Thương hiệu trẻ BCG Land và cảm nhận về những điều khiến người ta phải nhớ đến
******
Khi tìm hiểu, tôi được biết lĩnh vực thứ nhất mà doanh nghiệp này hướng tới là bất động sản Nhà ở và Đô thị với phương châm kiến trúc độc đáo, vật liệu thân thiện với môi trường tạo nên không gian sống đẳng cấp, sang trọng, góp phần phát triển và thay đổi diện mạo đô thị tại địa phương.
Quả tình, ấn tượng đầu tiên của tôi đó là, trong số nhiều giải thưởng về bất động sản và doanh nghiệp mà BCG Land giành được thì có tới 7/13 giải thưởng là về thiết kế kiến trúc, kiến tạo phong cách sống tốt nhất. Vậy tại sao BCG Land lại đi sâu vào thiết kế, kiến trúc và giữa thiết kế, kiến trúc của BCG với phong cách sống có gì liên quan với nhau và tại sao lại được trao giải thưởng như vậy?
Phát triển các dự án nhà ở, nhất là chung cư cao tầng và khu phức hợp, đến nay không có gì là mới mẻ ở Việt Nam, thậm chí nó đã quá quen thuộc không chỉ với nhà đầu tư mà còn đối với cư dân và xã hội. Sự quen thuộc ấy là điều kiện thuận lợi với các nhà phát triển bất động sản, bởi xã hội và người dân đã định hình một lối sống mới với căn hộ chung cư và khu đô thị mới. Tuy nhiên, ngược lại nó cũng trở thành khó khăn, thách thức đối với chủ đầu tư do các dự án nhà ở phát triển nhanh và nhiều đã tạo nên sự nhàm chán bởi không có mấy sự đột phá cả từ quy hoạch đến kiến trúc và thiết kế căn hộ.
Nhìn đi nhìn lại cũng chỉ thấy những tòa building thẳng đứng cao chọc trời với những ô cửa đơn điệu. Đến mức, nói đến chung cư cao tầng là người ta nghĩ ngay đến những tòa nhà cao vòi vọi, vuông vức, ngang bằng sổ thẳng như những hộp diêm xếp chồng lên nhau, tạo thành chiếc cột khổng lồ cắm thẳng xuống đất san sát nhau.
Những năm gần đây, với sự ra đời của vật liệu và công nghệ mới đã xuất hiện những tòa nhà bao bằng vách nhôm kính. Ban đầu, loại vật liệu gọi là mới này có tạo nên sự khác lạ, hiện đại, nhưng càng về sau với sự lặp đi lặp lại, loại vật liệu này gây cảm giác vừa lạnh lẽo, vô cảm, vừa chói mắt khi phản chiếu ánh nắng mặt trời, đồng thời cũng góp phần gia tăng hiệu ứng đô thị mà điển hình là hiện tượng đảo nhiệt.
Tôi không có ý bài xích các phong cách kiến trúc này, mà nêu lên nhận xét trên chỉ để nhấn mạnh một ý, khi các dự án bất động sản nhà ở, nhất là chung cư cao tầng phát triển đến mức độ nào đó, nó sẽ trở nên bão hòa và rất khó có sự sáng tạo, rất khó tạo nên sự đột phá về thiết kế kiến trúc. Trở đi trở lại cũng chỉ có ngần ấy kiểu dáng. Trong khi đó, gần như chỉ có thiết kế kiến trúc mới có thể tạo nên phong cách ấn tượng, đặc thù của mỗi công trình.
Chất lượng, giá trị tổng thể một công trình ở thường được đánh giá thông qua chất lượng xây lắp, tiện nghi trang thiết bị và thiết kế kiến trúc; nếu mở rộng ra khu đô thị thì còn là môi trường, hạ tầng (cả hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật). Vật liệu, trang thiết bị gần như là yếu tố đầu tiên. Nhất là xu hướng của cuộc cách mạng 4.0 với công nghệ số, xã hội số, ứng dụng trong xây dựng là thành phố thông minh, ngôi nhà thông minh..., thì không thể xem nhẹ vật liệu và trang thiết bị, công nghệ, nếu không muốn nói là từ góc độ nào đó, nó còn đóng vai trò then chốt tạo sự tiện nghi và phong cách sống cho cư dân. Tôi ấn tượng với lựa chọn và quyết tâm ứng dụng vật liệu và trang thiết bị của BCG Land.
