Aa

Thương hiệu giả bủa vây "giết chết” thương hiệu thật

Thứ Ba, 26/11/2019 - 05:50

Giả giả thật thật đang trở thành ma trận bủa vây người tiêu dùng khi thương hiệu thật bị thương hiệu giả đánh cắp một cách trắng trợn và công khai.

"Thay tên, đổi họ" để giống thương hiệu thật

“Nhà hàng Đắc Kim thông báo cửa hàng bún chả số 1 Hàng Mành bên cạnh là giả mạo, xin quý khách lưu ý”... Khi đọc những dòng chữ này nhiều người thắc mắc, chuyện "buôn có hội, bán có phường" vốn chẳng lạ lùng trong văn hóa kinh doanh của người Việt cớ sao chủ quán bún chả này lại gay gắt đến như vậy.

Thông báo dán trên tường tại cửa hàng bún chả Hàng Mành thật

Cô Nguyễn Thành Huyền, con gái ông Đắc và bà Kim, người quản lý cửa hàng bún chả số 1 Hàng Mành Đắc Kim chia sẻ, Đắc Kim là tên của ông bà, ông Đắc và bà Kim. 

Quán đã có từ năm 1966, khách hàng vào nhà mình họ có nói rằng là 2 quán bên cạnh có phải là cơ sở của mình không, mình có nói không có. Họ lại bảo sao sang đó ăn họ lại bảo đây là quán của em ông Đắc. Khi họ đã nói như vậy rồi thì mình không thể nào đi giải thích với từng khách hay mình sang để cãi nhau được nên mình buộc phải treo một cái biển như vậy”, cô Huyền nói.

Theo cô Huyền, gia đình đã làm đủ cách để phòng vệ, từ việc in bằng cả tiếng Anh cho du khách nước ngoài hiểu, tới trưng bày đủ thứ giấy tờ, chứng nhận mình mới là quán bún chả số 1 Hàng Mành đích thực nhưng chỉ cần nhìn sang đối diện, khách hàng sẽ dễ bị nhầm tưởng hai quán cùng một chủ. Vì từ màu sắc biển hiệu đến cái tên số 1 Hàng Mành cũng không khác gì nhau, chỉ khác quán nhân bản có chữ “ngon” nhỏ tới mức căng mắt ra mới thấy được. Họ lấy tên là số 1 Hàng Mành dù địa chỉ của họ là số 2, số 3…

Cửa hàng bún chả Hàng Mành giả có thêm chữ "number one" khác với cửa hàng thật

Cô Huyền giãi bày: “Tên phố là tên chung nên mình không thể đề tên là “bún chả Hàng Mành” được. Trước khi tôi đăng ký thương hiệu có trình bày với họ, hiện tại mình đang bị rất nhiều cơ sở nhái nên họ cũng rất ưu ái cho đăng ký thành “bún chả Hàng Mành Đắc Kim" nhưng họ vẫn cạnh tranh trái đạo đức như vậy thì đành phải chịu thôi, chứ không biết làm như thế nào”.

Hà Nội không hiếm những cửa hàng mượn danh gia truyền, chính hiệu nhằm đánh lạc hướng khách hàng mà chính xác là cạnh tranh không lành mạnh. Một cửa hàng thành công là cả phố "ăn theo". "Ăn theo" cả đến cái tên, địa chỉ.

Tại đường Láng có một dãy phố bán bún bò Huế, trong đó, nổi tiếng nhất là “Quán 47 Bún Bò Huế”. Chủ quán 47 “thật” chia sẻ, đây là quán 47 thật, còn các quán bên cạnh nằm ở địa chỉ khác như 57, 65 nhưng vẫn treo biển “Quán 47 Bún Bò Huế”. 

Khi được hỏi lý do những quán này vẫn tồn tại và không báo với các cơ quan quản lý thì người quản lý ở đây lắc đầu nói: “Do gia đình chưa đăng ký thương hiệu nên họ mở vậy thì đành chịu và cứ cạnh tranh vậy thôi”.

Chính vì nguyên nhân này mà đoạn đường có các “Quán 47 Bún Bò Huế” trên đường Láng thường xuyên xảy ra tình trạng chèo kéo khách. Nhân viên liên tục đứng dưới lòng đường vẫy tay, miệng nói “anh/chị ơi vào đây, vào đây” và không quên lôi kéo xe, quần áo của khách.

