NHIỀU MỤC TIÊU ĐÃ ĐƯỢC ĐẶT RA CHO QUY HOẠCH ĐÔ THỊ
Để thúc đẩy quá trình đổi mới, hội nhập sâu rộng vào khu vực và quốc tế, cùng với nhận thức sâu sắc về vai trò, vị thế và tầm quan trọng của quá trình đô thị hóa, Đảng và Nhà nước ta luôn có sự quan tâm đặc biệt đến quá trình này.
Cùng với các chiến lược, chương trình thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều Nghị quyết, chương trình nhằm định hướng, chỉ đạo thực hiện quá trình đô thị hóa thành công.
Cụ thể, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, đặt nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, chỉ rõ: “Việc phát triển đô thị, các dự án kinh doanh bất động sản phải phù hợp với quy hoạch, nhu cầu của thị trường. Đẩy mạnh phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội để từng bước cải thiện điều kiện nhà ở của nhân dân...”.
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã chỉ rõ: “Từng bước hình thành hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, xanh, thân thiện với môi trường, nhất là các đô thị lớn. Nâng cao chất lượng và quản lý tốt quy hoạch đô thị, bảo đảm phát triển bền vững…”, với mục tiêu “tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2020 đạt 38 - 40%”.
Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, chỉ rõ: “Thực hiện có hiệu quả quá trình đô thị hóa trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; kiểm soát chặt chẽ quá trình phát triển đô thị, hoàn thiện mô hình phát triển kinh tế đô thị, tổ chức bộ máy chức năng nhiệm vụ và phương thức quản lý của chính quyền đô thị”.
Nghị quyết số 64/NQ-CP ngày 22/7/2016 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã xác định: “Phát triển đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, bền vững, thân thiện với môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của các đô thị”…
Đặc biệt năm 2017, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Luật Quy hoạch. Từ đó đến nay, Chính phủ đã có các nghị quyết, chỉ thị, chỉ đạo triển khai Luật Quy hoạch để đưa Luật vào cuộc sống…
Tuy nhiên, đây là bước khởi đầu đổi mới tư duy trong công tác quy hoạch theo hướng tích hợp đa ngành nên cũng còn có những bỡ ngỡ, khó khăn để đạt hiệu quả như mong muốn.
Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quy hoạch tổ chức ngày 19/8/2021 đã nhận định, đến nay, các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 như quy hoạch tổng thể quốc gia đang ở giai đoạn hoàn thiện khung định hướng; về các quy hoạch ngành quốc gia, các bộ, ngành đã lập, thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 36/3.814 nhiệm vụ; về quy hoạch tỉnh đã có 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch… Theo kế hoạch trong năm 2021, có 19/38 quy hoạch ngành quốc gia, 1/6 quy hoạch vùng, 26/63 quy hoạch tỉnh hoàn thành công tác lập, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, các quy hoạch còn lại sẽ được hoàn thành trong năm 2022.
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã khẳng định, công tác quy hoạch rất quan trọng; quy hoạch phải đi trước một bước, phải bám sát tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của các bộ, ngành và đặc biệt là các địa phương để phát triển bền vững... Công tác quy hoạch hiện nay nhằm cụ thể hóa một bước Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Luật Quy hoạch 2017, do đó quy hoạch phải bám sát tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của các bộ, ngành và đặc biệt là các địa phương để phát triển bền vững. Làm tốt công tác quy hoạch đồng thời cũng nhận rõ những khó khăn, thách thức của ngành, địa phương, đơn vị mình, từ đó có quy hoạch phát triển kinh tế phù hợp. Có quy hoạch tốt mới có dự án tốt, có dự án tốt mới có nhà đầu tư tốt, sử dụng hiệu quả đầu tư công và phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả…
Trong bối cảnh, đại dịch Covid-19 đã, đang tác động tiêu cực đối với mọi hoạt động kinh tế - xã hội toàn cầu và Việt Nam. Dường như hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế đều chịu tác động tiêu cực, trong đó có ngành xây dựng, phát triển đô thị.