Tuy nhiên, các nhà phát triển bất động sản không trực tiếp tạo ra thiết bị và công nghệ, thậm chí cả vật liệu, mà họ phải đặt hàng hoặc mua trên thị trường. Điều đó có nghĩa, các nhà đầu tư bất động sản có sự lựa chọn là như nhau, ngang nhau đối với các yếu tố trên. Thậm chí, ngay cả đối với vận hành tòa nhà hay trong lĩnh vực thiết kế kiến trúc, các nhà phát triển bất động sản cũng có sự lựa chọn ngang nhau, tức là có thể cùng chọn nhà thiết kế, nhà vận hành cho công trình của mình khi đưa vào sử dụng.
Vậy điều gì làm nên sự khác biệt, hay điều gì tạo nên phong cách cho mỗi công trình, mở rộng ra là mỗi khu đô thị, trong khi càng ngày phong cách càng là yếu tố đặc thù tạo nên sự khác biệt và thu hút khách hàng, thu hút cư dân, tạo nên chất lượng sống cho cộng đồng cư dân. Đó chính là nằm ở khâu thiết kế kiến trúc, hay nói chính xác hơn, nó nằm ở triết lý, ý tưởng, nhân sinh quan của nhà phát triển bất động sản và thể hiện, phản ánh đậm nét nhất ở khâu thiết kế kiến trúc.
Như đã phân tích, các nhà phát triển bất động sản gần như ngang bằng nhau trong việc lựa chọn công ty thiết kế, kiến trúc sư. Nhưng cái khác nhau, làm nên tính độc đáo của mỗi dự án, mỗi công trình, thậm chí là mỗi ngôi nhà, căn hộ lại chính là ở ý tưởng thiết kế và lựa chọn thiết kế, kiến trúc cho công trình của mình. Cùng hợp tác với một kiến trúc sư, công ty thiết kế, nhưng công trình thế nào lại là do chủ đầu tư, mà trong đó quan trọng là triết lý, tư duy, quan điểm và mục tiêu hướng đến.
Bởi thế, tôi rất thích "Tuyên ngôn" của ông Tan Bo Quan, Andy - Chủ tịch HĐQT BCG Land: "Khát vọng của chúng tôi là định hình lại phong cách sống trong tương lai. BCG Land theo đuổi mục tiêu kiến tạo phong cách sống mới. Để hoàn thành sứ mệnh tái định nghĩa chuẩn sống, mang đến những dự án có phong cách sống tốt nhất, BCG Land đã xây dựng các dự án đi đôi với bảo tồn tự nhiên, phát triển đi cùng với trách nhiệm bảo vệ môi trường và gìn giữ cho thế hệ tương lai. Đó là tôn chỉ của chúng tôi khi thực hiện bất kỳ dự án nào, làm sao để mỗi bước đi của doanh nghiệp đều để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng cộng đồng, đóng góp tích cực vào việc thay đổi diện mạo quốc gia".
Sao lại phải "định hình lại phong cách sống"? Bởi vì lâu nay, do nhu cầu nhà ở là rất cấp thiết, nên chúng ta mới chỉ chủ yếu tập trung vào việc giải quyết "chỗ ở" mà ít chú ý đến "chỗ sống", tức là "ở như thế nào", lại càng ít chú ý đến "không gian sống". Đến khi vấn đề "chỗ ở" đã bước đầu được giải quyết, thì điều quan trọng không còn nằm ở khía cạnh vật lý là chỗ che mưa che nắng nữa, mà điều cư dân quan tâm hàng đầu đã và sẽ là không gian sống, bao gồm cả không gian vật chất và không gian tinh thần, không gian văn hóa. Cách mà BCG Land đang theo đuổi là kiến tạo không gian sống không phải chỉ gói gọn trong bốn bức tường, mà còn là và quan trọng hơn là cảm xúc khi trở về "khu đô thị của mình", "khu nhà của mình" và sau đó mới là "căn nhà của mình".
