Aa

Thương mại, dịch vụ: Đánh thức tiềm năng địa bàn tỉnh lẻ

Chủ Nhật, 19/01/2020 - 05:50

Thương mại, dịch vụ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn chưa phát huy hết những tiềm năng của ngành này.

Phát triển không đồng đều

Trong những năm qua, ngành thương mại, dịch vụ của nước ta có những bước tiến mang tính đột phá, liên tục phát triển qua các năm và tăng trưởng khá nhanh. Tuy nhiên, theo nhận xét của các chuyên gia, ngành thương mại, dịch vụ tăng trưởng không đồng đều tại các địa phương, có địa bàn tăng trưởng vượt bậc nhưng cũng có địa bàn lại dậm chân tại chỗ.

Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương)

Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đánh giá, ngành thương mại, dịch vụ còn tồn tại nhiều hạn chế, như tăng trưởng chưa bền vững, dịch vụ hỗ trợ các hoạt động thương mại còn kém. "Đa số các siêu thị và trung tâm thương mại tập trung tại các thành phố lớn, trong khi khu vực nông thôn, ngoại thành chưa phát triển. Dịch vụ hỗ trợ các hoạt động thương mại còn chưa phát huy hiệu quả như mong muốn, các hoạt động thương mại truyền thống chưa bắt kịp sự phát triển của thương mại điện tử, thương mại số hóa", ông Đông phân tích.

Cả nước hiện có khoảng 8.660 chợ, 800 siêu thị, 168 trung tâm thương mại các loại và hơn 1 triệu cửa hàng quy mô hộ gia đình. Tuy nhiên, con số này tập trung chủ yếu và phát triển mạnh ở các thành phố, thị xã, thị trấn. Ở nông thôn, miền núi, mạng lưới chợ còn thưa thớt, siêu thị và trung tâm thương mại rất ít.

Tổng số siêu thị và trung tâm thương mại tại 5 thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ chiếm 47% - 50% tổng số siêu thị và trung tâm thương mại cả nước. Trong khi đó, có những tỉnh như Hà Giang vẫn chưa có siêu thị và cả nước có 63 tỉnh thành phố nhưng chỉ 51 địa phương có trung tâm thương mại. Về dịch vụ, cả nước hiện có 15 trung tâm hội chợ triển lãm, nhưng cũng chỉ được phân bố tại 11 tỉnh thành lớn; 50 trung tâm logistics tại 8 tỉnh thành.

Chủ trương phát triển xã hội hóa, đầu tư hạ tầng thương mại không đồng đều dẫn đến việc đầu tư vào địa phương của doanh nghiệp nước ngoài còn hiếm. Vì vậy, tình trạng luôn đông đúc tại các siêu thị, trung tâm thương mại ở các thành phố lớn trong các ngày cuối tuần và lễ tết là điều thường thấy. Trong khi đó, ở địa bàn nông thôn lại thiếu hụt trầm trọng các địa điểm vui chơi giải trí cho người dân. Sự mất cân đối trong phân bố cơ sở hạ tầng ảnh hưởng đến quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn và hạn chế tiềm năng phát huy lợi thế của từng địa phương.

Loại hình thương mại truyền thống ở địa bàn tỉnh cũng chưa đạt chất lượng khi chưa thể bắt kịp thương mại điện tử. Còn đối với hệ thống chợ, siêu thị chủ yếu mang chức năng bán lẻ và đa số quy mô còn nhỏ.

Đơn cử như địa bàn tỉnh Bắc Giang, tuy có kinh tế rất phát triển nhưng cho đến nay, các loại hình kinh doanh hiện đại như trung tâm thương mại, siêu thị, trung tâm logistics, cửa hàng tiện lợi, tự chọn... phát triển chưa đồng đều, còn nhỏ lẻ về số lượng, quy mô và lực lượng kinh doanh…

Hay như tỉnh Quảng Bình, thuộc vùng duyên hải miền Trung có đầy đủ tiềm năng để phát triển ngành thương mại, dịch vụ như du lịch, xuất nhập khẩu, nhưng du lịch tại địa phương này lại manh mún, thiếu liên kết, thiếu không gian phục vụ khách du lịch, thiếu các điểm dừng chân, mua sắm... Do đó, đóng góp của ngành du lịch vào GDP tỉnh Quảng Bình chỉ chiếm 2%.

