Aa

Thương mại, dịch vụ chất lượng cao - Hướng đi tất yếu

Thứ Sáu, 24/01/2020 - 07:10

Mặc dù đã có sự phát triển mạnh trong những năm gần đây tuy nhiên ngành thương mại, dịch vụ chất lượng cao của Việt Nam vẫn bị coi là thiếu chuyên nghiệp.

Vậy cần phải có hướng đi như nào để phát triển ngành thương mại, dịch vụ chất lượng cao?

Khó khăn chồng chất

TS. Bùi Trinh – Viện Nghiên cứu Phát triển Việt Nam cho rằng, hiện nay, tất cả mọi ngành nghề đều cần sự hỗ trợ của ngành dịch vụ. Đó là cầu nối, trung gian để phát triển kinh tế đất nước cũng như doanh nghiệp.

“Chúng ta đang hội nhập kinh tế thế giới, áp dụng công nghệ 4.0 vào phát triển kinh tế đất nước. Do đó, phát triển ngành thương mại, dịch vụ chất lượng cao là một điều tất yếu đối với Nhà nước, doanh nghiệp và cả người dân để có thể cạnh tranh được với quốc tế”, ông Trinh nói.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, khu vực dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ chất lượng cao trong nền kinh tế Việt Nam vẫn kém phát triển, cho dù Việt Nam đã đạt rất nhiều tiến bộ trong phát triển kinh tế trong vòng hơn 20 năm qua. Vì vậy, khu vực này cần nhanh chóng cải thiện, khi phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng lớn.

Ngành thương mại, dịch vụ chất lượng cao của Việt Nam phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy mở rộng thị trường hàng hóa

Các ngành kinh tế được thúc đẩy tăng trưởng bởi các ngành dịch vụ trung gian. Tuy nhiên, ở Việt Nam các chính sách dường như chỉ chú trọng đến các dịch vụ cuối cùng. Ngành dịch vụ duy trì và hỗ trợ toàn bộ quá trình sản xuất thông qua việc cung cấp các dịch vụ đầu vào “thượng nguồn” (như nghiên cứu và phát triển, nghiên cứu khả thi, thiết kế sản phẩm, đào tạo nhân viên), các dịch vụ đầu vào “trung nguồn” (như kế toán, dịch vụ pháp lý, kỹ thuật, kiểm nghiệm, các dịch vụ máy tính, bảo dưỡng và sửa chữa thiết bị, tài chính, viễn thông) và các dịch vụ đầu vào “hạ nguồn” (như quảng cáo, phân phối, vận tải, kho hàng). Chúng ta sẽ không thể phát triển được một nền công nghiệp cạnh tranh nếu không có các dịch vụ đầu vào chất lượng cao.

“Chúng đang hội nhập kinh tế thế giới, áp dụng công nghệ 4.0 vào phát triển kinh tế đất nước. Do đó, phát triển ngành thương mại, dịch vụ chất lượng cao là một điều tất yếu đối với Nhà nước, doanh nghiệp và cả người dân để có thể cạnh tranh được với quốc tế”.

(TS. Bùi Trinh – Viện Nghiên cứu Phát triển Việt Nam)

Trong bối cảnh hiện nay, khu vực dịch vụ Việt Nam nói chung và dịch vụ chất lượng cao nói riêng đang gặp phải rất nhiều khó khăn. Đó là thiếu một chiến lược phát triển tổng thể, toàn diện cho khu vực dịch vụ làm cơ sở cho các nỗ lực phát triển chung của toàn bộ khu vực dịch vụ; thiếu cơ sở dữ liệu và thông tin chính xác về các hoạt động dịch vụ để các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý từ trung ương đến địa phương đưa ra các quyết sách phát triển thích hợp. Đồng thời năng lực phân tích và hoạch định chính sách liên quan đến phát triển dịch vụ còn hạn chế; năng lực con người cũng như cơ chế phối hợp trong quản lý tổ chức triển khai các kế hoạch hành động về dịch vụ ở cả trung ương và địa phương còn yếu.