Tức là, cảnh quan khu đô thị và nhất là tòa nhà mình sống là cái đập vào mắt, tác động vào nhận thức của con người đầu tiên khi người ta "trở về nhà", tạo cho người ta cảm giác hạnh phúc khi "trở về". Và khi đó, thiết kế kiến trúc đóng vai trò quyết định. Cụ thể hơn, thiết kế tòa nhà phải làm sao cho cư dân muốn "trở về nhà", cảm thấy hạnh phúc khi trở về nhà và hơn nữa là cảm thấy tự hào về khu đô thị của mình, tự hào về tòa nhà mình sống. Làm được điều đó, có nghĩa là chủ đầu tư thành công và cao hơn, đó chính là một cách "kiến tạo phong cách sống", làm cho cư dân hạnh phúc, tràn đầy năng lượng sống tích cực khi ở trong không gian sống "của mình".
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố Hà Nội chia sẻ với chúng tôi thế này: Chúng ta biết ơn các tập đoàn, các đơn vị đã xây dựng cơ sở vật chất, tạo nên những dự án đẹp. Song song đó, cần định hướng lại đời sống văn hóa, nếu không sẽ thành sự khập khiễng. Không phải cứ nhiều tiền là có văn hóa, nhiều tiền mua biệt thự, chung cư đắt tiền... nhưng lại thiếu văn hóa, có những quan điểm không phù hợp, gây bất tiện cho người xung quanh.
Có lẽ vì điều đó chăng mà Dự án King Crown Infinity của BCG Land được vinh danh là "Dự án phức hợp cao cấp có thiết kế kiến trúc đẹp nhất Việt Nam năm 2021" tại giải thưởng Dot Property Vietnam Awards 2021, đồng thời được vinh danh là "Dự án chung cư cao cấp tốt nhất tại TP.HCM" tại giải thưởng PropertyGuru Vietnam Property Awards 2021. Ở đây, việc tạo đường cong kiến trúc, bố trí mặt bằng tiện ích trong khu làm cho người ta không có cảm giác là một "khu chung cư bình thường" như thường thấy, mà là một công trình kiến trúc có tính nghệ thuật trong một khu nghỉ dưỡng với những cảm xúc về văn hóa, nghệ thuật, phá vỡ quan niệm lâu nay về "khu ở" đơn điệu, nhàm chán với những tòa nhà thẳng đứng vuông thành sắc cạnh như những chiếc hộp khổng lồ xếp chồng lên nhau, đứng cạnh nhau... khiến người ta khi trở về nhà là lại liên tưởng đến cảnh sắp sửa giam mình trong khối bê tông với bốn bức tường vô hồn.
GS.TSKH. Đặng Hùng Võ tổng kết, chỉ trong 3 thập kỷ gần đây thôi, các quan niệm về bất động sản hạng sang đã có nhiều thay đổi, "giá trị tính bằng tiền tạo dựng bất động sản không còn là giá trị chính, thay vào đó là các giá trị không tạo ra bằng tiền như vị trí, sự tiện lợi cho đời sống, giá trị văn hóa, chất lượng môi trường, giải pháp thông minh chiếm tỷ trọng cao hơn. Những giá trị không tạo ra bằng tiền sẽ tạo ra giá trị được tính bằng tiền tại các bất động sản hạng sang".
