Đi tìm sự thật
Anh Ngô Vĩ Hùng, ngụ quận 3 kể lại với PV, mới đây, anh nhận được cuộc điện thoại của một nhân viên môi giới bất động sản. Người này giới thiệu tên Văn và cho biết, hiện công ty anh có hơn 10 lô đất nền đang được ngân hàng thanh lý tại phía sau đường Trần Lão, quận 2. Do ngân hàng thanh lý nên giá bán chỉ có 18 triệu đồng/m2. Nếu khách muốn mua chỉ cần đặt cọc 100 triệu đồng rồi sau khi làm hợp đồng sẽ có sổ đỏ luôn.
“Tôi được biết, giá đất nền quận 2 khu đường Trần Lão không bao giờ có giá dưới 100 triệu đồng/m2, nên khi nhân viên kia giới thiệu vậy tôi tò mò muốn đi coi đất. Nhưng khi đi coi thì đất này hóa ra tận đường Nguyễn Xiển quận 9. Khu đất nền mà Văn giới thiệu thực chất là đất nền của khu "sốt" đất đầu năm”, anh Hùng kể.
Chiêu mượn danh ngân hàng thanh lý đang diễn ra rầm rộ tại TP.HCM. Không chỉ gọi điện quảng cáo mà ngay ở các cột điện, tường nhà dân cũng được môi giới bất động sản dán quảng cáo.
Lần theo số điện thoại từ một tấm quảng cáo trên cột điện, chúng tôi kết nối được với một nhân viên tên Thắng, giới thiệu thuộc công ty bất động sản Giao Long ở huyện Nhà Bè. Theo nhân viên này, cuối năm, ngân hàng thanh lý rất nhiều, muốn mua ở đâu cũng có mà giá lại rẻ hơn thị trường. Sau khi ngỏ ý muốn đi coi đất nền thì Thắng cho biết, hiện chỉ còn đất nền thanh lý ở huyện Bình Chánh và Hóc Môn.
Thời gian gần đây, câu chuyện tưởng như đùa này đang diễn ra khá nhiều tại TP.HCM. Chị Lê Thị Yến, ngụ quận Phú Nhuận kể, buổi sáng đang họp thì có số lạ gọi vào điện thoại, bắt máy thì đầu dây bên kia giọng một phụ nữ chào hỏi lịch sự, rồi cho biết, công ty cô ấy đang thanh lý bất động sản vì ngân hàng siết nợ, còn mấy nền bên Khu công nghiệp Tân Phú Trung, huyện Củ Chi muốn bán. Chủ đầu tư đang có nhu cầu bán tống bán tháo để lấy tiền trả nợ ngân hàng, nếu có nhu cầu sẽ bán rẻ.
“Vì làm ngân hàng, tôi liền hỏi lại là ngân hàng nào? Bị hỏi đến đường cùng, cô gái đầu dây bên kia thú thật, làm bên công ty môi giới bất động sản, công ty còn vài chục nền đất bán không được và đang bị ngân hàng đòi nợ, vì sếp lỡ vay tiền ngân hàng ôm đất, giờ giá xuống nên tìm cách bán lỗ…”, chị Yến kể.
Có một kịch bản chung là khi tới coi đất và tìm hiểu thông tin thì được biết, đất nền mà môi giới quảng cáo không phải do ngân hàng thanh lý mà chỉ là đất phân lô bán nền tự phát.
Liên hệ với đại diện một ngân hàng được giới môi giới cho biết đang thanh lý, đại diện ngân hàng này khẳng định chưa bao giờ thanh lý đất nền, đặc biệt là đất nền phân lô. “Đất nền phân lô làm gì có sổ cũng như giấy từ chứng từ để cấm cố ngân hàng cho vay”, đại diện ngân hàng này cho biết.
Bà Nguyễn Thúy Hằng, nhân viên ngân hàng BIDV cho biết, thực chất, ngân hàng vẫn có đất thanh lý, tuy nhiên, đó là những lô đất có sổ rõ ràng, do cá nhân hay doanh nghiệp cầm cố, không có khả năng trả nợ mới phát mãi thanh lý. Tuy nhiên, những lô đất thanh lý thực sự rất ít, khi phát mãi thanh lý thì ngân hàng sẽ thông báo trên truyền thông và thực hiện đấu giá chứ không thông qua môi giới nhà đất.
