Aa

Tiền Giang: Tổng vốn đầu tư gấp 5,2 lần so với cùng kỳ

Khánh Hòa
Khánh Hòa khanhhoa.13590@gmail.com
Thứ Ba, 29/08/2023 - 07:43

Lũy kế 8 tháng năm 2023, tổng vốn đầu tư vào Tiền Giang đăng ký đạt 5.400 tỷ đồng, gấp 5,2 lần so với cùng kỳ.

Theo thông tin từ UBND tỉnh Tiền Giang, trong tháng 8, tỉnh Tiền Giang thu hút được 2 dự án vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 2.892 tỷ đồng, bằng số dự án với vốn đầu tư, gấp 12,1 lần so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 8 tháng năm 2023, tỉnh thu hút được 11 dự án, tăng 1 dự án so cùng kỳ; tổng vốn đầu tư đăng ký 5.400 tỷ đồng, gấp 5,2 lần so với cùng kỳ. Nâng tổng vốn đầu tư thu hút đến tháng 8/2023 được 5.690 tỷ đồng, tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Ước đến cuối tháng 8/2023, vốn huy động của Tiền Giang đạt 93.000 tỷ đồng, tăng 8,1% so cùng kỳ; tổng dư nợ toàn tỉnh đạt 90.116 tỷ đồng, tăng 9,7% so cùng kỳ.

Trong tháng 8/2023, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh ước thực hiện được 765 tỷ đồng. Theo đó, lũy kế 8 tháng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn được 6.541 tỷ đồng, đạt 63,6% dự toán; chi đầu tư phát triển 3.518 tỷ đồng, đạt 66,4% dự toán, tăng 20,7% so cùng kỳ.

Về giải ngân đầu tư công, ước giá trị giải ngân đầu tư công tháng 8 được 304 tỷ đồng, lũy kế 8 tháng được 3.230 tỷ đồng, đạt 61% kế hoạch, tăng 28% so cùng kỳ. Tỉnh đang tiếp tục triển khai vốn bổ sung kế hoạch đầu tư công 2023 thêm 816 tỷ đồng.

Ước thực hiện tháng 8/2023, Tiền Giang có 90 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 26,8% so cùng kỳ với tổng số vốn đăng ký là 400 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 8, thành lập mới được 576 doanh nghiệp (trong đó có 42 doanh nghiệp phát triển từ hộ kinh doanh), đạt 69,4% kế hoạch năm 2023; tổng vốn đăng ký 3.579 tỷ đồng.

Thu ngân sách 8 tháng đầu năm 2023 của tỉnh Tiền Giang đạt trên 63% dự toán
Thu ngân sách 8 tháng đầu năm 2023 của tỉnh Tiền Giang đạt trên 63% dự toán

Để đạt hiệu quả cao nhất về phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, UBND Tiền Giang xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm tháng 9/2023 trong các lĩnh vực phát triển kinh tế:

Thứ nhất, tăng cường dự báo trong sản xuất nông nghiệp; theo dõi diễn biến tình hình khí tượng thủy văn, xâm nhập mặn, vận hành công trình phục vụ sản xuất và mực nước nội đồng các vùng dự án, sản xuất vụ Hè Thu năm 2023, sản xuất và thu hoạch các loại cây trồng, tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi và bệnh trên các loài thủy sản; kiểm tra công tác triển khai chống khai thác IUU; hỗ trợ nghề nghêu Gò Công đạt chứng nhận ASC.

Thứ hai, kịp thời nắm bắt, giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ... tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp về hoạt động, thị trường tiêu thụ, nguyên liệu sản xuất, lao động... có giải pháp hỗ trợ cụ thể giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, xây dựng kịch bản ứng phó phù hợp.

Nắm chắc diễn biến của thị trường, kiểm tra, đôn đốc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phân phối tăng cường các biện pháp cung ứng, điều phối hàng hóa phục vụ kịp thời cho nhu cầu của nhân dân. Tích cực kết nối tiêu thụ hàng hóa, nhất là các hàng hóa nông sản của tỉnh (rau quả, thịt gia cầm, thủy sản, gạo,...) với các kênh phân phối (siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối,...) trong và ngoài tỉnh.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, trong đó tập trung thúc đẩy khởi nghiệp, chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp,...

Thứ ba, tăng cường huy động, sử dụng và phát huy hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, trong đó:

Về đầu tư công, tỉnh tiếp tục thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư để thực hiện dự án, đặc biệt là các dự án quy mô lớn sử dụng ngân sách Trung ương (Đường giao thông hai bên bờ sông Bảo Định; Đường phát triển vùng Đồng Tháp Mười,...).

Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án sử dụng vốn ngân sách tỉnh phục vụ xây dựng 04 xã nông thôn mới, 11 xã nông thôn mới nâng cao, 02 huyện nông thôn thôn mới Cái Bè, Châu Thành trong năm 2023 và các dự án có quy mô lớn như cầu Tân Phong, cầu Tân Thạnh,...; các dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình mục tiêu quốc gia (giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới), 02 dự án khẩn cấp sử dụng vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2022.

Tiếp tục rà soát việc bố trí kế hoạch vốn cho các dự án phù hợp với tiến độ thực hiện; điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn.

Tiếp tục thực hiện tạm ứng vốn từ Quỹ phát triển đất để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng; thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng. Kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về quy trình, thủ tục đầu tư, đấu thầu, giải phóng mặt bằng để đảm bảo hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch đầu tư công năm 2023 và chuẩn bị tốt cho kế hoạch đầu tư công năm 2024.

Về tăng cường công tác xúc tiến và thu hút đầu tư, tỉnh xem xét, ban hành quy chế hoạt động của Tổ Thẩm định dự án đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; Quyết định kiện toàn thành viên Tổ thẩm định dự án đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; Danh mục dự án mời gọi đầu tư năm 2023; Kế hoạch tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư 2023, hướng đến hoàn thiện mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top