Lựa chọn tối ưu

Mặc dù gặp phải chồng chất những khó khăn về nền tảng và cơ sở, nhưng dịch vụ chất lượng cao vẫn là lựa chọn tối ưu cho Việt Nam.

Trong tất cả các nền kinh tế hiện đại, dịch vụ là động lực của các hoạt động kinh tế và là lĩnh vực đóng góp vào chất lượng đời sống cho tất cả người dân. Ví dụ, dịch vụ cơ sở hạ tầng hỗ trợ tất cả các doanh nghiệp. Các dịch vụ giáo dục, y tế và giải trí ảnh hưởng tới chất lượng lao động và dân số nói chung. Các dịch vụ kinh doanh và chuyên môn đóng vai trò quan trọng để tăng năng suất của các doanh nghiệp. Các dịch vụ của Chính phủ ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp.

Vì vậy, phát triển thương mại, dịch vụ chất lượng cao là yếu tố quan trọng để Việt Nam thu hút vốn đầu tư nước ngoài mới, không chỉ vào các ngành công nghiệp mà cả vào lĩnh vực dịch vụ, cung cấp vốn và công nghệ cho quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa.

Thay đổi chính sách là một trong những cách nâng cao ngành thương mại, dịch vụ chất lượng cao ở nước ta

TS. Nguyễn Thanh Bình, Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội cho rằng, theo xu thế phát triển chung thì về lâu dài, dịch vụ mới là ngành kinh tế chủ đạo và có đóng góp lớn nhất trong cơ cấu GDP của nền kinh tế. Nhiều đô thị ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã rút ngắn quá trình công nghiệp hóa bằng việc tập trung phát triển các ngành dịch vụ, tiến hành “dịch vụ hóa” nền kinh tế.

Với vị thế và các tiềm năng của nước ta thì việc chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế sang các ngành dịch vụ và đi đầu trong phát triển dịch vụ chất lượng cao là lựa chọn tối ưu. Vì vậy phải tập trung đổi mới cơ chế, tạo lập môi trường chính sách, môi trường đầu tư thuận lợi cho phát triển dịch vụ và các ngành dịch vụ chất lượng cao; xây dựng và hoàn thiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dịch vụ chất lượng cao phù hợp với thông lệ quốc tế và tiến trình hội nhập, tham gia các hiệp định kinh tế, thương mại quốc tế.

Đồng thời phải đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng cho phát triển dịch vụ chất lượng cao. Hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật là một trong những yếu tố quyết định chất lượng của dịch vụ. Thực tế hiện nay, hạ tầng và cơ sở vật chất - công nghệ của các ngành dịch vụ ở nước ta còn yếu, nhất là trong các ngành thương mại, vận tải, khách sạn, vui chơi giải trí, y tế... Trong thời gian tới, cần phải nhanh chóng khắc phục hạn chế này bằng cách đầu tư phát triển mạnh hạ tầng dịch vụ, đặc biệt là hạ tầng viễn thông, giao thông vận tải, kho bãi, trung tâm giao dịch, xúc tiến...

Tuy nhiên, với nền tảng, cơ sở kém phát triển như đã đề cập thì việc tập trung thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài là giải pháp tối ưu. Do đặc thù của quá trình cung cấp các dịch vụ chất lượng cao là đòi hỏi kỹ năng quản lý chuyên nghiệp, áp dụng các thành tựu khoa học, công nghệ mới, nên sự gia tăng đầu tư vào các ngành này phần lớn đến từ bên ngoài, tức là thông qua vốn FDI. Do đó, cần tập trung xúc tiến, thu hút FDI vào một số dự án dịch vụ chất lượng cao tầm cỡ quốc tế như các trung tâm thương mại, triển lãm, khu giải trí phức hợp…

Mặt khác, một nhiệm vụ cấp bách là phải nhanh chóng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các ngành dịch vụ và dịch vụ chất lượng cao, coi đây là khâu quyết định trong việc phát triển dịch vụ chất lượng cao trong thời gian tới.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top