Aa

Thúc đẩy xã hội hóa đầu tư hạ tầng hàng không: Cần thiết nhưng “không có đường đi“

Chủ Nhật, 25/06/2023 - 07:39

Sự phát triển của sân bay Quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) là minh chứng của hiệu quả xã hội hóa hạ tầng hàng không. Song nhiều năm qua, vẫn chưa có thêm những cảng hàng không được xã hội hóa, bởi "chưa có đường đi".

 Nếu thực hiện xã hội hóa thành công, sức mạnh tài chính nhân lên đến 8 - 9 lần

Ngày 23/6, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm “Huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng hàng không”. Tại đây, khi nói về Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh), sân bay quốc tế đầu tiên do tư nhân làm theo hình thức BOT, ông Cao Tường Huy, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định: “Chúng tôi đã sử dụng tư duy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kiên trì thực hiện tái cơ cấu đầu tư công”.

Nhờ đó, ông Huy khẳng định, dự án sân bay Quốc tế Vân Đồn đã thành công, trung bình 1 đồng ngân sách bỏ ra thì dự án thu hút được 8 - 9 đồng ngoài ngân sách đầu tư cho tỉnh Quảng Ninh.

“Từ năm 2014 đến nay, chúng tôi huy động được trên 140.000 tỷ đồng đầu tư phát triển hạ tầng, nếu theo phương thức đối tác công-tư (PPP) là 45.000 tỷ đồng.

Đến nay, Quảng Ninh đã hoàn thành 180km đường cao tốc, đầu tư thành công Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai, phát triển hạ hầng giao thông kết nối liên vùng đến tất cả các địa phương ở trong khu vực.

Trong 7 năm liên tiếp, chúng tôi đạt tăng trưởng GRDP 2 con số. Tổng mức đầu tư từ năm 2021 đến nay thu hút được khoảng 430.000 tỷ đồng, FDI thu hút được 3,61 tỷ USD, tăng gấp 3,6 lần so với cùng kỳ”, ông Huy nhắc lại thành quả.

Vân Đồn là Cảng hàng không Quốc tế đầu tiên do tư nhân làm theo hình thức BOT.
Vân Đồn là Cảng hàng không Quốc tế đầu tiên do tư nhân làm theo hình thức BOT. (Ảnh: VOV)

Chia sẻ một số bài học kinh nghiệm trong quá trình xây dựng Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, ông Huy cho biết, Quảng Ninh đã quyết tâm cải cách hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ nhà đầu tư về thủ tục pháp lý và hành chính.

Ngoài ra, chính quyền quyết liệt trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Cả hệ thống chính trị vào cuộc giải phóng mặt bằng, từ Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, đến các đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, cho đến các phân khu.

Khẳng định lại thành công của dự án Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn, TS. Nguyễn Sĩ Dũng đánh giá việc dùng đầu tư công dẫn dắt, thu hút đầu tư tư là rất quan trọng.

“Từ kinh nghiệm của Quảng Ninh, chúng ta có thể giải quyết vấn đề hạ tầng nếu thu hút được đầu tư tư nhân, bởi một đồng ngân sách thu hút 8 - 9 đồng của xã hội. Nếu xây dựng 1km đường cao tốc bằng ngân sách thì chúng ta thu hút xã hội đầu tư xây được 8 - 9 km. Nguồn lực, sức mạnh tài chính nhân lên đến 8 - 9 lần nếu chúng ta thực hiện xã hội hóa thành công”, ông Dũng nói.

TS. Dũng cũng khẳng định, cải cách hành chính rất quan trọng. Doanh nghiệp vào mà thủ tục trói chân trói tay, chỉ cố 1 - 2 năm là nản. Hơn nữa, việc giải phóng mặt bằng nhanh rất quan trọng vì công trình rẻ nhưng kéo dài sẽ đội vốn, đội giá lên.

Xã hội hóa trong xây dựng hạ tầng sân bay đã mang lại những lợi ích chắc chắn. Song thực tế, đang có một số dự án có ý định xã hội hóa hạ tầng sân bay, nhưng rất nhiều vướng mắc níu chân khiến họ thoái lui sau một thời gian “hồ hởi”.

Khó khăn vướng mắc trong thúc đẩy xã hội hóa đầu tư hạ tầng hàng không nằm ở 4 chữ: “Chưa có đường đi”

Đây là nhận định của chuyên gia hàng không Lương Hoài Nam tại tọa đàm. Cụ thể, chính quyền địa phương các sân bay đang hiện hữu như sân bay Vinh (Nghệ An), sân bay Phù Cát (Bình Định), Thành Sơn (Ninh Thuận) rất muốn thúc đẩy xã hội hóa hạ tầng sân bay để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là kinh tế du lịch. Song, vướng mắc nhất là nhà đầu tư đang mù mờ về thủ tục hành chính, đầu tư; các địa phương cũng không biết làm thế nào để thực hiện các đề án xã hội hóa.

