Aa

Thực hiện mục tiêu kép: Tài khóa vẫn còn nhiều dư địa

Thứ Năm, 29/09/2022 - 06:21

Theo ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam, để đạt được mục tiêu kép, Việt Nam phải quyết liệt phát huy vai trò của chính sách tài khóa (CSTK), đẩy mạnh giải ngân đầu tư công...

PV: Trong báo cáo cập nhật mới đây, ADB (Ngân hàng Phát triển châu Á) giữ quan điểm lạc quan về triển vọng Việt Nam. Theo ông, cơ sở của những lạc quan đó là gì?

Ông Nguyễn Minh Cường: Sự phục hồi tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2022 và dự kiến trong năm 2023 quan trọng nhất vẫn là nhờ nền tảng kinh tế vĩ mô (KTVM) ổn định. Đây có thể xem là điểm khác biệt giữa tăng trưởng kinh tế của Việt Nam so với các nước khác. Bởi nhìn chung, các động lực tăng trưởng như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ của Việt Nam cũng có sự phục hồi khá tương đồng với các nước khác trong bối cảnh những tác động tiêu cực từ đại dịch giảm đi. Nhưng điểm khác biệt là nền tảng KTVM của Việt Nam rất ổn định và nền tảng này được xây dựng trong nhiều năm qua.

Ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB.

Do đó, ngay cả trong giai đoạn đại dịch và đặc biệt là giai đoạn phục hồi sau đại dịch hiện nay, sự ổn định của nền tảng KTVM đã tạo điều kiện để kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh và bền vững. Nền tảng KTVM ổn định không chỉ tạo ra động lực cho tăng trưởng, mà còn tạo dư địa để nhà điều hành linh hoạt trong ứng phó với biến động có thể xảy ra từ giờ đến cuối năm. Đây cũng chính là cơ sở quan trọng để vừa qua, Việt Nam là nền kinh tế duy nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương được nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn, trong khi các nền kinh tế khác hoặc bị hạ xuống hoặc giữ nguyên.

Bên cạnh đó, dù còn nhiều thách thức và bất định, đặc biệt từ môi trường bên ngoài nhưng đà phục hồi nhanh hơn dự kiến của ngành dịch vụ và tiêu dùng nội địa, giải ngân vốn FDI và việc Chính phủ quyết liệt thúc đẩy giải ngân đầu tư công, NHNN tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ (CSTT) linh hoạt và thận trọng, khu vực doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh sản xuất kinh doanh... sẽ là những yếu tố giúp nền kinh tế tiếp tục phục hồi, bù đắp cho những động lực dự kiến sẽ giảm sút như xuất khẩu do ảnh hưởng của cầu trên thị trường thế giới đang yếu đi.

PV: Như vậy, việc Chính phủ lựa chọn vừa hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng vẫn phải giữ ổn định vĩ mô, tăng sức chống chịu của nền kinh tế là hợp lý?

Ông Nguyễn Minh Cường: Thực tế, bất cứ nền kinh tế nào cũng muốn cùng lúc vừa có được tăng trưởng kinh tế, vừa kiểm soát được lạm phát chứ không muốn rơi vào tình thế buộc phải lựa chọn giữa tăng trưởng và chống lạm phát.

Tuy nhiên thực tế hiện nay, khi tăng trưởng kinh tế giảm, lạm phát tăng vọt và bất định cũng gia tăng khiến cho chỉ có những quốc gia nào còn dư địa để cùng lúc đạt được cả hai mục tiêu trên mới có thể theo đuổi “mục tiêu kép” như vậy. Những nền kinh tế không còn dư địa thì buộc phải chọn một trong hai mục tiêu này và thông thường là họ buộc phải chọn chống lạm phát. Đây là thực tế mà chúng ta thấy rất rõ trong bối cảnh hiện nay, như ở các nền kinh tế Mỹ và châu Âu. Với các nền kinh tế châu Á nói chung, trong đó có Việt Nam thì chưa bị đặt vào tình thế buộc phải lựa chọn một cách khắc nghiệt như vậy, nên việc cố gắng dung hòa giữa kiềm chế lạm phát, đồng thời vẫn đảm bảo được tăng trưởng là hợp lý. Điều này thể hiện rõ nhất ở Việt Nam, khi cả CSTK và CSTT đều cố gắng hướng đến sự cân bằng đó, để đạt được cùng lúc cả hai mục tiêu.

Quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công.

PV: Đánh giá của ông về điều hành CSTT thời gian qua và dư địa các chính sách điều hành từ nay đến cuối năm?

Ông Nguyễn Minh Cường: Nhìn chung, điều hành CSTT thời gian vừa qua rất linh hoạt và hiệu quả, qua đó vừa giúp kiểm soát lạm phát, vừa có dư địa để hỗ trợ cho tăng trưởng. Điều hành tín dụng và tỷ giá của NHNN cho thấy rõ sự linh hoạt này. Cụ thể như năm nay, để vừa giúp kiềm chế lạm phát, ổn định KTVM, vừa hỗ trợ cho tăng trưởng, mức tăng trưởng tín dụng 14% là linh hoạt và hợp lý. Cùng với đó, việc giữ được tỷ giá tương đối ổn định vừa hỗ trợ tích cực cho hoạt động xuất nhập khẩu, vừa giúp cho VND ổn định hơn so với các đồng tiền khác.

Tuy nhiên nhìn về tương lai, trước mắt là từ nay đến cuối năm, dư địa điều hành CSTT giảm đi rất nhiều, đặc biệt sau lần tăng lãi suất mạnh của Fed vào tháng 9/2022 và có thể tiếp tục các lần tăng nữa trong năm nay, cùng với đó là nhu cầu vốn trong nước đang và sẽ đặt ra những sức ép lớn hơn nữa lên tỷ giá, lãi suất…

Trong khi dư địa CSTT ngày càng hạn hẹp đi thì CSTK vẫn có dư địa tương đối tích cực (bội chi, nợ công nằm trong tầm kiểm soát, thu ngân sách tốt…). Nói cách khác, dư địa về CSTT bị thu hẹp hơn nhưng Việt Nam vẫn có dư địa nhiều hơn về CSTK để thực hiện “mục tiêu kép”, không chỉ trong năm nay mà cả năm 2023.

Thế nhưng, dư địa về thời gian là điều Việt Nam đang rất cần. Có nhiều việc thực hiện rất chậm, đặc biệt là giải ngân đầu tư công, nên sẽ không hỗ trợ tốt cho phục hồi nếu không được cải thiện. Vì vậy, Việt Nam cần phải hết sức quan tâm đến vấn đề dư địa thời gian.

Hiện một số động lực tăng trưởng đang có dấu hiệu suy giảm (như tăng trưởng của khu vực nông nghiệp có thể giảm do chi phí đầu vào cao; xuất khẩu và tốc độ tăng trưởng ngành chế biến, chế tạo có thể giảm do cầu trên thị trường thế giới giảm…). Bên cạnh đó, một động lực tăng trưởng quan trọng nữa trong quý IV tới và cả năm 2023 là giải ngân đầu tư công và các gói trong Chương trình phục hồi.

Dư địa CSTK còn lớn nhưng quan trọng là hiệu quả thực hiện đến đâu. Do đó, Việt Nam phải hết sức tranh thủ thời gian từ nay đến cuối năm để thúc đẩy giải ngân đầu tư công, qua đó vừa hỗ trợ phục hồi, giúp tạo thêm việc làm trong khi điều này không tạo áp lực quá lớn ngay lập tức đến lạm phát.

- Xin cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top