Hay như phố Bà Triệu, người đi đường sẽ thấy hàng chục quán với cái tên “Lạc rang húng lìu bà Vân” na ná giống nhau từ biển hiệu, lời quảng cáo tới cách bầy bán sản phẩm. Mọi người hay nói vui với nhau đây là con phố có nhiều tên Vân nhất Việt Nam.

Thương hiệu bà Vân "giả" xuất hiện rất nhiều trên phố Huế

Nào cô Vân, bà Vân, chị Vân, rồi cả cụ Vân. Khi khách hàng hỏi mua thì họ đều kèm câu khẳng định chắc nịnh: "Yên tâm, hàng chính hiệu". Chính vì vậy, người mua hàng mỗi khi lên phố muốn mua một gói lạc rang làm quà khá bối rối giữa ma trận "phố lạc". Ở đây, mọi tấm biển đều khẳng định thương hiệu của mình là "duy nhất", "bà Vân chính gốc" kèm thêm tấm ảnh của những bà Vân nào đó được trưng ra để tạo thêm phần uy tín.

Cách đây 5 năm, khi thấy nhiều cửa hàng đề biển “Lạc rang húng lừu bà Vân”, cụ Vân “thật” đã đi đăng ký bản quyền nhưng các cửa hàng còn lại vẫn để tên như cũ vì theo họ nhà cũng có người nhà tên Vân nên cứ thích đặt biển hiệu thế thôi.

Những thương hiệu gia truyền cho tới ngày nay đều trải qua thời gian thử thách khốc liệt mới có thể chiếm được lòng tin và sự yêu thích của khách hàng, do đó thật không công bằng nếu buông lỏng quản lý để cho những cơ sở kinh doanh giả mạo mượn tên tùy tiện để phục vụ cho lợi ích kinh doanh trước mắt và làm xấu đi hình ảnh thương hiệu lâu năm mới có thể xây dựng được.

Luật pháp quy định như thế nào?

Theo ý kiến của luật sư, nếu thương hiệu chưa được bảo hộ thì không thể coi là ăn cắp vì chưa ai thừa nhận quyền sở hữu. Xét về góc độ pháp luật thì chưa có sự vi phạm ở đây xảy ra bởi chưa thừa nhận quyền sở hữu của chủ đối với nhãn hiệu đó nên không thể nói là họ ăn cắp. Còn về đạo đức, đó là phạm trù rất rộng, tùy theo định nghĩa và quan điểm của mỗi cá nhân, nhưng ở một góc độ nào đó thì họ đã vi phạm.

Còn đối với những trường hợp đã đăng ký bản quyền được quy định như sau: Hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu được hiểu là các hành vi sao chép, làm giả, sử dụng trái phép toàn bộ hoặc một phần các yếu tố chính của nhãn hiệu đang được cấp văn bằng bảo hộ.

Hành vi vi phạm nhãn hiệu được thể hiện ở các hình thức: Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng kí kèm theo nhãn hiệu đó.

Các hành vi vi phạm nhãn hiệu được cụ thể hóa trong các quy định của Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp và Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN hướng dẫn chi tiết Nghị định 99/2013/NĐ-CP. Theo đó, yếu tố đánh giá vi phạm (xâm phạm) quyền đối với nhãn hiệu, thương hiệu bao gồm:

Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu cho hàng hóa, dịch vụ trùng với hàng hóa, dịch vụ được xác định tại Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hoặc Giấy chứng nhận nhãn hiệu đăng ký quốc tế được bảo hộ tại Việt Nam hoặc Công báo đăng ký quốc tế nhãn hiệu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới;

Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu cho hàng hóa, dịch vụ tương tự hoặc liên quan; sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ kèm theo nhãn hiệu đã được xác định tại Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hoặc Giấy chứng nhận nhãn hiệu đăng ký quốc tế được bảo hộ tại Việt Nam hoặc Công báo đăng ký quốc tế nhãn hiệu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, theo đó sẽ phải xem xét khả năng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.

Với những trường hợp vi phạm sẽ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây vì mục đích kinh doanh trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm đến 3.000.000 đồng: Bán; chào hàng; vận chuyển, kể cả quá cảnh; tàng trữ; trưng bày để bán hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp;

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top