Chuyển đổi số trong xây dựng, bất động sản đem lại lợi ích khổng lồ
Dịch Covid-19 đã khiến phần lớn hoạt động cuộc sống thường ngày dịch chuyển lên các nền tảng trực tuyến, đồng thời khiến lượng dữ liệu số gia tăng đáng kể. Thời gian qua, để thích ứng cũng như nắm bắt được cơ hội mới trong bối cảnh đại dịch, các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn tới chuyển đổi số.
Dù điểm xuất phát về chuyển đổi số trong xây dựng, bất động sản chậm hơn so với các lĩnh vực khác như tài chính, ngân hàng…, song đây là xu hướng tất yếu mà doanh nghiệp cần nắm bắt và chuyển đổi nhanh chóng. Những công nghệ mới như Blockchain, AI… ứng dụng vào lĩnh vực bất động sản đã và sẽ làm thay đổi mạnh mẽ cách thức giao dịch, mua bán, cho thuê và quản lý… theo hướng hiệu quả hơn, mang lại lợi ích cho xã hội.
Tại Đại hội Hiệp hội Bất động sản Việt Nam lần thứ V nhiệm kỳ 2022 - 2027 mới đây, PGS.TS. Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT đã khẳng định, bất động sản, xây dựng là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế, có vai trò quan trọng bậc nhất góp phần tăng trưởng GDP đất nước trong suốt nhiều năm qua. Quy mô của ngành là rất lớn, nhiều đề án đầu tư lên tới hàng tỷ đô với vòng đời rất dài. Thế nhưng cho đến nay, không ít lãnh đạo doanh nghiệp trong lĩnh vực này vẫn loay hoay không biết làm thế nào để quản lý vài nghìn nhà thầu phụ, hàng chục dự án đang triển khai cùng lúc.
"Điều khiến tôi bất ngờ chính là cơ hội lớn như vậy, nhưng hiện nay rất nhiều chủ đầu tư Việt Nam vẫn còn sử dụng excel để quản lý hoạt động của doanh nghiệp mình. Nếu hỏi đại diện chủ đầu tư có nắm được về thực trạng tài chính, thực trạng công trình của mình hiện tại không, có lẽ không nhiều người trả lời được ngay. Đó chính là một thách thức trước bài toán quy mô của lĩnh vực này", ông Bình băn khoăn.
Trong khi đó, ngành xây dựng, bất động sản là một trong những ngành có khả năng thất thoát nhiều nhất, đặc biệt là về nguyên vật liệu. Bên cạnh đó, làm thế nào sắp xếp nguồn nhân lực triển khai, hay làm sao để có đầy đủ dữ liệu cung cấp cho khách hàng, giúp bán hàng nhanh nhất ra thị trường cũng là những vấn đề cần giải đáp.
Vì vậy, theo PGS.TS. Trương Gia Bình, việc áp dụng chuyển đổi số trong xây dựng, bất động sản ở nước ta ở thời điểm hiện tại là vô cùng quan trọng và là một tất yếu. “Chuyển đổi số hiện nay không phải sự lựa chọn mà là điều tất yếu. Bởi chúng ta đã bước vào kỷ nguyên Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, chấm dứt thời kỳ "cá lớn nuốt cá bé", và chuyển sang "cá nhanh ăn cá chậm". Đối với ngành bất động sản, xây dựng của Việt Nam, việc chuyển đổi số sẽ đem lại lợi ích khổng lồ”, ông Bình nhấn mạnh.
Cụ thể, theo các chuyên gia, việc ứng dụng công nghệ vào mọi hoạt động của doanh nghiệp sẽ làm thay đổi toàn diện cách thức hoạt động, giúp tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và mang lại giá trị cho khách hàng. Đối với doanh nghiệp bất động sản, khi chuyển đổi số được áp dụng tốt sẽ giúp giảm chi phí giao dịch và quản lý; tăng khả năng tiếp cận thị trường, thông tin, dữ liệu, hợp tác, kết nối; tăng cơ hội kinh doanh mới; tăng khả năng tham gia chuỗi giá trị khu vực và trong nước; giúp các nhà đầu tư dự án bất động sản có thể xây dựng dự án, tổ chức thi công xây dựng nhanh chóng. Đặc biệt, việc áp dụng chuyển đổi số cũng sẽ mang lại lợi ích trong việc kiểm soát thông tin đất đai, nhằm đảm bảo tính minh bạch. Đây cũng là một trong những giải pháp đã được đưa ra sau những cơn sốt đất liên tục gần đây, khi giá đất bị đẩy lên cao chỉ vì thiếu nguồn tin chính xác.
Cũng bởi vậy mà hiện nay, một số tập đoàn như Coteccons, Đất Xanh, TNR… đã bắt đầu quá trình chuyển đổi số và đem lại hiệu quả lớn, tiết kiệm thời gian (30%), tiết kiệm tiền bạc, nguồn nhân lực, vòng quay vốn nhanh. Đặc biệt như Vingroup, nhờ ứng dụng chuyển đổi số sớm mà tốc độ triển khai dự án của doanh nghiệp được đẩy lên nhanh chóng, ngay cả nước ngoài cũng phải ngạc nhiên.
