Báo cáo với Phó Thủ tướng tại buổi làm việc về thực hiện Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, ngày 20/6, Bí thư Thành uỷ Hải Phòng Lê Văn Thành nhìn nhận dù địa phương đạt được kết quả tích cực trong những năm qua về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tuy nhiên, đây luôn là lĩnh vực phức tạp, khó khăn, “nếu buông lơi sẽ lại chùng xuống”.
“Môi trường đầu tư kinh doanh có phạm vi rất rộng, từ thủ tục đăng ký đầu tư, kinh doanh đến giải phóng mặt bằng, bảo đảm an ninh trật tự, hạ tầng giao thông… Vì vậy, hoạt động cải cách có lộ trình từng bước nhưng cần làm liên tục. Cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp phải cùng nỗ lực. Đặc biệt là siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ của cán bộ, công chức, xử lý những cá nhân vi phạm”, ông Lê Văn Thành chia sẻ.
Qua báo cáo về thực hiện Nghị quyết 02 của TP. Hải Phòng, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nêu ý kiến về đánh giá kết quả cắt giảm thủ tục hành chính. Triển khai đến đâu bao nhiêu thủ tục giảm, tiết kiệm bao nhiêu ngày, bỏ bao nhiêu thủ tục, giảm những gì cần thống kê cụ thể đến từng sở. Nếu không “điểm danh” được thì có nghĩa các sở chưa cải cách mà vẫn làm như cũ.
“Các bộ, ngành đã có hướng dẫn triển khai ở địa phương chưa, nếu chưa có thì tôi tin rằng địa phương vẫn làm như cũ và những vướng mắc của doanh nghiệp vẫn thế, chưa xử lý được. Địa phương làm triệt để cũng là cách gây “áp lực” lại lên các bộ, ngành để doanh nghiệp có niềm tin với Chính phủ”, ông Cung nói.
Tại cuộc làm việc, các sở, ngành của Hải Phòng, đại diện doanh nghiệp ngành thuỷ sản, vận tải, dệt may đã trao đổi trực tiếp về nhiều kiến nghị cụ thể.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng điểm nghẽn lớn nhất trong thực hiện Nghị quyết 02 tại các địa phương là quy định của các bộ, ngành. Điển hình là những luật liên quan đến đầu tư, quy hoạch, môi trường… đang làm cho địa phương rất vướng. Đây là câu chuyện “quả trứng, con gà”.
Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng Bùi Quang Hải cho hay trong quá trình giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp mà cứ áp đúng theo đúng thông tư, hướng dẫn không vận dụng linh hoạt theo thực tiễn của địa phương thì rất khó.
Chia sẻ một số quy định của Bộ Công Thương, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận xét mặc dù Bộ đã tiếp thu ý kiến cho doanh nghiệp nhưng khi triển khai thực tế vẫn rất vướng. Đơn cử như Bộ cho phép doanh nghiệp tự công bố hợp quy chất lượng sản phẩm nhưng để làm được thì doanh nghiệp lại phải hoàn thành rất nhiều giấy tờ, thủ tục liên quan, phức tạp và mất nhiều thời gian.
Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng Nguyễn Kiên Giang bày tỏ mỗi cải cách có sự đồng thuận và hợp tác của các doanh nghiệp thì kết quả sẽ nhanh hơn. Đồng thời rất cần các kênh giám sát, tiếp thu phản ánh những hành vi gây phiền hà, sách nhiễu.
“Các đồng chí cần nêu những vướng mắc thật sự trong điều hành ở địa phương là gì mà mình chưa giải quyết được. Ví dụ như mặc dù Bộ Công Thương đã cắt giảm thủ tục kiểm tra formaldehyt, dán nhãn hiệu suất năng lượng nhưng doanh nghiệp cho biết khi thực hiện vẫn rất khó khăn. Do địa phương hay do hướng dẫn của Bộ. Nếu thực tế như vậy các đồng chí rất cần phản ánh lên bộ”, Phó Thủ tướng nói.
Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) Ngô Hải Phan đề nghị khi phát hiện các bất cập, vướng mắc liên quan đến thủ tục hành chính do các bộ, ngành ban hành thì các sở, ngành của TP. Hải Phòng có thể thông tin ngay về Cục để đề nghị xử lý kịp thời.
Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng đánh giá với vị trí là một đầu mối kinh tế, cảng biển thì những kinh nghiệm, thực tế từ Hải Phòng góp phần xây dựng các chính sách trong đó có Nghị quyết 02.
Nêu thực tế, có những vấn đề thể chế đã được sửa đổi nhưng mức độ khác nhau đều còn vướng từ xây dựng pháp luật, văn bản hướng dẫn, lợi ích cục bộ, Phó Thủ tướng đề nghị đại diện các bộ ngành, hiệp hội, chuyên gia phải đưa ra một số vấn đề cụ thể liên quan đến doanh nghiệp, người dân để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo tháo gỡ triệt để, làm đến cùng.
“Phải xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành Trung ương trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn xuống địa phương”, Phó Thủ tướng nói.
Về phía địa phương, Phó Thủ tướng đề nghị UBND TP. Hải Phòng chỉ đạo, yêu cầu tất cả lãnh đạo các sở, ngành nắm vững nội dung các nhóm chỉ số, chỉ số trong Nghị quyết 02. Từ đó, chỉ rõ là việc nào thuộc địa phương, việc nào thuộc Trung ương thì mới rõ, mới chuyển biến thực sự.
“Thực hiện Nghị quyết 02 cần rất thiết thực, cụ thể, đi đến cùng. Các sở ngành phải kiến nghị lên lãnh đạo tỉnh những gì liên quan nhiều nhất đến người dân thì ưu tiên làm trước. Làm sao để doanh nghiệp thấy môi trường sản xuất kinh doanh ngày một tốt hơn. Người dân trong giao tiếp với chính quyền ngày càng thuận lợi hơn”, Phó Thủ tướng nói.