Cũng có lẽ vì thế mà BCG Land được vinh danh "Nhà phát triển Bất động sản kiến tạo phong cách sống tốt nhất Việt Nam" tại lễ trao giải Dot Property Vietnam Awards 2022. Và, trong các giải thưởng mà BCG giành được, tôi rất chú ý đến Dự án King Crown Infinity được vinh danh với hạng mục giải thưởng "Dự án chung cư cao cấp tốt nhất tại TP.HCM" tại giải thưởng PropertyGuru Vietnam Property Awards 2021. Tại sao? Bởi vì thiết kế, từ thiết kế mặt bằng cho đến bố trí nội thất cho từng không gian để phát huy được công năng của nó, căn hộ chung cư bị bó gọn trong không gian vật lý cố định và thường là nhỏ hẹp. Nhiều năm nay, các kiến trúc sư, các chủ đầu tư đã tìm tòi đủ cách để sáng tạo, tối ưu hóa căn hộ cả về không gian vật lý và không gian cảm nhận; do đó, gần như đã "cạn ý tưởng", bây giờ muốn sáng tạo ra "một cái gì đó" khác lạ là rất khó. Bởi vậy, việc giành giải thưởng "Dự án chung cư cao cấp tốt nhất" hoàn toàn không phải là điều dễ dàng...
Nói thế không phải là để PR cho doanh nghiệp, mà là để chứng minh cho triết lý và cũng là khát vọng của BCG đã đề cập ở trên là "định hình lại phong cách sống trong tương lai", và "BCG Land theo đuổi mục tiêu kiến tạo phong cách sống mới". Thực ra, triết lý hay khát vọng này cũng không phải chỉ riêng BCG Land theo đuổi. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, xác định đó là phong cách gì và quan trọng là thực hiện nó như thế nào bằng hành động thực tế, chứ không dừng lại ở lý thuyết, ở ý tưởng, ở khẩu hiện hay slogan...
Nói bao giờ cũng dễ hơn làm, nhất là trong lĩnh vực xây dựng, kiến trúc và cụ thể hơn là phát triển bất động sản. Cụ thể như về thiết kế, kiến trúc, muốn tạo phong cách riêng, nhất là phong cách ấy lại phải định hình tương lai, việc có được ý tưởng đã khó, thuyết phục khách hàng, cư dân còn khó hơn nhiều, nhất là với phân khúc hạng sang như BCG Land theo đuổi. Bởi đó không chỉ là khát vọng, tâm huyết mà phải cụ thể hóa thành ý tưởng; sau đó lại phải truyền được khát vọng, ý tưởng ấy đến đội ngũ kiến trúc sư, thiết kế...
Dự án King Crown Infinity được vinh danh là "Dự án phức hợp cao cấp có thiết kế kiến trúc đẹp nhất Việt Nam năm 2021" tại giải thưởng Dot Property Vietnam Awards 2021, đồng thời được vinh danh là "Dự án chung cư cao cấp tốt nhất tại TP.HCM" tại giải thưởng PropertyGuru Vietnam Property Awards 2021.
Chưa hết, tất cả những điều này sẽ chỉ là hão huyền nếu không có vấn đề "đầu tiên" là "tiền đâu". Bởi trong thực tế, chính vì cái điều "đầu tiên" này mà không ít chủ đầu tư để tiết giảm chi phí đã không ngại ngần "bê" ý tưởng, thiết kế của dự án trước "áp" cho dự án sau. Và, chính từ nguyên nhân đó mà dần dần đã làm cho chung cư trở nên nhàm chán bởi sự đơn điệu... Nhưng BCG Land thì khác, doanh nghiệp này sẵn sàng "chịu chi", đầu tư cả về chất xám và tiền bạc cho khâu thiết kế; nhưng cũng chính vì thế mà doanh nghiệp gặt hái được thành công. Mà thành công lớn nhất ở đây không chỉ nằm ở giải thưởng, mà cao hơn, đó là sự thừa nhận của xã hội và uy tín đối với khách hàng.
