một phong cách kiến trúc nhất định, các dự án trong cùng một phân khúc cũng không có thiết kế giống nhau, bởi điều này sẽ tạo ra sự rập khuôn, cứng nhắc. Mỗi công trình của chúng tôi là một quá trình nghiên cứu chuyên sâu để tạo nên những bản thể khác nhau.

Kiến trúc của 1 dự án phụ thuộc rất nhiều vào địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng và đặc biệt là văn hóa bản địa từ đó có các sản phẩm tạo nên nét chấm phá khác biệt, giàu bản sắc. Khách sạn trung tâm Vlasta - Sầm Sơn là một dẫn chứng điển hình.

-       Trân trọng cảm ơn chia sẻ của ông!

 
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top