Theo Tạp chí Forbes Việt Nam: “Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam đạt hơn 9,3 tỷ USD, chiếm trên 23% kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp, giá trị xuất siêu đạt hơn 7 tỷ USD, gần tương đương giá trị xuất siêu của cả nước. Việt Nam đã giữ vững ngôi vị thứ năm trên thị trường đồ gỗ thế giới, thứ hai châu Á và số một Đông Nam Á”.
Cùng với quyết định đóng cửa rừng tự nhiên từ năm 2014, đây là những tín hiệu đáng mừng đối với vật liệu gỗ công nghiệp tại nước ta, mở ra một tương lai xán lạn cho ngành này cũng như giải quyết bài toán về lao động trong thời đại 4.0.
Không chỉ đơn giản là vấn đề kinh tế, thói quen người tiêu dùng, với nguồn nguyên liệu hoàn toàn từ rừng trồng, xu hướng sử dụng gỗ công nghiệp là một trong những giải pháp bền vững để giữ gìn màu xanh cho Trái đất. Ngành gỗ là ngành duy nhất trên hành tinh sử dụng tài nguyên có thể tái sinh được, góp phần gìn giữ môi trường tự nhiên và bảo vệ đời sống con người.
Xu hướng sử dụng ván gỗ công nghiệp an toàn
Formaldehyde là một hoá chất thường được sử dụng trong công nghệ sản xuất ván gỗ công nghiệp. Tuy nhiên, đây là chất khí có ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe và môi trường nếu hàm lượng formaldehyde bị tích tụ nhiều trong không khí. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo về khả năng gây ung thư của loại khí này.
Chính vì những tác hại khôn lường đó mà nhiều tiêu chuẩn về ngưỡng an toàn đối với loại hoá chất này đã được đặt ra. Trong đó, thang tiêu chuẩn được sử dụng rộng rãi, phổ biến nhất chính là E0, E1, E2 của châu Âu. Mức phát thải sẽ giảm dần từ E2, E1, E0 – nồng độ formaldehyde càng thấp thì càng an toàn cho môi trường và sức khỏe người sử dụng. Đối với phương pháp test EN 717 – 1, mức phát thải theo tiêu chuẩn E2 >0,124 mg/m3, E1 < 0,124 mg/m3 và E0 có giá trị tiệm cận ngưỡng 0.
Hiện tại, thị trường Việt Nam vẫn đang chủ yếu sử dụng loại ván sàn có tiêu chuẩn phát thải khí formaldehyde tương đương E2. Mặc dù E2 vẫn là tiêu chuẩn cho phép nhưng các doanh nghiệp cung cấp vật liệu gỗ uy tín đang dần chuyển đổi sang loại sản phẩm có nồng độ phát thải mức E1.
Gỗ công nghiệp và sự phát triển bề mặt
Kỹ thuật hiện đại cùng sức sáng tạo vô hạn của con người đã mang đến cho gỗ công nghiệp vẻ đẹp đa dạng và độc đáo. Từ đường nét, màu sắc tự nhiên của vân gỗ nguyên bản cho đến các bề mặt đơn sắc, vân trang trí ( đá, xi măng, vải…) đều được đưa vào một cách khéo léo và chân thật nhất. Hiện nay, các doanh nghiệp vật liệu nội thất gỗ có tới hàng trăm mẫu màu với hiệu ứng bề mặt khác nhau, đem đến cho khách hàng nhiều trải nghiệm thị giác, xúc giác thú vị.
Không dừng lại ở đó, hiện nay, các loại vật liệu bề mặt dành cho gỗ công nghiệp cũng phát triển ngày càng phong phú. Trong đó có thể kể đến một số sản phẩm phổ biến như Melamine, HPL, Acrylic, SGP, VFB, Veneer… Mỗi loại bề mặt đều có những ưu điểm khác nhau, phù hợp với mọi không gian, nhu cầu sử dụng và điều kiện tài chính.
(Theo Gỗ Minh Long)