Giải pháp cho bài toán chuyển đổi số
Chủ tịch Tập đoàn FPT cho biết, sản phẩm hàng đầu ứng dụng trong chuyển đổi số bất động sản như ERP - một sản phẩm được xem là tiêu biểu của chuyển đổi số trên toàn thế giới với tên tuổi danh giá, nhưng cũng chỉ giải quyết được 1/5 công việc khi áp dụng. Đặc biệt việc ứng dụng ERP vào ngành bất động sản Việt Nam để giải quyết những vấn đề tài chính thì ổn, do tính chất tương tự về tài chính của các doanh nghiệp trong nước so với các công ty bất động sản quốc tế; nhưng về thủ tục thì chưa ổn do ngành bất động sản tại Việt Nam có rất nhiều yêu cầu khác nhau, với những đặc thù riêng biệt. Thậm chí, ngành bất động sản nước ta còn phức tạp đến mức khi đi trình bày cơ hội thành công đến các công ty Nhật Bản, họ cũng không làm nổi.
Tuy nhiên, chính những đặc thù riêng mang nhiều tính chất phức tạp của ngành bất động sản Việt Nam lại tạo nên cơ hội cho người Việt, sức Việt kết hợp để giải quyết bài toán lớn ngay trong nước. Theo đó, đã có không ít những công ty công nghệ Việt tham gia vào việc phát triển công nghệ bất động sản, nổi bật là Tập đoàn FPT khi đã đưa ra được những giải pháp giúp giải quyết tương đối trọn vẹn bài toán này.
"Chúng tôi đã tìm ra giải pháp chuyển đổi số toàn diện cho ngành xây dựng, bất động sản Việt Nam. Rất may mắn cho FPT là chúng tôi đi hai chân: Một chân trong nước và một chân ở nước ngoài. Qua 20 năm hợp tác quốc tế, chúng tôi đã tích lũy được nhiều điều. Thế giới thay đổi rất nhanh nên chúng tôi cũng học được các ngón nghề của nước ngoài. Đặc biệt, chúng tôi đã hợp tác với một tập đoàn lớn của Singapore để triển khai chuyển đổi số toàn diện hệ thống của họ từ xây dựng, bất động sản, khách sạn nhà hàng, giải trí, siêu thị... Với nhận thức về công nghệ số, kết hợp kinh nghiệm quốc tế với thực tiễn kinh doanh bất động sản ở nước ta, chúng tôi cũng đã đi vào tìm lời giải cho bài toán của Việt Nam", ông Trương Gia Bình cho biết.
Theo đó, FPT đã chuyển đổi số cho 150 quy trình đặc thù của ngành bất động sản, chưa kể đến hàng trăm quy trình khác về quản trị; đưa ra thị trường robot akaBot có khả năng làm việc thay con người 24/7 và đem lại năng suất khổng lồ. Ông Trương Gia Bình cho biết, hiện nay sản phẩm này cũng đang đứng ở vị trí top 10 trên thế giới.
Nhận thấy thủ tục hành chính là một trong những vấn đề đang gây nhiều khó khăn, mất thời gian, ảnh hưởng đến việc triển khai dự án của doanh nghiệp bất động sản; chưa kể nước ta không có một quy trình quy định thời gian cụ thể, ở mỗi cấp từ Trung ương đến địa phương lại thực hiện khác nhau, nên việc áp dụng công nghệ sẽ là giải pháp tối ưu, giúp nắm bắt được quy trình này tắc ở đâu để tháo gỡ ở đó.
Bên cạnh vấn đề thủ tục, ngành xây dựng bất động sản ở Việt Nam còn có đặc điểm là sau khi đã hoàn thiện thiết kế, vẫn còn tiếp tục điều chỉnh, sửa chữa rất nhiều lần. Đây là khâu tiêu tốn nhiều chi phí cho công trình, dự án.
“Chúng ta có thể đấu thầu rất nghiêm túc nhưng sau đó, việc sửa chữa chiếm thêm chi phí rất lớn, tuy nhiên lúc này lại không có hệ thống chuyển đổi số nào tính chính xác được chi phí tốn thêm là bao nhiêu, sửa chữa hết bao nhiêu tiền, có hiệu quả hay không. Vì vậy, chúng tôi đã tích hợp hàng vạn SPU để tính toán chi tiết, kiểm soát tiến độ, kiểm soát thất thoát vật liệu… Chúng tôi đã giải quyết trọn vẹn bài toán chuyển đổi số lĩnh vực bất động sản tại nước ta. Đồng thời cũng đưa ra những giải pháp cho đô thị thông minh, khu công nghiệp thông minh, nhà ở thông minh, cửa hàng thông minh”, ông Bình cho biết.
Có thể thấy, việc định hướng xây dựng hệ sinh thái công nghệ bất động sản là “nước cờ chiến lược” giúp gia tăng lợi thế cạnh tranh, tối ưu nguồn lực và chi phí; để người mua, người bán kết nối với nhau dễ dàng; giảm bớt quy trình thủ tục, giảm bớt tranh chấp, giải quyết được cả những vấn đề liên quan đến tín dụng...
Trong giai đoạn tới, Chủ tịch Tập đoàn FPT bày tỏ mong muốn sẽ cùng với Hiệp hội Bất động sản Việt Nam có những hợp tác chung, đi vào các vấn đề như nhà thông minh tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, đem lại thực tiễn quan trọng nhất cho người dùng và cũng là dấu ấn của thời đại./.