Nói thế không phải là để "dìm hàng" những dự án "sao chép" thiết kế, mà là để nhấn mạnh một điều, trong thị trường bất động sản trăm người bán vạn người mua như hiện nay, thì một sự sáng tạo trong thiết kế, kiến trúc, quy hoạch như BCG Land thực sự đáng trân trọng, bởi nó là tâm huyết của chủ đầu tư và quan trọng là tâm huyết ấy hướng đến cộng đồng cư dân để không chỉ cung cấp cho khách hàng một nơi cư ngụ, mà quan trọng hơn là mang đến một không gian sống đem lại cảm xúc, hạnh phúc và nguồn cảm hứng từ một không gian văn hóa. Đó chính là sách lược làm mới những điều đã cũ của BCG Land, và từ đó tạo ra sản phẩm mới lạ, từ đó hấp dẫn, thu hút được khách hàng bởi khi mua một "nơi ở", cư dân còn được những thứ lớn hơn, đó là "nơi sống", "không gian sống", "không gian văn hóa" mà không phải nơi nào cũng có được.
Chính vì vậy, tôi rất tâm đắc chia sẻ của Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: "Chúng ta phải làm sao để một chung cư, căn hộ vừa đảm bảo sự riêng tư, cách biệt, tự do nhưng vừa tạo ra được một không gian hòa đồng, chia sẻ với nhau. Chúng ta có những khu đô thị mới cực đẹp, dù rất thích nhưng tôi sẽ không vào đấy ở vì đó chỉ là những ốc đảo. Đô thị sống ở đây không thể tách biệt mà phải nằm trong tổng thể, hài hòa với cả thành phố. Những chủ đầu tư phải gỡ dần "không gian rối bời" như dư luận từng phản ánh".
BCG Land luôn có tầm nhìn phát triển các dự án Bất động sản nghỉ dưỡng bền vững từ giai đoạn thiết kế đến giai đoạn vận hành. Các công trình của BCG Land hướng tới sử dụng năng lượng tái tạo, dùng vật liệu thân thiện với môi trường và kết hợp với văn hóa địa phương để thực hiện các hoạt động mang lại trải nghiệm độc đáo cho du khách và giảm thiểu tác động đến hệ sinh thái tự nhiên.
Nếu ở phân khúc nhà ở và khu đô thị, BCG tạo sự khác biệt bằng thiết kế, kiến trúc để chinh phục tệp khách hàng hạng sang thì ở phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, chủ đầu tư vẫn theo đuổi triết lý này, tức là hình thành không gian sống, không gian văn hóa mang phong cách riêng. Tuy nhiên, với việc hướng đến dòng khách hạng sang, trong đó chú trọng đến tệp khách nước ngoài, thì việc có gì mới lạ để thu hút họ quả thực là không phải dễ.
Thứ nhất bởi đó là những người đã đi nhiều nơi, trải nghiệm qua nhiều cung bậc, nên phải có gì đó mang tính độc đáo mới có thể thuyết phục được họ. Thứ hai, dòng khách rất phong phú, đa dạng, vì vậy việc tạo được điểm chung để dung hòa tất cả là điều không phải là khó, mà là rất khó. Thứ ba, thường là dòng khách này là những người đã chán ngấy với áp lực công việc, nhịp sống đô thị, nhưng họ lại vẫn đòi hỏi phải được phục vụ theo tiêu chuẩn văn minh, hiện đại với đủ sự tinh tế và tỉ mỉ. Tóm lại, cần phải đáp ứng nhu cầu khắt khe đến mức... khó tính. Và, điều đầu tiên trong chiến lược phát triển của BCG Land, đồng thời cũng là bao trùm mang tính then chốt vẫn là thiết kế kiến trúc.
Phối cảnh dự án Malibu Hội An.
Nói một cách dễ hiểu, nếu thiết kế kiến trúc chỉ mang phong cách hiện đại phương Tây, thì khách nước ngoài sẽ đến Mỹ và châu Âu chứ không đến Việt Nam. Ngược lại, nếu chỉ mang phong cách truyền thống bản địa, thì khách nước ngoài chỉ đến để ngắm, khám phá chứ không muốn nghỉ lại, nếu nghỉ lại có chăng cũng chỉ một đêm là quá đủ.
