Tiềm năng của BĐS nghỉ dưỡng Vân Đồn, Phú Quốc là bệ đỡ cho kinh tế đêm bứt phá
"Kinh tế ban đêm" có thể được hiểu là tất cả những hoạt động dịch vụ diễn ra sau 17 giờ cho đến 6 giờ sáng hôm sau, bao gồm ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc, các chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện, cho tới các điểm du lịch chỉ mở cửa vào ban đêm.
Phát triển mô hình kinh tế ban đêm sẽ mang lại nguồn thu lớn cho ngành du lịch, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy các hoạt động kinh doanh và các loại hình giải trí, tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Sớm nhận thức được điều này, nhiều quốc gia trên thế giới đã có những bước đi chiến lược để “thắp sáng” nền kinh tế ban đêm, mang lại nhiều tỷ đô la.
Điển hình như Anh, quốc gia này có hẳn một tổ chức riêng về ngành công nghiệp ban đêm với tên gọi NTIA - Night Time Industrie Association. Nền kinh tế kinh tế dưới ánh đèn điện đã đóng góp khoảng 6% GDP nước Anh, với quy mô xấp xỉ 66 tỷ bảng, tạo ra hơn 1,25 triệu việc làm. Trong đó, riêng thành phố London chiếm khoảng 40% về quy mô, tương đương 26,4 tỷ bảng và tạo ra việc làm trực tiếp cho 723.000 lao động.
Một thủ phủ khác của kinh tế đêm là Sydney. Nghiên cứu của Deloitte Access Economics tính toán, thành phố này sẽ "đánh rơi" 16 tỷ USD/ năm nếu không kịp thời thay đổi chính sách, hỗ trợ cơ sở hạ tầng và thúc đẩy các hoạt động vui chơi về đêm đạt hiệu quả cao hơn.
Quy mô nền kinh tế ban đêm Sydney hiện ước đạt 27,2 tỷ USD mỗi năm, tạo ra 234.000 việc làm. Nền kinh tế ban đêm ở Sydney được xem là yếu tố kinh tế có giá trị nhất tại Australia.
Tại Liên minh châu Âu (EU), hầu hết các thành phố lớn đều có nền kinh tế ban đêm phát triển, đặc biệt là những thành phố được du khách tìm tới nhiều nhất như Paris, Lyon, London, Manchester, Belfort, Amsterdam, Berlin, Madrid, Barcelona, Roma, Vénice, Geneva hay Zurich.
Thực tế cho thấy, tại các nước EU không có chính sách chung về phát triển kinh tế ban đêm. Chính phủ các nước thành viên thường phân quyền lĩnh vực này cho chính quyền các thành phố. Tùy theo tiềm năng và chiến lược phát triển, mỗi thành phố đã triển khai thực hiện các chương trình, dự án nhằm khuyến khích kinh tế ban đêm gắn với đặc trưng và thế mạnh về văn hóa, nghệ thuật, thể thao, ẩm thực...
Mỹ cũng là một trong những quốc gia có sự phát triển mạnh mẽ nền kinh tế về đêm. Theo đó, thủ đô New York (Mỹ) được mệnh danh là “Thành phố không bao giờ ngủ”. Các nghiên cứu thống kê cho thấy, trong nền kinh tế ban đêm của New York, chuỗi các nhà hàng đóng vai trò quan trọng nhất khi mang về 12 tỷ USD và tạo ra trên 140 nghìn việc làm mỗi năm (chỉ tính ban đêm).
Nhiều quốc gia trên thế giới đã có những bước đi chiến lược để “thắp sáng” nền kinh tế ban đêm, mang lại nhiều tỷ đô la.