Hang Sơn Đoòng – một trong những điểm du lịch nổi tiếng thế giới tại Quảng Bình.

Một hạn chế nữa trong phát triển ngành thương mại, dịch vụ tại địa bàn tỉnh lẻ là thiếu hụt dịch vụ logistics hoặc có nhưng chưa thực sự phát triển. Vì vậy, một số địa bàn có sản vật địa phương xuất khẩu mạnh vẫn chưa thể chuyên nghiệp trong khâu vận chuyển và mua bán.

Ở góc độ này, bà Nguyễn Thị Hiền - Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh chỉ ra những bất cập ở khâu logistics của tỉnh. Theo đó, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa chủ động được khâu vận chuyển hàng hải vì phụ thuộc vào các hãng vận tải nước ngoài, vẫn chưa có những giải pháp trọn gói và thiếu các dịch vụ gia tăng cho chuỗi cung ứng của chủ hàng.

Hay như Bà Rịa –Vũng Tàu, tỉnh này hoàn toàn có thể phát triển lĩnh vực logistics với nhiều tiềm năng biển đảo sẵn có nhưng dịch vụ logistics tại đây chỉ chiếm 20% GDP toàn tỉnh và nguồn lợi hàng tỷ đô la đang chảy vào túi các nhà đầu tư nước ngoài.

Giải pháp phát triển

Để phát triển thương mại, dịch vụ trong cả nước, PGS. TS Hoàng Xuân Thọ - Nguyên Vụ trưởng Vụ Thị trường cho rằng, trọng tâm đầu tiên cần thực hiện là phát triển hệ thống cung ứng, gắn lưu thông với sản xuất, chế biến và hình thành các chuỗi cung ứng trên cả nước như các cửa hàng tiện ích, siêu thị, trung tâm thương mại, để hàng sản xuất sẽ được tiêu thụ ngay, tránh tình trạng ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm. “Thực hiện được trọng tâm trên sẽ góp phần chuyển biến thương mại rõ rệt”, ông Hoàng Thọ Xuân nhấn mạnh.

Cảng biển nước sâu Phú Mỹ - Vũng Tàu

Thương mại, dịch vụ còn hạn chế phát triển tại các địa bàn tỉnh lẻ cũng do chính sách trong nước thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán, thiếu tập trung và đặc biệt là thiếu tính đặc thù. Vì vậy, hiệu quả thực thi chính sách chưa được như mong muốn.

Trở lại vấn đề của tỉnh Quảng Bình, du lịch được xem là mũi nhọn trong phát triển thương mại, dịch vụ với những kỳ quan thiên nhiên nổi tiếng thế giới như hang Sơn Đoòng, động Phong Nha - Kẻ Bàng, bãi biển Nhật Lệ... Tuy nhiên, ở địa phương này, các chính sách du lịch, hạ tầng cơ sở vẫn chưa được tập trung đồng nhất. Người dân phần lớn thiếu kỹ năng làm du lịch, yếu về ngoại ngữ dẫn đến hiệu quả chưa cao.

Trong bối cảnh đó, đề cập đến kế hoạch phát triển thương mại, dịch vụ tại các địa phương trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Hội, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ đã và đang tiếp tục phối hợp với các địa phương, các bộ ngành triển khai phát triển hạ tầng thương mại. Đồng thời, phối hợp với các bộ ngành liên quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính… để hoàn thiện chính sách đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng thương mại.

Cũng theo đại diện Bộ Công thương, vừa qua Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam, trong đó có nội dung về cơ sở hạ tầng, cơ chế đặc thù, hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nhân lực, đẩy mạnh liên kết… Do đó, ngành dịch vụ logistics được kỳ vọng sẽ có sự phát triển mạnh mẽ trong tương lai không chỉ ở địa bàn các thành phố lớn mà còn ở các vùng địa phương có tiềm năng.

Mục tiêu trong tương lai gần, cơ quan quản lý sẽ phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp tại các địa phương để phát huy hết tiềm năng sẵn có tại vùng và hướng đến một ngành thương mại, dịch vụ hiện đại, đáp ứng được nhu cầu của xã hội cũng như của nền kinh tế trong thời đại hội nhập toàn cầu.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top