Thanh Hóa chưa bao giờ có được tiềm lực và vị thế như ngày hôm nay

Thanh Hóa chưa bao giờ có được tiềm lực và vị thế như ngày hôm nay

Thứ Tư, 07/09/2022 - 06:09

LTS: Tỉnh Thanh Hóa đang đứng trước những thời cơ, vận hội chưa từng có trong lịch sử để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Những lợi thế, tiềm năng, giá trị khác biệt, nổi trội cùng với các Nghị quyết đặc thù dành cho địa phương đã và đang trở thành lực đẩy quan trọng giúp xứ Thanh hiện thực hóa giấc mơ thịnh vượng. Những kỳ tích mà Thanh Hóa đạt được trên tất cả các lĩnh vực một lần nữa khẳng định vai trò và vị thế của địa phương đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Từ những sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa, Reatimes khởi đăng loạt bài “Ấn tượng Thanh Hóa” nhằm giúp độc giả có góc nhìn đa chiều hơn về những thành tựu mà địa phương đã đạt được trong những năm qua, cũng như định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Bài 1: Thanh Hóa chưa bao giờ có được tiềm lực và vị thế như ngày hôm nay

Trân trọng gửi tới quý độc giả!

THANH HÓA ĐÃ HẾT THỜI XIN GẠO CỨU ĐÓI

Thanh Hóa là địa phương đứng thứ 3 về quy mô dân số trong 63 tỉnh, thành; là vùng chuyển tiếp giữa miền Bắc và miền Trung Việt Nam trên nhiều phương diện. Về hành chính, án ngữ cực Bắc Trung Bộ, tiếp giáp với Tây Bắc Bộ và đồng bằng Bắc Bộ; về địa chất, miền núi là sự nối dài của Tây Bắc Bộ, là đồng bằng lớn nhất Trung Bộ, một phần nhỏ (phía Bắc huyện Nga Sơn) thuộc đồng bằng châu thổ sông Hồng và nhìn ra Vịnh Bắc Bộ, với thềm lục địa bao quát 18.000km².

Thanh Hóa là tỉnh lớn thứ 5 cả nước về diện tích tự nhiên. Nơi đây có đầy đủ các loại địa hình, các hệ sinh thái như trung du, miền núi, đồng bằng, miền biển; tài nguyên phong phú, đa dạng; hệ thống giao thông thuận tiện, đầy đủ các loại hình, thuận tiện kết nối với vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, các tỉnh duyên hải miền Trung… lợi thế về điều kiện tự nhiên là những giá trị khác biệt, nổi trội, tạo nên lợi thế so sánh của Thanh Hóa với các tỉnh thành khác trong cả nước.

Thanh Hóa được ví như một “Việt Nam thu nhỏ” với nhiều tiềm năng và lợi thế có sẵn để phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội, nhất là các ngành công nghiệp, cảng biển, logistics, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch, y tế, giáo dục chất lượng cao…

Bỏ qua tư “duy nhiệm kỳ”, Thanh Hóa đã, đang thực hiện những bước đi táo bạo, mang tính đột phá chiến lược, tạo ra nền tảng vững chắc về kinh tế, xã hội, mang đến thế và lực mới trên con đường hội nhập và phát triển.

Ấn tượng nhất đó chính là số thu ngân sách nhà nước 8 tháng đầu năm 2022 đạt xấp xỉ 35.000 tỷ, vượt 23% so với dự toán năm 2022, tăng 54% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 13,41%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ (8,66%) và thuộc tốp đầu cả nước.

Đặc biệt, năm 2020 và 2021, Thanh Hóa nói riêng, cả nước nói chung phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có trong lịch sử, đặc biệt là tác động của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống nhân dân. Thế nhưng, trong bối cảnh khó khăn chung đó, Thanh Hóa vẫn hoàn thành mục tiêu kép "vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội", đồng thời đạt số thu ngân sách cao và vượt mức kế hoạch đề ra (năm 2020 thu ngân sách tỉnh đạt xấp xỉ 29.000 tỷ đồng; năm 2021 đạt mức thu 36.500 tỷ đồng). Hiện tại, GDP của Thanh Hoá chiếm 2,5% GDP cả nước, đứng thứ 9 về quy mô GDP.

Thời gian qua, Thanh Hoá luôn đứng trong tốp đầu các địa phương về thu hút đầu tư (mỗi năm thu hút khoảng 150.000 tỷ đồng). Địa phương cũng đặt mục tiêu cả năm 2022 tăng trưởng 11,5%. Phấn đấu thu ngân sách cả năm đạt 40.000 tỷ đồng, vượt cao so với mức dự toán 28.100 tỷ đồng. Đây là mức thu (dự kiến sẽ đạt được) cao nhất từ trước tới nay.

Với sự phát triển đồng bộ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, Thanh Hóa từ một tỉnh nghèo, chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách Trung ương, nay đã gần như tự chủ được ngân sách. Cũng từ vài năm trở lại đây, Trung ương không còn phải cứu đói cho Thanh Hóa mỗi khi mùa giáp hạt về!  