Tại châu Á, Nhật Bản cũng đã cho thấy sự quyết tâm phát triển kinh tế ban đêm nhằm thúc đẩy du lịch và tăng trưởng kinh tế. Từ cuối năm 2017, Chính phủ Nhật Bản đã đề xuất chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ban đêm với các giải pháp chủ yếu hướng tới giải quyết cơ sở hạ tầng giao thông và các quy định liên quan đến địa điểm và điều kiện làm việc. Nhờ đó, những doanh nghiệp lớn trong ngành giải trí và khách sạn Nhật Bản đã phát triển thị trường ngách nhắm tới các sự kiện giải trí từ khoảng 20 giờ đến 3 giờ sáng hôm sau. Kinh tế ban đêm hiện đang nổi lên như yếu tố quan trọng thứ 4 trong chương trình nghị sự của Chính phủ Nhật Bản nhằm thúc đẩy du lịch, xếp sau tự nhiên, thực phẩm và lịch sử. Uớc tính quy mô thị trường có thể lên đến 400 tỷ yên (khoảng 3,7 tỷ USD) vào năm 2020, nếu mỗi du khách đến Nhật Bản có thể chi tiêu thêm 10.000 yên (khoảng 92 USD) mỗi đêm.
Trung Quốc được xem là quốc gia mới nhất của châu Á hiện đang lên kế hoạch để “thắp sáng” kinh tế ban đêm. Đầu năm 2019, “kinh tế ban đêm” đã trở thành một chủ đề nóng tại phiên họp của các cơ quan lập pháp và tư vấn chính trị của quốc gia này. Chính phủ Trung Quốc đã ban hành chính sách thúc đẩy kinh tế ban đêm nhằm đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, kinh doanh diễn ra vào ban đêm. Cụ thể như các chính sách hỗ trợ tiền, giảm giá điện, nước... cho các nhà hàng hoạt động vào ban đêm đủ điều kiện… Song song với đó, các dịch vụ giao thông công cộng như tàu điện ngầm cũng được điều chỉnh tăng tuyến, kéo dài thời gian phục vụ để đáp ứng nhu cầu đi lại của các hành khách tới các khu phố đêm. Cụ thể, từ 19/7/2019, Bắc Kinh đã kéo dài thời gian chạy hai tuyến tàu điện ngầm số 1, 2 vào thứ 6 và thứ 7, trong đó chuyến cuối cùng khởi hành sau 12 giờ đêm.
Còn tại Việt Nam, khái niệm kinh tế ban đêm bắt đầu được chú ý khi mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu chính sách kinh tế đêm của Trung Quốc.
Dù lượng du khách quốc tế tăng đều hằng năm, nhưng doanh thu du lịch và mức chi tiêu của khách còn thấp so với các nước trong khu vực. Theo Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam (TAB), trung bình du khách đến Việt Nam chi 96 USD/ngày, trong khi Thái Lan là 163 USD/ngày và Singapore là 325 USD/ngày. Nguyên nhân một phần là do “khoảng trống” trong khai thác dịch vụ về đêm. Trước đó, các hoạt động kinh tế ban đêm cũng đã xuất hiện tại một số điểm du lịch nhưng mới chỉ ở hình thức “sơ khai”, manh mún, nhỏ lẻ, chưa tận dụng được văn hóa địa phương.
Hiện tại, các khu phố đêm như Bùi Viện ở TP.HCM, hay Tạ Hiện ở Hà Nội hiện là địa điểm hấp dẫn rất đông du khách thập phương. Điều này cho thấy, nhu cầu vui chơi, giải trí về đêm của khách du lịch rất lớn, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài ưa khám phá, do đó, nếu không có hoạt động gì về đêm mà bắt khách du lịch đi ngủ sớm thì rất lãng phí và chúng ta sẽ không thể tăng khả năng chi trả cũng như thời gian lưu trú của khách.
Cả một khoảng thời gian rất dài từ tối đến sáng hôm sau mà khách du lịch có nhu cầu không có chỗ để ăn, chơi, tiêu tiền thì đồng nghĩa với việc ngành du lịch đã để tuột mất một nguồn thu rất lớn. Do đó, việc phát triển kinh tế ban đêm như một yêu cầu tất yếu nếu như chúng ta coi du lịch như một ngành công nghiệp không khói, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP.
