Aa

Tiền kỹ thuật số ngân hàng trung ương có thay thế tiền thật?

Chủ Nhật, 13/06/2021 - 10:00

Tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành (Central Bank Digital Currency - CBDC) đang được không ít quốc gia nghiên cứu, triển khai và có khả năng trở nên phổ biến trên thế giới.

Câu hỏi đặt ra là, liệu CBDC có đe dọa sự tồn tại của tiền thật?

Ảnh hưởng lớn nhất của sự ra đời CBDC là nó sẽ tác động mạnh hệ thống ngân hàng thương mại, vốn đóng vai trò như trung gian thanh toán giữa các chủ thể trong nền kinh tế. Thậm chí, CBDC có thể làm cho các ngân hàng thương mại trở nên vô dụng, bởi CBDC cho phép người tiêu dùng trực tiếp thanh toán qua ngân hàng trung ương, cho phép các cá nhân và nhà bán buôn bỏ tiền vào hệ thống CBDC, thay vì hệ thống các ngân hàng thương mại truyền thống.

Như vậy, các ngân hàng thương mại sẽ mất cơ hội tiếp cận một nguồn vốn giá rẻ có nguồn gốc từ tiền gửi thanh toán của cá nhân và tổ chức, dẫn đến dư nợ cho vay trong nền kinh tế sụt giảm và các hoạt động kinh tế tư nhân trở nên trầm lắng hơn, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Với sự xuất hiện của CBDC, trong nền kinh tế sẽ tồn tại cùng lúc 2 loại giá khác nhau cho cùng một loại hàng hóa và dịch vụ, tùy thuộc chúng được đo lường bằng tiền thật hay tiền CBDC. Để đỡ phức tạp, có lẽ giá bán lẻ hàng hóa và dịch vụ sẽ được niêm yết bằng đơn vị tiền thật truyền thống, song song với tỷ giá chuyển đổi giữa tiền thật và CBDC.

Bằng cách ngăn cách hai khu vực kinh tế dùng tiền thật và CBDC, ngân hàng trung ương có một công cụ điều tiết chính sách tiền tệ mới rất hữu hiệu. Thay vì phải dùng nghiệp vụ thị trường mở và tỷ lệ dự trữ bắt buộc để điều tiết lượng tiền bơm vào nền kinh tế như truyền thống, nay với CBDC, ngân hàng trung ương chỉ cần điều tiết lượng phát hành CBDC là có thể gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế thực. Hành động điều tiết CBDC của ngân hàng trung ương khi đó cũng sẽ là một chỉ số cho thấy đường hướng chính sách của ngân hàng trung ương mong muốn đối với nền kinh tế.

Cứ như vậy, khu vực tài chính dựa trên CBDC sẽ liên tục phát triển, kéo theo đó là mức độ số hóa của nền kinh tế, cũng như nhu cầu cao hơn đối với hệ thống thanh toán và chi trả dựa trên CBDC. Có thể nói, đến khi đó, nền kinh tế sẽ được chia thành 2 khu vực tồn tại song song: Một khu vực dựa trên tiền truyền thống và một khu vực dựa trên CBDC ngày càng phát triển, lấn lướt khu vực kia.

Sự ra đời của CBDC có làm cho các đồng tiền số tư nhân phát hành diệt vong không? Rất có thể, câu trả lời là không, bởi CBDC chỉ có thể đáp ứng một số mục đích, chứ không phải là tất cả. Chẳng hạn, với mục đích riêng tư, nặc danh, CBDC sẽ không đáp ứng được như các đồng tiền số tư nhân như Bitcoin.

Trong khi đó, bản thân các ngân hàng thương mại cũng có thể phản ứng lại sự lấn lướt, cũng như sự lựa chọn mang tính phân biệt người dùng của CBDC (chỉ cho phép các nhà bán buôn tiếp cận hệ thống CBDC...) bằng cách phát hành tiền số ổn định stablecoin gắn giá trị với CBDC. Việc này cho phép nhà bán lẻ và người tiêu dùng tiếp cận một cách gián tiếp với CBDC. Lúc đó, trong nền kinh tế sẽ tồn tại cùng lúc nhiều loại tiền, gồm CBDC, stablecoint, tiền thật truyền thống, tiền số tư nhân và thậm chí cả CBDC do ngân hàng trung ương nước ngoài phát hành.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top