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với Ban thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa ngày 29/8/2022. (Ảnh: Báo Thanh Hóa)

Đánh giá về những thành quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa đạt được trong thời gian qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Kết quả mà tỉnh Thanh Hóa đạt được trong thời gian qua là sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa đang kế thừa và phát huy tốt kết quả để vun đắp, xây dựng Thanh Hóa có bước phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ; đang là điểm đến của các tập đoàn kinh tế lớn, các nhà đầu tư lớn, tạo cho tỉnh có nhiều xung lực mới, làn sóng mới, vận hội mới trong phát triển kinh tế - xã hội.

THANH HÓA ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN THEO MÔ HÌNH 4-5-6

Đề án xây dựng và phát triển Thanh Hóa đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 cũng như Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định: Thanh Hóa sẽ phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, gồm: Trung tâm động lực TP. Thanh Hóa - TP. Sầm Sơn; Trung tâm động lực phía Nam (Khu kinh tế Nghi Sơn); Trung tâm động lực phía Bắc (Thạch Thành - Bỉm Sơn) và Trung tâm động lực phía Tây (Lam Sơn - Sao Vàng).

Phát triển 5 trụ cột tăng trưởng gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp; du lịch; y tế; phát triển hạ tầng. Phát triển 6 hành lang kinh tế gồm: Hành lang kinh tế ven biển; hành lang kinh tế Bắc Nam; hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh; hành lang kinh tế Đông Bắc; Hành lang kinh tế trung tâm và hành lang kinh tế quốc tế. Bên cạnh đó, Thanh Hóa tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sức hấp dẫn mới để đẩy mạnh thu hút đầu tư, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển…

Có thể nói “Tứ sơn” - 4 trung tâm kinh tế động lực của tỉnh đã, đang trở thành tâm điểm thu hút đầu tư, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Thành quả đó đã tiếp thêm sức mạnh to lớn cho Thanh Hóa không ngừng phát triển, là điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Một trong “Tứ sơn”- thành phố Sầm Sơn đang có màn “lột xác” ngoạn mục từ các siêu dự án bất động sản nghỉ dưỡng quy mô lớn đã và đang đổ bộ vào đô thị biển này. Trong đó phải kể đến khu nghỉ dưỡng cao cấp của tập đoàn FLC; Hệ sinh thái nghỉ dưỡng tỷ đô của tập đoàn Sungroup đang từng ngày biến đô thị biển Sầm Sơn trở nên hiện đại, thông minh, mang tầm cỡ quốc tế. Năm 2022 cũng được coi là một năm “đại thắng” của du lịch Sầm Sơn khi chỉ trong 8 tháng đầu năm 2022, lượng du khách đổ về Sầm Sơn để nghỉ dưỡng đạt hơn 6,4 triệu lượt, doanh thu từ du lịch đạt 13.410 tỷ đồng.

Một Nghi Sơn được mệnh danh là “công xưởng” của xứ Thanh với các dự án đầu tư tỷ đô và những công trình công nghiệp mang tầm vóc thế kỷ. Đây là 1 trong 8 Khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước với nhiều dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động, có tác động lan tỏa, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh, khu vực và cả nước, như: Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn (một trong 3 dự án công nghiệp lớn nhất cả nước), Nhiệt điện Nghi Sơn 1 và 2, xi măng Nghi Sơn, xi măng Công Thanh, các dự án cảng biển, may mặc, giày da...

Đến tháng 6/2022, khu kinh tế này đã thu hút được 265 dự án đầu tư trực tiếp trong nước, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 149.000 tỷ đồng và 23 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 12,8 tỷ USD. Đặc biệt, Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn đặt tại Khu kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hóa là công trình trọng điểm quốc gia, có quy mô xây dựng và tổng mức đầu tư lớn nhất Việt Nam từ trước tới nay (trên 9 tỷ USD) đi vào hoạt động đã cung cấp tới 35-40% tổng cung xăng dầu trong nước và đóng góp cho ngân sách địa phương hơn 11 nghìn tỷ đồng (năm 2021).

Nhắc tới Thanh Hóa, người ta còn phải nhắc tới Cảng hàng không Thọ Xuân. Điều không ai ngờ tới là, cảng hàng không này mới khai thác gần 10 năm (khai trương chuyến bay đầu tiên ngày 5/2/2013) hiện giờ đã quá tải. Nhà ga T1 của cảng này công suất thiết kế 1,2 triệu hành khách/năm, dự báo cuối năm 2022 sẽ đạt 1,4 triệu hành khách. Cảng hàng không Thọ Xuân có mức tăng trưởng ấn tượng nhất trong 22 cảng hàng không của đất nước. Tháng 10/2020, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với tỉnh Thanh Hóa đã công bố quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Thọ Xuân thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

Ngoài ra, Thanh Hóa có hệ thống giao thông khá thuận lợi và đa dạng với đầy đủ các loại hình, gồm: đường sắt, đường bộ, đường thủy và hàng không. Ngoài tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy qua, giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh được bao phủ bởi nhiều tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã, giao thông nông thôn có tính kết nối, lan tỏa, thuận tiện cho việc đi lại và giao lưu phát triển kinh tế - xã hội…

Những dấu ấn về sự phát triển kinh tế, xã hội, trong đó chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ đã tạo lập nền tảng vững chắc, mở ra cơ hội mới, vận hội mới để tỉnh Thanh Hóa phát triển nhanh hơn và bền vững hơn trong giai đoạn tới.