Trung bình mỗi đêm, chợ đêm Phú Quốc thu hút tới 3.500 khách, chi tiêu bình quân 150 USD/người (số liệu thống kê 6 tháng đầu năm 2019). Tính ra, mỗi ngày chợ đêm đã mang về cho Phú Quốc khoảng hơn 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, phố đi bộ, hay chợ đêm chỉ là một phần của “mỏ vàng” kinh tế ban đêm tại Việt Nam. Với đường bờ biển dài và những cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, xếp vào hàng “có một không hai”, không gian văn hóa vùng miền trải dài từ Bắc vào Nam với nhiều nét đặc sắc, độc đáo và hàng loạt di tích lịch sử..., khả năng phát triển du lịch của Việt Nam còn rất tiềm tàng so với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Khách du lịch, doanh thu du lịch tăng lên hàng năm nhưng thực tế vẫn chưa tương xứng với những tiềm năng “vàng” về du lịch của nước ta. Theo đó, còn rất nhiều tiềm năng để Việt Nam tạo ra hệ sinh thái phong phú về các sản phẩm kinh tế ban đêm, có thể chiếm đến 70% doanh thu của ngành du lịch, giúp tăng trưởng GDP, phát triển kinh tế địa phương, tạo việc làm cho người dân.
Trong kịch bản hồi phục hậu dịch Covid-19, ngành Du lịch Việt Nam cần tạo ra nhiều hơn nữa cơ hội cho du khách “được tiêu tiền” thông qua những trải nghiệm mới giúp tăng thời gian lưu trú và mức chi tiêu mỗi ngày của khách du lịch.
Việc phát triển kinh tế ban đêm luôn có tính hai mặt. Bên cạnh hiệu quả kinh tế mang lại thì vấn đề an ninh trật tự, tệ nạn xã hội và những tác động xấu cũng đang làm... đau đầu các nhà quản lý. Nhưng không vì thế mà chúng ta bỏ ngỏ việc khai thác “mỏ vàng” này bởi đây là yêu cầu tất yếu, là bệ đỡ của ngành du lịch. Theo đó, bên cạnh việc “cởi trói” tư duy, coi kinh tế ban đêm là một phần của nền kinh tế, cần nghiên cứu để có các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm, đồng thời tạo khung pháp lý để mô hình hoạt động kinh tế ban đêm hình thành, phát triển ổn định và bền vững.
Hiện tại Chính phủ đã có các định hướng, đường hướng cơ bản để phát triển kinh tế ban đêm nhưng những văn bản hay các quy phạm pháp luật cho hoạt động kinh tế ban đêm thì gần như chưa có gì. Cũng chưa có chính sách phát triển “kinh tế ban đêm” nào nhiều hơn việc xây dựng các khu chợ đêm hoặc phố ăn đêm. Muốn phát triển kinh tế ban đêm, phải có cách làm đa dạng về "chủng loại mặt hàng" và đặc biệt là tạo điểm nhấn theo địa phương.
Cần phải có những quy định cụ thể, tỉ mỉ thì lúc đó mới hy vọng kinh tế ban đêm phát triển. Việc phát triển kinh tế ban đêm phải đảm bảo các điều kiện, trước hết là về cơ sở vật chất kỹ thuật. Cơ sở vật chất kỹ thuật này phải tách riêng với khu dân cư hoặc không ảnh hưởng lớn đến khu dân cư để vấn đề ô nhiễm về ánh sáng, tiếng động, môi trường và không ảnh hưởng xấu đến đời sống hiện tại của người dân ở khu vực đó.
Muốn như vậy, cần quy hoạch thành những khu riêng, tách biệt và có các cơ sở hạ tầng để đáp ứng yêu cầu này. Rõ ràng cũng có một số địa phương thí nghiệm làm việc này nhưng chúng ta không có đầu tư bài bản, không có cơ sở hạ tầng và các sản phẩm độc đáo. Ví dụ như Đà Nẵng, một vài đường phố cho mở ra làm khu du lịch ban đêm, bán hàng hóa, đồ ăn, đồ lưu niệm, v.v… Nhưng chỗ nào cũng đồ ăn, bia, karaoke, đồ lưu niệm giống nhau, rất nhàm chán.
Tất nhiên, lúc không có chỗ chơi thì người ta cũng vào hát, đi ngồi ăn uống. Nhưng điều mà du khách mong muốn khi đi du lịch là tìm hiểu những nét văn hóa, phong tục tập quán, các điều kiện về mặt đời sống, kinh tế, xã hội ở các địa phương đó vào thời điểm ban đêm. Và họ muốn có hiểu biết về đặc sắc vùng miền, sẵn sàng chi trả gấp 10 lần để có được những trải nghiệm mới lạ.