“Sau một thời gian theo đuổi, rất đáng tiếc là các nhà đầu tư đã rút lui. Như nhà đầu tư ở sân bay Vinh nói thủ tục khó như thế này thì dừng lại. Còn doanh nghiệp bất động sản muốn đầu tư vào sân bay Phù Cát gặp khủng hoảng nên không làm nữa. Nhưng dù sao, theo như tôi nói, vẫn là câu chuyện “không có đường đi”, ông Nam chia sẻ.

Chuyên gia hàng không Lương Hoài Nam
Chuyên gia hàng không Lương Hoài Nam ( Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Theo ông Nam, vấn đề xã hội hóa hạ tầng sân bay đã có nhiều cuộc họp và chỉ đạo suốt 10 năm qua, nhưng không có thay đổi. Hiện nay mới chỉ có sân bay Vân Đồn và hai dự án nhà ga sân bay quốc tế Đà Nẵng, Cam Ranh được xã hội hóa.

Vậy đi tiếp như thế nào? Theo ông Nam, có nhiều cách xã hội hóa hạ tầng sân bay. Ở châu Âu, Mỹ và một số nước đơn giản là tư nhân hóa. Còn Nhà nước Nga thực hiện theo cách cho tư nhân thuê hai sân bay lớn Domoedovo và Vnukovo, thời hạn 30 năm, chỉ giữ lại sân bay Sheremetyevo.

Ở Ấn Độ, hai sân bay lớn nhất là New Delhi và Bombay thực hiện theo mô hình nhượng quyền, cho một tập đoàn sở hữu, có sở hữu nước ngoài, có sở hữu của Ấn Độ, có sở hữu của nhiều thành phần tham gia quản lý. Còn Campuchia thực hiện nhượng quyền cả 3 sân bay quốc tế cho tập đoàn ADP của Pháp. Tuy nhiên, Việt Nam chưa xác định rõ mô hình.

Phù Cát là một trong những sân bay đang thúc đẩy xã hội hóa hạ tầng.
Phù Cát là một trong những sân bay đang thúc đẩy xã hội hóa hạ tầng. (Ảnh: Vinwonders)

Nhưng trước hết, ông Nam nhấn mạnh, cần xác định rõ quan hệ về đất đai. Hiện Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) quan hệ với đất đai như thế nào thì nhà đầu tư tư nhân sẽ quan hệ với Nhà nước về đất đai như vậy, cùng một chính sách bởi đất đai thuộc về Nhà nước.

"Còn quan hệ về hạ tầng khu bay rắc rối hơn. Hiện nay Bộ Giao thông vận tải giao toàn bộ hạ tầng khu bay của Nhà nước cho ACV quản lý và khai thác, không nhượng quyền, không cho thuê. Nhưng tới đây, khi chúng ta thực hiện xã hội hóa hạ tầng sân bay như ở Vinh, Phù Cát, Thành Sơn thì không thể miễn phí như thế. Để công bằng, quan hệ của ACV với khu bay như thế nào thì quan hệ của nhà đầu tư xã hội hóa tới đây đối với khu bay cũng phải theo một công thức giống nhau”, ông Nam khẳng định.

Nhưng vấn đề rắc rối nhất là xử lý tài sản của ACV đối với các sân bay tới đây sẽ thực hiện xã hội hóa như thế nào? Ông Nam đánh giá thông tin này chưa rõ. Báo cáo gần nhất của Bộ Giao thông vận tải với Chính phủ vẫn có hai phương án: ACV sẽ thoái vốn hết khỏi các sân bay đó hoặc tiếp tục làm cổ đông chi phối tại các sân bay xã hội hóa. Nhưng tốt nhất ACV nên thoái ra để cho nhà đầu tư tư nhân và các liên doanh đầu tư tư nhân tham gia, vận hành.

“Phải làm rõ quan hệ về đất đai, quan hệ và cách xử lý khu bay mà Nhà nước quản lý (bao gồm đường băng và đường lăn...), vấn đề xử lý tài sản hiện hữu của ACV ở các cảng hàng không sân bay muốn xã hội hóa, thì chúng ta mới thúc đẩy được việc xã hội hóa hạ tầng hàng không. Còn nếu không, chúng ta cũng chỉ dừng lại ở vấn đề trao đổi, thảo luận”, ông Nam nhìn nhận./. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top