Vấn đề then chốt ở đây là làm sao để mục đích của chuyến đi là nghỉ dưỡng, nhưng lại không chỉ là nghỉ dưỡng, mà còn được khám phá. Không những thế, bước tiếp theo phải nâng được sự khám phá lên mức trải nghiệm, thưởng thức, và cao hơn nữa là chiêm nghiệm, khi đó mới thực sự đạt đến đẳng cấp.
Nhưng như thế vẫn chưa đủ, cao hơn nữa là làm sao cho du khách cảm nhận được sự trải nghiệm, khám phá ấy bằng mắt thấy tai nghe, thậm chí cầm nắm, chạm vào được vào dòng chảy văn hóa bản địa, để họ cảm thấy mới mẻ; nhưng lại phải làm sao cho họ vẫn cảm nhận được sự gần gũi, không bị tách ra khỏi không gian ấy, không coi không gian ấy là "của người khác", thậm chí là "xa lạ"... Điều đó có nghĩa, phải làm cho du khách giao hòa được với không gian, với văn hóa ấy, khi đó mới thành công. Tôi nhìn thấy và cảm nhận được điều đó trong các dự án nghỉ dưỡng của BCG Land. Để làm được điều đó, BCG Land đã làm cho họ tắm trong không gian văn hóa bản địa, nhưng vẫn hít thở không gian văn hóa của chính mình, gốc gác "của mình". Nếu không, họ sẽ chỉ là lữ khách, chỉ ở đôi ba ngày là muốn "quay trở về nhà", và nếu thế thì đây là sự thất bại của bất động sản nghỉ dưỡng muốn đón dòng khách hạng sang.
Vì vậy, phải làm sao để tệp khách hạng sang vừa có thể trải nghiệm, khám phá, thưởng thức lại vừa có thể tận hưởng không gian hòa trộn giữa văn hóa phương Tây và phương Đông, vừa gần gũi với họ lại vừa mới mẻ...; đó mới là điều quan trọng mà phong cách thiết kế này mang lại. Đây là điều khó nhưng phải đạt được.
Vậy BCG land có làm được điều này và đã làm được đến đâu? Điều này thật khó nói, bởi hình thức kiến trúc có thể diễn đạt lại được bằng lời, nhưng cảm nhận không gian kiến trúc ấy, nhất là với tư cách là một không gian sống, không gian văn hóa như thế nào thì chỉ có thể đến tận nơi mới có thể cảm nhận hết được. Tuy nhiên, có thể phác họa đôi nét thế này; lấy dự án Malibu Hội An làm ví dụ.
Phong thủy có câu quyết: Nhất vị, nhị thế, tam hướng. Tức vị trí là tiêu chí hàng đầu. Cha ông ta cũng đã có câu: Nhất cận thị, nhị cận giang. Đấy là đối với nhà ở nói chung. Còn đối với bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng thì sao? Theo tôi, vị trí càng có ý nghĩa quyết định. Đơn giản là để du khách làm sao tận hưởng được cảnh quan, không gian, cả không gian địa lý và không gian văn hóa đặc trưng nhất của nơi mình đến. Tiếp đó là thuận tiện cho việc di chuyển, vì di chuyển thường được đặt lên một trong những yếu tố hàng đầu trong du lịch, cũng đơn giản vì di chuyển thuận tiện thì sẽ đến được nhiều điểm, bảo đảm sức khỏe và tạo trải nghiêm, khám phá và cảm hứng cho chuyến đi. Với du lịch nghỉ dưỡng thì việc kết hợp giữa nghỉ ngơi và tham quan là sự kết hợp khoa học và mang đến hiệu quả cao nhất.
Áp vào những tiêu chí đó thì Malibu Hội An là sự lựa chọn khôn ngoan của chủ đầu tư, vì đây là vị trí nằm trên đường trục nối liền trung tâm thành phố Đà Nẵng với những di sản văn hóa thế giới tại Hội An. Vì vậy, nó tạo sự kết nối rất tiện lợi để di chuyển tới các điểm du lịch nổi tiếng như Phố cổ Hội An, Cù Lao Chàm, Mỹ Sơn, Cố đô Huế và nhiều bãi biển đẹp của Đà Nẵng – Hội An như Hà My, Non Nước, Mỹ Khê, An Bàng, Cửa Đại...