Ví dụ như người Tây rất thích khám phá sự khác lạ trong việc đi cấy lúa đêm trăng thì tại sao mình không gieo mạ để cho người Tây cấy lúa đêm, hay ở những vùng song nước có thể tổ chức các hình thức đi câu cá, bắt cá đêm,… miễn sao nó thể hiện được nét văn hóa của người Việt, thuần Việt. Những hoạt động này có thể dễ dàng làm được, vậy tại sao mình không làm?
Như vậy, chúng ta cần phải lưu ý hoạt động kinh tế ban đêm phải có tính đa dạng và tính vùng miền chứ không được để nó “đóng khung” trong những hình thức khô cứng để tạo ra một hành trình mang tính văn hóa truyền thống vùng, miền với nhiều điểm đến, nhiều sản phẩm hàng hóa cho du khách chứ không phải địa phương nào cũng giống nhau. Nếu giống nhau thì du khách chỉ cần đến một nơi và đi một lần thôi chứ sẽ không có nhu cầu quay trở lại.
Hoạt động kinh tế ban đêm phải có tính đa dạng và tính vùng miền ,
Một điều quan trọng nữa để phát triển được kinh tế ban đêm đó là an ninh trật tự và vấn đề đảm bảo an toàn cho khách du lịch. Đó là điều du khách rất quan tâm khi đi du lịch ban đêm. Rõ ràng hoạt động trong bóng tối luôn đi kèm những điều có thể là đẹp đẽ, nhưng cũng che giấu các hoạt động mờ ám, tội phạm, buôn gian bán lận, buôn ma túy, tệ nạn xã hội.
Vì thế việc đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cho các khu vực được quy hoạch phát triển kinh tế ban đêm phải được đảm bảo, tăng cường. Chính vì lẽ đó cần phải có sự kết hợp của rất nhiều cơ quan ban ngành từ chính quyền địa phương, cơ quan an ninh, lực lượng phục vụ cho đến việc tổ chức các phương tiện di chuyển hợp lý. Bởi vì lúc đó giao thông công cộng gần như đã dừng hoạt động.
Vậy, hỗ trợ khách đi lại như thế nào, bố trí hệ thống giao thông giữa khu vực kinh tế đêm với các điểm chính của thành phố sao cho vừa hợp lý, vừa thuận tiện, không lãng phí nhưng đảm bảo an toàn trong thời gian hoạt động kinh tế đêm cũng là vấn đề cần được quan tâm.
Một vấn đề quan trọng khác quyết định sự thành công của kinh tế ban đêm là lực lượng nhân sự. Đây là vấn đề cần phải thay đổi, cần có chế độ đãi ngộ họ thỏa đáng. Thứ nhất, các nhân sự làm việc ban đêm sẽ mệt mỏi hơn rất nhiều so với ca ngày, chi phí dành cho họ phải thỏa đáng, từ công an trật tự cho đến người quản lý hay nhân viên phục vụ du lịch. Và rõ ràng những du khách thích trải nghiệm các dịch vụ ban đêm thì họ cũng sẵn sàng chi trả.
Nhưng vấn đề quan trọng ở đây là phải giáo dục cho lực lượng nhân viên tinh thần phục vụ tốt, luôn phải hòa nhã, vui tươi, thân thiện và khéo léo. Các hướng dẫn viên du lịch cần được đào tạo bài bản để chỉ nói những cái gì cần nói, làm những gì đáng làm để khiến cho du khách trở nên yêu mến các loại hình dịch vụ, tôn trọng và hòa nhập các nét văn hóa, các trò chơi hay các hoạt động giao lưu mà các hình thức kinh tế ban đêm đem lại.
Để kinh tế ban đêm có thể trở thành khu vực kinh tế hiện đại, có tính chuyên nghiệp, cần có sự kết hợp chặt chẽ hơn giữa một số tập đoàn bất động sản lớn và chính quyền địa phương để có những sự đầu tư bài bản thay vì phát triển manh mún, nhỏ lẻ, riêng rẽ.
