Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, trong đó nhấn mạnh nhiều giải pháp quan trọng nhằm siết chặt công tác quản lý đầu tư, tài sản công và phòng, chống lãng phí.
Một trong những điểm đáng chú ý tại nghị quyết là việc Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ tổ chức thực hiện thanh tra chuyên đề, tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ gây thất thoát, lãng phí lớn để xử lý nghiêm các sai phạm. Đồng thời, đây cũng là động thái nhằm cảnh tỉnh, răn đe mạnh mẽ đối với các bộ, ngành, địa phương trong việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính, tài sản công.

Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ tổ chức thực hiện thanh tra chuyên đề, tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ gây thất thoát, lãng phí lớn để xử lý nghiêm các sai phạm. (Ảnh minh họa: Báo Lao động)
Trước đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, xử lý các công trình, dự án kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ thất thoát, lãng phí ngân sách. Đã có 1.315 dự án đầu tư công, đầu tư ngoài ngân sách và dự án đối tác công tư (PPP) được phân loại, xử lý để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Trong đó, đáng chú ý là việc thúc đẩy hoàn thành, đưa vào sử dụng các dự án điện năng lượng tái tạo đã xây dựng nhưng chưa được vận hành, cũng như dự án chống ngập do triều tại TP.HCM.
Một số địa phương cũng đã chủ động đưa các vụ việc lãng phí nghiêm trọng vào diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cấp tỉnh để xử lý dứt điểm.
Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg về đẩy mạnh phòng, chống lãng phí. Theo đó, yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương tổng hợp ý kiến để hoàn thiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh lãng phí như: quản lý ngân sách nhà nước, tài sản công, vốn đầu tư công, vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đất đai, tài nguyên (bao gồm tài nguyên tái tạo), khoáng sản, năng lượng, tín dụng – ngân hàng, tổ chức bộ máy và quản lý nguồn nhân lực.
Đối với các dự án tồn đọng, dừng thi công kéo dài đã được các bộ, ngành, địa phương báo cáo, Thủ tướng yêu cầu phải sớm tổng hợp, phân định rõ nguyên nhân, đề xuất phương án xử lý và trình cấp có thẩm quyền xem xét. Mục tiêu là giải quyết triệt để để các dự án sớm được khai thác, phát huy hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí nguồn lực của Nhà nước và nhân dân.
Chính phủ cũng yêu cầu tăng cường cơ chế phối hợp, chia sẻ dữ liệu, xây dựng quy trình xử lý liên thông giữa các bộ, ngành, địa phương để đảm bảo phát hiện, xử lý kịp thời các vụ việc lãng phí, tiêu cực. Đồng thời, cần có cơ chế giám sát chặt chẽ giữa các cấp chính quyền nhằm ngăn chặn tình trạng lợi ích nhóm, bao che sai phạm, làm suy giảm hiệu quả quản lý nhà nước.
Các cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra được giao nhiệm vụ chủ động vào cuộc ngay khi phát hiện dấu hiệu vi phạm, không để kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.
Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính xây dựng dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí để trình Quốc hội thảo luận và thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV (dự kiến tháng 10.2025). Dự luật nhằm hoàn thiện khung pháp lý để tăng cường hiệu quả giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm có tính răn đe, nhưng vẫn đảm bảo không triệt tiêu động lực của những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, không vì vụ lợi cá nhân./.