Tuy nhiện, đại dịch Covid-19 không phải không có những tác động tích cực như giãn cách xã hội giúp mọi người sống chậm, gần gũi nhau hơn; môi trường đô thị được cải thiện; cách thức làm việc trong hệ sinh thái công nghệ, chính phủ điện tử, thông minh, kinh tế số được thúc đẩy nhanh hơn… buộc chúng ta phải xem xét lại quá trình phát triển trên nhiều lĩnh vực có liên quan, trong đó có phát triển đô thị cả trên bình diện tiêu cực và tích cực mà đại dịch Covid-19 mang lại…
QUY HOẠCH TRONG BỐI CẢNH MỚI CẦN TRIỂN KHAI RA SAO?
Một câu hỏi đặt ra là, thời gian tới trong bối cảnh con người phải chấp nhận sống chung với biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, nhất là sống chung với dịch Covid-19, mô hình phát triển đô thị như hiện nay liệu có bị tác động?
Thời gian tới, trong chiến lược phát triển đô thị, tôi cho rằng Nhà nước cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong việc triển khai lập các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030; khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan đến quy hoạch cho phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch; tập trung nghiên cứu xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch. Đặc biệt là về sự phối hợp, kết nối, liên thông, tích hợp đồng bộ, hài hòa giữa quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành, lĩnh vực...
Dưới đây là một số giải pháp cụ thể:
Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật, tiêu chuẩn quy chuẩn về quy hoạch, quản lý phát triển đô thị phù hợp với nhu cầu phát triển mới. Đây là bước quan trọng, đột phá mang tính chiến lược, tạo cơ sở là đòn bẩy để đô thị bứt phá đi lên.
Trước mắt cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng năm 2014, Luật Đất đai năm 2013, Luật Đầu tư năm 2014; Luật Quy hoạch Đô thị năm 2009; Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị; Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng để bảo đảm phù hợp với Luật Quy hoạch (số 21/2017/QH14 của Quốc hội), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến Luật Quy hoạch (số 35/2018/QH14 của Quốc hội), Nghị định số 37/2019/NĐ-CP, ngày 07/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ “Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch”.
Thứ hai, nghiên cứu lập “Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn” (Định hướng Quy hoạch hệ thống Đô thị Quốc gia) theo cách tiếp cận mới, phù hợp với Luật Quy hoạch và Nghị định số 37/2019/NĐ-CP. Phát triển hệ thống đô thị Quốc gia trên cơ sở kế thừa những ưu điểm, khắc phục những tồn tại của quá trình đô thị hóa thời gian qua, các yêu cầu phát triển mới để điều chỉnh, đổi mới mô hình phát triển đô thị, cũng như kịch bản phát triển theo giai đoạn (2021 - 2025, 2026 - 2030), phân bố hợp lý, kết nối tốt, hiện đại có bản sắc, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, dịch bệnh phát triển hệ thống đô thị theo Mô hình mạng lưới, tăng trưởng xanh, thông minh và bền vững.
Tiếp tục thúc đẩy phát triển các vùng đô thị hóa cơ bản, ưu tiên phát triển các vùng đô thị lớn (vùng Thủ đô Hà Nội, vùng TP.HCM, vùng đô thị Đà Nẵng, vùng đô thị sân bay Long Thành); các chuỗi, chùm đô thị, các đô thị lớn, cực lớn; các khu kinh tế cửa khẩu, ven biển là hạt nhân, động lực quan trọng của Quốc gia.
Từng bước thực hiện các mục tiêu phát triển đô thị thông minh, hoàn thành giai đoạn 1 theo Quyết định số 950/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ,phấn đấu đến năm 2025 xây dựng được 1 đô thi thông minh đại diện cho mỗi vùng kinh tế trọng điểm. Xây dựng và phát triển các đô thị trung tâm vùng, tạo sự kết nối, phát huy có hiệu quả vai trò của các trung tâm theo từng vùng và địa phương.