Rõ ràng, nếu kết hợp phát triển kinh tế ban đêm ở những tổ hợp bất động sản nghỉ dưỡng đa chức năng sẽ thúc đẩy cả hai lĩnh vực cùng tăng trưởng. Trên thực tế, một số chủ đầu tư có tiềm lực đã đi tắt đón đầu, thí điểm những mô hình kinh tế ban đêm tại các khu nghỉ dưỡng, du lịch như một số dự án của Vingroup, Sun Group, CEO Group... ở Hạ Long, Vân Đồn, hay Phú Quốc.
Cần nhấn mạnh thêm là, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam hậu Covid-19 sẽ dịch chuyển sang phát triển mạnh các sản phẩm xanh, gần gũi với môi trường, thân thiện với sức khỏe, đáp ứng các khu cầu nghỉ ngơi, giải trí trong các tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng quy mô lớn, có biệt thự, liền kề, nhà phố thương mại, bến du thuyền… Trong số đó, có thể kể đến dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City, với quy mô 358,5ha. Phân khu đầu tiên của dự án là Singapore Shoptel, nơi đầu tiên tại Vân Đồn thí điểm mô hình kinh tế ban đêm, đưa nơi đây thực sự trở thành điểm hấp dẫn khách du lịch suốt 24/7 ngày và 365 ngày/năm và là dự án ven biển hiếm hoi được sở hữu sổ đỏ vĩnh viễn.
Những tiềm năng lớn ở các khu kinh tế đặc biệt trong tương lai là bệ đỡ vững chãi cho kinh tế ban đêm bứt phá. Ở một số khu du lịch đa năng như Vân Đồn hay các khu nghỉ dưỡng lớn đã có các trung tâm vui chơi, giải trí… thì việc kết hợp lại với nhau cũng là một vấn đề rất quan trọng để tạo ra một chuỗi hoạt động xuyên suốt cả đêm lẫn ngày. Việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ ban đêm tại các tổ hợp nghỉ dưỡng riêng biệt này sẽ giúp dễ dàng hơn trong công tác quản lý, đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách.
Dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City, nơi đầu tiên tại Vân Đồn thí điểm mô hình kinh tế ban đêm.
Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, khi phát triển các hoạt động về đêm, các tổ hợp nghỉ dưỡng cần tạo ra được những nét độc đáo, riêng biệt bằng cách gắn với những đặc sắc văn hóa địa phương, vùng miền để du khách có sự trải nghiệm khác lạ. Đồng thời, cần đa dạng hóa các sản phẩm, hoạt động để đáp ứng các nhu cầu khác nhau của du khách. Đây mới là yếu tố cốt lõi để du khách sẵn sàng rút hầu bao và ở lại lâu hơn. Từ đó gia tăng nguồn thu du lịch, đồng thời cũng tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương nhờ việc quảng bá, giới thiệu những sản phẩm, những nét văn hóa, phong tục đặc sắc của địa phương đến với du khách.
Mặt khác, khi chúng ta phát triển tốt kinh tế ban đêm tại các khu du lịch thì bất động sản nghỉ dưỡng cũng sẽ có giá trị tăng lên rất cao. Bởi vì du khách ở lại lâu hơn thì khả năng lấp đầy, hiệu suất sử dụng phòng tăng lên, thanh khoản tốt hơn.
Nói để thấy, việc thay đổi tư duy, mạnh dạn có những chính sách đột phá để phát triển kinh tế ban đêm sẽ kéo theo sự phát triển của nhiều ngành kinh tế khác. Đặc biệt, trong điều kiện ứng dụng công nghệ cao, triển khai mạnh mẽ nền kinh tế số thì đây cũng có thể là một hướng giải quyết bài toán cân đối lao động, thúc đẩy việc sản xuất các sản phẩm truyền thống, phát triển kinh tế địa phương bền vững. Đây là điều mà các cơ quan quản lý từ Trung ương đến các cấp chính quyền địa phương nên dành sự quan tâm và đầu tư nguồn lực thỏa đáng và kịp thời./.