“Đây chỉ là chiêu trò của dân môi giới nhằm lừa gạt khách hàng”, bà Hằng nói.
Đủ chiêu bán đất nền cuối năm
Thị trường cuối năm đang sôi động ở tất cả các phân khúc, trong đó có cả đất nền. Cũng từ đây, có đủ chiêu mà dân môi giới đưa ra để bán đất nền, đơn cử như việc quảng cáo dự án tại quận 7 nhưng rồi khi khách hàng lên xe ô tô đi coi dự án thì dân môi giới đưa thẳng xuống trung tâm tỉnh Long An coi đất.
Hay như mới đây, cả tuyến phố trên đường Số 8, khu K300, quận Tân Bình nhận được những tờ giấy bán đất nền trước cửa nhà với nội dung: “Đi Mỹ định cư, cần bán gấp đất nền Hóc Môn giá 199 triệu đồng”. Mẫu giấy quảng cáo kèm theo số điện thoại để người dân liên hệ.
Anh Nguyễn Văn Quang gọi vào số điện thoại trên tờ quảng cáo, đầu dây bên kia là một nam giới bắt máy cho biết, đang có lô đất rộng 45m2 tại đường Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn muốn bán, giá là 350 triệu.
“Tôi hỏi sao quảng cáo giá 199 triệu đồng, người thanh niên kia nói, giá đó là đất nông nghiệp, đã bán hết rồi, còn đây là đất phân lô trong quy hoạch 1/500. Hỏi về việc có phải đi Mỹ nên bán đất thì người thanh niên kia nói, chỉ quảng cáo cho vui, tại lỡ mua mấy lô đất nền cách đây mấy tháng, giờ đất xuống giá, nên phải tìm cách bán”, anh Quang kể.
Không chỉ những chiêu quảng cáo bán đất nền như trên, nhiều cò đất còn tìm tới cổng các khu công nghiệp đặt bàn tư vấn bán đất cho công nhân, ai có nhu cầu mua đất, họ sẵn sàng thuê ô tô chở thẳng xuống dự án coi đất nền. Nếu chấp nhận mua đất sẽ tặng ngay chiếc điện thoại iPhone 6…
Một ngày nhận hàng chục cuộc điện thoại mời mua đất nền, anh Trần Thanh Tùng, ngụ quận Bình Thạnh bức xúc, không biết sao mà họ lại có số điện thoại, để rồi không kể giờ giấc đều bị gọi điện mời mua đất. Có hôm 13h trưa, đang ngủ có số lạ gọi tới hỏi đúng tên họ, địa chỉ nhà anh rồi mời mua đất.
“Nhà tôi ở hẻm 202, đường Nguyễn Xí. Tối hôm thứ bảy vừa rồi, có cậu thanh niên thập thò từng nhà một rồi nhét mẫu giấy gì đó vào các nhà. Tưởng kẻ gian, người dân cả hẻm gọi điện cho nhau vây bắt. Sau khi bị bắt, cậu thanh niên kia mới thú thật, mình là "cò" đất, đi phát tờ giấy giới thiệu bán đất nền”, anh Tùng kể.
Nói về những chiêu trò của giới "cò" đất nền hiện nay, ông Nguyễn Huy Vũ, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản BV Land cho biết, hiện nay, cơn sốt đất nền đã đi qua và hệ quả của cơn sốt đã hiện rõ.
Ông Vũ chỉ rõ, cơn sốt đất vừa qua đa phần là do giới đầu cơ tung chiêu làm giá, họ không nghĩ rằng thị trường đi xuống quá nhanh như vậy. Nhiều nhà đầu cơ chưa kịp thoát hàng, tiền ôm đất đa phần là tiền đi vay mượn, nên giờ đẩy hàng không kịp, chủ nợ bủa vây, buộc họ phải tìm mọi cách để có thể bán hết số hàng đã ôm. Chính vì vậy, chuyện xuất hiện những lời quảng cáo bán đất “độc lạ, khôi hài” xuất hiện nhiều tới như vậy.
“Đây mới chỉ là bắt đầu của hệ lụy cơn "sốt" đất đi qua. Trong thời gian tới, sẽ còn nhiều câu chuyện cười ra mước mắt nữa, mà những nhà đầu tư đất nền nghĩ ra để bán đất”, ông Vũ nói.