DẤU ẤN ĐẾN TỪ NHỮNG NGHỊ QUYẾT DẪN ĐƯỜNG, MỞ LỐI

Từ một tỉnh thuần nông, người dân từng phải “ăn đong”, chính quyền có thời điểm phải “ném đá dò đường”, tìm mọi cách để phát triển kinh tế xã hội, thì nay, Thanh Hóa đã định hình rõ không gian phát triển kinh tế, xã hội với tầm nhìn chiến lược dài hạn.

Nếu xem vị trí tự nhiên là “bệ đỡ” vững chắc cho sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh thì Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị “về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” được xem là lực đẩy, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế này một cách mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Với Nghị quyết 37, Thanh Hóa được ưu tiên thí điểm thực hiện 8 chính sách đặc thù về quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước (chính sách về mức dư nợ vay; chính sách để lại tăng thu từ xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn; chính sách về thu từ xử lý nhà, đất; chính sách về phí, lệ phí; chính sách về định mức phân bổ chi thường xuyên) và phân cấp quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch, lâm nghiệp…

Với Nghị quyết số 58-NQ/TW, Thanh Hóa xác định rõ mục tiêu đến năm 2030: Thanh Hoá là tỉnh giàu đẹp, văn

minh và hiện đại; một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo; nông nghiệp giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu và văn hoá, thể thao; một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; nơi người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước, các giá trị di sản văn hoá và lịch sử được bảo tồn, phát huy; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; các tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tầm nhìn đến năm 2045: Thanh Hoá là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.

Đánh giá về ý nghĩa của Nghị quyết 58 đối với sự phát triển của tỉnh Thanh Hoá, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng: “Nghị quyết 58 ra đời là sự ghi nhận của Trung ương đối với những thành quả mà tỉnh Thanh Hóa đã đạt được, khẳng định quan điểm của Đảng về vai trò, tầm quan trọng của Thanh Hóa. Đồng thời, tạo sự thống nhất cao trong tư tưởng và nhận thức, mở đường cho giải pháp mới, đột phá, tháo gỡ khó khăn hiện có để thu hút thêm các nguồn lực, tạo động lực và không gian phát triển mới…”.

Để thể chế hóa Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị khóa XII về "Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 37/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa. Đây được xem cũng là khung chính sách mang tính định hướng, dẫn dắt, đặt nền tảng để tăng thêm nguồn lực, động lực phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, hướng tới mục tiêu đưa Thanh Hóa thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc.

Chia sẻ với báo chí về việc Trung ương ban hành các Nghị quyết đặc thù để phát triển Thanh Hóa, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa cho rằng: “Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 58, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 37 thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước dành cho tỉnh, là cơ hội, điều kiện thuận lợi cho tỉnh phát triển nhanh, bền vững; đồng thời cũng đặt ra yêu cầu phát triển cao hơn đối với Thanh Hóa để đáp lại sự tin tưởng, kỳ vọng của Trung ương”.

Để đưa các cơ chế, chính sách đặc thù đi vào thực tiễn cuộc sống, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch hành động số 45-KH/TU, ngày 6/12/2021. Kế hoạch đã cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết thành các nhiệm vụ cụ thể của tỉnh, làm rõ nội dung, trình tự các công việc để thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù, xác định trách nhiệm cụ thể của từng địa phương, đơn vị trong việc tham mưu triển khai, tổ chức thực hiện, bảo đảm khả thi, hiệu quả.

Đánh giá về vai trò của các “Nghị quyết đặc thù” đối với sự phát triển Thanh Hóa, ông Đỗ Minh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Nghị quyết số 37 là sự thể chế hóa cao nhất, sinh động nhất Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị, nhằm tạo ra xung lực mới để tỉnh Thanh Hóa thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Thanh Hóa thành một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.

Để hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới theo Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 trong những năm tiếp theo, Thanh Hóa sẽ phát huy tối đa hiệu quả tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Xem công nghiệp nặng, nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao là nền tảng, các ngành công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ logistics là đột phá, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Thanh Hóa".

Những thành tựu nổi bật trên cho thấy, Thanh Hóa đã có những bước đi đúng đắn, vững chắc trên con đường trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc. Có thể thấy, sau hơn 35 năm đất nước bước vào giai đoạn đổi mới, chưa bao giờ Thanh Hóa có được tiềm lực, vị thế như ngày hôm nay.

Trong 2 năm thực hiện Nghị quyết 58, kinh tế Thanh Hóa tăng trưởng với tốc độ cao, đứng trong nhóm dẫn đầu khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước; Thu ngân sách nhà nước luôn đạt và vượt xa so với dự toán (ước đạt 40.000 tỷ năm 2022); Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh năm sau luôn cao hơn năm trước; tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn bình quân chung cả nước…

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top