Aa

Tiến độ các dự án thành phần tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang chậm lại

Thứ Hai, 01/11/2021 - 11:00

Khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng, nguồn cung ứng và giá vật liệu xây dựng tăng cao đã ảnh hưởng tiến độ thi công của một số dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Báo cáo Quốc hội tình hình thực hiện các dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, Chính phủ cho biết cả 8 dự án thành phần đã khởi công xây dựng và triển khai thi công với giá trị sản lượng hoàn thành khoảng 8.933,38 tỷ đồng tính trên 35.602,19 tỷ đồng tổng giá trị các hợp đồng, đạt khoảng 25,1%.

Về tiến độ cụ thể của từng dự án, Chính phủ cho biết đoạn Cao Bồ - Mai Sơn có khối lượng đã thực hiện đạt khoảng 88% tổng giá trị các hợp đồng. Dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2021.

Nhưng riêng hạng mục hệ thống giao thông thông minh sẽ triển khai thực hiện trong năm 2022.

cao tốc Bắc Nam
Một đoạn thuộc tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Ảnh minh hoạ: Lê Tiên.

Với đoạn Cam Lộ - La Sơn, khối lượng đã thực hiện đạt khoảng 61% tổng giá trị các hợp đồng - chậm khoảng 8% so với kế hoạch do các ảnh hưởng của bão lũ khu vực miền Trung năm 2020, đại dịch Covid-19 và khó khăn trong nguồn vật liệu đất đắp tại các gói thầu XL5, XL6, XL11. Ngoài ra, gói thầu XL8 của dự án chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) với những đoạn phải xử lý nền đất yếu.

Đáng lưu ý, một số gói thầu phải xử lý nền đất yếu thuộc dự án còn vướng mặt bằng và hạ tầng kỹ thuật chưa được bàn giao. Cụ thể, địa phận tỉnh Quảng Trị còn 400 mét đường gom chưa bàn giao. Còn địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế còn 50 mét tuyến chính xen kẹp chưa bàn giao.

Những yếu tố này khiến thời gian hoàn thành toàn bộ dự án có nguy cơ phải kéo dài sang năm 2022.

Bên cạnh đó, một số nhà thầu dự án chưa huy động kịp thời về nhân lực, tài chính, máy móc thiết bị để triển khai thi công bù lại khối lượng đã bị chậm. Điều này khiến đơn vị được giao quản lý dự án phải có văn bản cảnh báo với 17 nhà thầu, khiển trách 7 nhà thầu, yêu cầu nhà thầu thay thế chỉ huy trưởng công trường đối với 1 nhà thầu và điều chuyển khối lượng đối với 1 nhà thầu theo quy định hợp đồng.

Để giải quyết khó khăn, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) rà soát tổng thể tiến độ và có giải pháp tăng cường như tăng ca, bổ sung nhân lực, trang thiết bị để bù lại tiến độ phần công việc đã bị chậm.

Với cầu Mỹ Thuận 2, khối lượng đã thực hiện dự án đạt khoảng 62,7% tổng giá trị các hợp đồng và vượt khoảng 3,43% so với kế hoạch. Riêng gói thầu 3B thuộc dự án gồm xây dựng thân trụ neo, trụ tháp và kết cấu phần trên nhịp chính dây văng sẽ triển khai sau khi cơ bản hoàn thành gói thầu thi công hạng mục cọc khoan nhồi và bệ cọc. Dự án dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2023.

Với đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, khối lượng đã thực hiện đạt khoảng 26,1% tổng giá trị các hợp đồng và cơ bản đang đáp ứng tiến độ. Dự án dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2022.

Với đoạn Vĩnh Hảo -  Phan Thiết, khối lượng đã thực hiện đạt khoảng 14,32% tổng giá trị các hợp đồng và cơ bản đang đáp ứng tiến độ. Dự án dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2022.

Với Phan Thiết -  Dầu Giây, khối lượng đã thực hiện đạt khoảng 14,97% tổng giá trị các hợp đồng và cơ bản đang đáp ứng tiến độ. Dự án dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2022.

Với đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, hiện các nhà thầu đã huy động công trường, lán trại, máy móc, thiết bị, phòng thí nghiệm hiện trường và đang thực hiện thiết kế bản vẽ thi công, thi công đường công vụ, đào bóc hữu cơ.

Khối lượng đã thực hiện đạt khoảng 0,1% tổng giá trị các hợp đồng. Dự án dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2023.

Với đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu, các nhà thầu đã huy động công trường, lán trại, máy móc, thiết bị, phòng thí nghiệm hiện trường và đang thực hiện thiết kế bản vẽ thi công, thi công đường công vụ, cọc khoan nhồi, đào bóc hữu cơ, đắp cát đệm xử lý nền đất yếu.

Khối lượng đã thực hiện đạt khoảng 0,4% tổng giá trị các hợp đồng. Dự án dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2023.

Về khó khăn của các dự án, Chính phủ cho biết công tác GPMB, tháo dỡ, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật điện, viễn thông để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công vẫn còn vướng mắc do còn khoảng 10,46 ki-lô-mét chưa được bàn giao mặt bằng, chiếm khoảng 1,6% tổng chiều dài các dự án, dù Thủ tướng đã có nhiều công điện chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, các Tập đoàn EVN, VNPT, Viettel khẩn trương hoàn thành việc này.

Ngoài ra, các dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam cũng gặp vướng mắc về nguồn cung ứng vật liệu xây dựng khi đất, cát, đá khan hiếm và giá tăng đột biến gây nhiều khó khăn về tài chính cho các nhà thầu thi công xây dựng, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án.

Để đảm bảo việc triển khai các dự án thành phần tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 theo đúng yêu cầu tại các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ kiến nghị Quốc hội có ý kiến với đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương có dự án đi qua thường xuyên quan tâm, hỗ trợ và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng. Đồng thời, bảo đảm nguồn cung ứng vật liệu, có giải pháp bình ổn giá để tránh đầu cơ nâng giá.

Bên cạnh đó, cần ưu tiên tiêm vaccine cho cán bộ, người lao động.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top