Ở trên, tôi có đề cập đến kiến trúc và văn hóa bản địa kết hợp trong công trình là một trong những yếu tố tạo nên bản sắc và sự độc đáo nếu biết hòa trộn nhuần nhuyễn, khéo léo với kiến trúc phương Tây hiện đại. Có một sự thật thế này, ở Hà Giang ít nhất có hai loại công trình kiến trúc khá độc đáo, đó là nhà trình tường của dân tộc Hà Nhì, dân tộc Mông và tường rào xếp bằng đá của người Mông. Kiến trúc này rất thu hút khách du lịch, kể cả người nước ngoài và nhất là người nước ngoài. Tuy nhiên, du khách chỉ đến để ngắm nhìn, khám phá là chính, nhưng nếu nghĩ đến chuyện ở trong những ngôi nhà đó thì lại là chuyện khác. Bởi vì điều đơn giản là khám phá cần ở sự độc đáo, còn ở thì ít nhất nó lại cũng phải gắn với tiện nghi.
Ngay như loại hình "home stay" ở vùng Tây Bắc nước ta được coi là một loại hình du lịch độc đáo thu hút khách với việc bảo tồn lối sống của người dân địa phương, thì sau những năm đầu phát triển rầm rộ, đến nay cũng đã có những biến đổi cho phù hợp. Điều dễ thấy nhất là thay vì làm những căn phòng rộng theo lối cộng đồng, thì nhiều bà con đến nay cũng đã hoán cải thành dạng nhiều phòng riêng để đáp ứng nhu cầu của khách. Đây là một vấn đề rất cần được khảo sát, nghiên cứu để đưa ra hướng phát triển phù hợp đối với loại hình này; còn trong bài viết này, tôi chỉ muốn nêu lên vấn đề này để nói một điều, việc kết hợp, đưa văn hóa vùng miền, trong đó có kiến trúc, vào công trình nghỉ dưỡng, nhất là để hướng đến du khách nước ngoài hạng sang, là một vấn đề phải được nghiên cứu, khảo sát thấu đáo và thực hiện hết sức nghiêm túc, tỉ mỉ mới mong đem lại kết quả tốt.
Ở nước ta, phương châm kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, văn hóa phương Tây và văn hóa địa phương vùng miền được các chủ đầu tư áp dụng khá tốt trong bất động sản du lịch nghỉ dưỡng và đem lại thành công tùy từng mức độ. Cụ thể là sự kết hợp ấy nhuần nhuyễn, khéo léo đến đâu để tạo thành không gian vừa sang trọng hiện đại, vừa độc đáo và thấm đẫm văn hóa địa phương. Về nội dung này, tôi lại muốn lấy dẫn chứng từ chủ đầu tư BCG Land mà điển hình là ở dự án Malibu Hội An.
PGS. TS. KTS. Hoàng Mạnh Nguyên, chuyên gia hàng đầu về công trình xanh Việt Nam có chia sẻ thế này: "Nói đến tương lai, chúng ta nói đến thiết kế kiến trúc và tạo lập không gian sống để tạo ra thành phố, đô thị phát triển bền vững. Sơ khai của một đô thị hiện nay cần rất nhiều yếu tố về nguồn lực, tổ chức sinh kế, khai thác tài nguyên… Đô thị hóa không phải là di cư vào thành phố, bành trướng thành phố mà là sự phát triển bền vững, hướng đến các đô thị xanh bền vững...".