Liên kết hiệu quả Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn với các chiến lược, chương trình đầu tư phát triển đô thị Quốc gia, thúc đẩy việc hiện thực hóa tầm nhìn và đóng góp có hiệu quả của quá trình đô thị hóa, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội Quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.
Thứ ba, nâng cao chất lượng hạ tầng đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, đảm bảo khả năng tiếp cận và cải thiện môi trường đô thị. Trong thời gian tới, để đạt được các mục tiêu về phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, bên cạnh việc tiếp tục triển khai và hoàn thành các công trình, dự án hạ tầng lớn thì việc đề xuất các giải pháp toàn diện, trong đó có đề xuất về cơ chế, chính sách để quản trị, huy động vốn đầu tư là vấn đề cấp thiết đối với Việt Nam nói chung, các đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị nói riêng.
Thứ tư, nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch đô thị. Trước mắt cần đổi mới phương pháp lập quy hoạch theo hướng tích hợp, đa ngành. Trên cơ sở đó điều chỉnh quy trình lập, thẩm định, phê duyệt và nâng cao chất lượng sản phẩm quy hoạch. Phương pháp tiếp cận mới cần được định hướng mở, tạo sự linh hoạt nhưng có tầm nhìn chiến lược, bền vững để quản lý, phát triển đô thị hiệu quả, đảm bảo yêu cầu công bằng xã hội…
Thứ năm, đổi mới mô hình, nâng cao hiệu quả, chất lượng quản lý phát triển đô thị. Bồi dưỡng năng lực sử dụng các kỹ thuật hiện đại để quy hoạch phát triển đô thị và thiết kế hạ tầng, tham khảo triệt để kinh nghiệm quốc tế và tận dụng các nguồn lực tài chính dành cho chương trình phát triển đô thị. Mục đích là để bồi dưỡng năng lực trong giai đoạn 2021 - 2025 tập trung nâng cao năng lực chuyên sâu và thực hiện thay đổi chính sách. Từ đó, xây dựng nền tảng để nhanh chóng đạt được kết quả phát triển đô thị trong giai đoạn 2026 - 2030, đảm bảo khả năng cạnh tranh về mặt kinh tế, bền vững môi trường, phát triển bào trùm xã hội, bảo tồn đặc trưng văn hóa và thích ứng với biến đối khí hậu, phòng chống thiên tai, dịch bệnh...
Thứ sáu, lao động lực tăng trưởng, năng lực cạnh tranh cho từng đô thị và từng vùng đô thị hóa cơ bản…Trong môi trường phát triển mới các đô thị ở các cấp độ và quy mô khác nhau cùng phải cạnh tranh để thu hút vốn, chất xám để tiếp tục tồn tại và phát triển. Cạnh tranh đô thị về cơ bản là nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư và điều kiện kinh doanh, chất lượng cung cấp dịch vụ thông qua các nỗ lực quản lý đô thị. Các chính quyền đô thị cần có cơ sở thông tin minh bạch, tin cậy mang tính hệ thống để ra quyết định cũng như theo dõi và giám sát theo định hướng tính cạnh tranh tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng để đáp ứng nhu cầu trong quá trình hội nhập và phát triển./.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Quy hoạch, số 21/2017/QH14 của Quốc hội.
2. Luật sử đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến Luật Qui hoạch, số 35/2018/QH14 của Quốc hội.
3. Nghị định số 37/2019/NĐ-CP, ngày 07/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ “Qui định chi tiết thi hành một số điều của Luật Qui hoạch”.
4.Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045/Bộ Chính trị (khóa XII).
5. Quyết định số 950/QĐ – TTg, ngày 01/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030.
6. Điều chỉnh định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050/QĐ số 445/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ.
7. Điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050 (có tính đến BĐKH)/Viện Qui hoạch Đô thị Nông thôn Quốc gia (VIUP)
8. Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quy hoạch (TTXVN)