Chẳng hạn, ở dự án Malibu Hội An, các kiến trúc sư đã tìm hiểu rất kỹ và khéo léo kết hợp vật liệu gốm sứ Thanh Hà đặc trưng của địa phương vào bề mặt của mái nhà; điều đó không những có tác dụng chống nóng, giảm thiểu hiệu ứng nhà kính, mà còn tạo nên nét đẹp đầy tính truyền thống cho công trình và cả dự án. Hay như tại phân khu shophouse của dự án Hoian d'Or, vật liệu địa phương như ngói lợp mái và tường gốm đất nung cũng được đưa vào sử dụng xây dựng cho các căn shophouse. Cùng với đó, vật liệu xanh thân thiện môi trường như tre, gỗ, mái lá cũng được dùng trong các công trình tiện ích phục vụ trong dự án. Chính vì thế, Malibu Hội An được đánh giá là công trình được thiết kế theo phong cách hiện đại, nhưng có sự hòa trộn khéo léo giữa tinh thần phóng khoáng đậm chất Mỹ và vẻ đẹp thiên nhiên bản địa hài hòa.
Phối cảnh dự án Hoian d'Or.
Thực ra, việc kết hợp này, như trên đã đề cập, không phải là của riêng BCG Land mà trước đó, thậm chí trước đó rất lâu nhiều người đã làm, nhiều nơi đã làm, cả trong nước và ngoài nước, nhưng cũng có người thành công và cũng không ít thất bại. Và thành công hay thất bại gần như phụ thuộc chủ yếu vào sự dung hòa. Chính vì thế mà trong tiêu đề phần này tôi mới nói, "khó nhất là sự dung hòa". Có nghĩa là, phải thật sự bản lĩnh, "bản lĩnh" chứ không phải "liều lĩnh", và thật sự tâm huyết thì mới dám làm, hay nói đúng hơn là mới có thể làm thành công.
Bởi đơn giản, nếu không kết hợp khéo léo đến từng li từng tí để dung hòa, giao thoa được những yếu tố mà có khi tưởng như đối lập, bài trừ nhau ấy, thì sự thất bại coi như cầm chắc.
Bởi sự "tinh tế" và "kệch cỡm" chỉ cách nhau trong gang tấc.
Bởi sự kết hợp, dung hòa ấy không đơn giản là phép cộng, mà nó như một phép lũy thừa không chỉ của kiến thức, mà còn là tâm huyết và với triết lý nhân văn phụng sự con người.
Và đó chính là điều mà một doanh nghiệp trẻ như BCG khiến người ta phải nghĩ đến mình khi nhắc đến các nhà phát triển bất động sản, đặc biệt là trong ý tưởng và thiết kế kiến trúc cho cả căn hộ chung cư hạng sang và bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp.
Đọc đến đây, có thể sẽ có người nói tôi PR cho doanh nghiệp. Tôi không phản đối, bởi nếu doanh nghiệp tốt mà mình PR thì cũng có gì là xấu, là sai đâu. Nhiều trường đại học còn có khoa dạy cách làm PR, làm truyền thông cơ mà. Hơn nữa, các nước tiên tiến, phương Tây họ đã dạy và học PR từ rất lâu rồi, chứ không phải "dị ứng" với PR như khi người ta chưa hiểu cặn kẽ về PR. Mặt khác, xã hội, và thế giới ngày càng phẳng thì lại càng cần có sự PR chứ, để mà biết, để mà lựa chọn, và nhất là để lựa chọn đúng đắn, hiệu quả, xứng với đồng tiền mình bỏ ra khi mua một sản phẩm hay dịch vụ nào đó.
Nhưng bài này không phải mục đích là để PR, mà chỉ là cảm nhận của người viết, có những điều đã mang tính phổ biến được thừa nhận, có những điều là mang tính cá nhân, nêu lên những cảm nhận cá nhân trước những hiện tượng mới và có thể coi là xu hướng mới, trong đó có BCG Land. Bởi chức năng của Viên Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam của chúng tôi có việc nghiên cứu, phản biện, và nhất là tổng kết thực tiễn để khuyến cáo, đề xuất, mục đích cũng là nhằm góp phần thúc đẩy xã hội phát triển. Còn nếu có ai đọc bài này mà thấy đây là bài PR có ích để nhận diện thực tiễn, thì như thế là tôi cảm thấy hạnh phúc lắm rồi./.